Choáng ngợp với "cung điện" ngập vàng như ở Dubai
"Nếu như ở Dubai có chợ vàng, đồ trang sức vàng được bày ra như rau ở chợ đầu mối thì ở miền Tây có cung điện dát vàng. Chúng ta sẽ bị mê hoặc với hàng ngàn sản phẩm, nội thất vàng ở đây" - một YouTuber không thể kiềm chế phấn khích mà thốt lên như vậy.
Từ khi được hoàn thiện vào cuối năm 2020 cho đến giờ, "cung điện" dát vàng của đại gia bất động sản ở Ninh Kiều, Cần Thơ vẫn khiến nhiều người kinh ngạc. Cơ ngơi 3 tầng này vốn tên là "Ngôi nhà gạch men", do chủ nhân sưu tầm hơn 100 mẫu gạch men mạ vàng quý hiếm ở Ấn Độ, Trung Quốc về để ốp, trang trí lên nhà.
"Cung điện" dát vàng nổi tiếng miền Tây.
Chủ nhân mê cái lấp lánh, chói lóa của vàng lên đã quyết định dát vàng hàng nghìn vật phẩm mình mang về trong những chuyến du lịch đi hơn 20 quốc gia. Sau đó, anh cho dát vàng cả những vật phẩm thường ngày như bàn ghế, nón lá, bát đĩa, mô hình trái cây... tạo nên một không gian ngập tràn ánh vàng. Sau đó, ngôi nhà có tên mới là "Ngôi nhà dát vàng".
Do nhiều người nhầm lẫn rằng các vật phẩm được phủ sơn nhũ vàng, chủ nhân còn phải... treo biển thông báo và dặn dò tỉ mỉ nhân viên trông nom cơ ngơi này về tên, nguồn gốc của các vật phẩm cũng như cách thức mạ vàng.
Khu vực bếp được mạ vàng từ kệ cho đến bát đũa, mô hình hoa quả.
Chủ nhân "cung điện" mạ vàng ở Cần Thơ khẳng định, những sản phẩm được trưng bày tại đây đều được dát vàng. Người ta dùng vàng lá cán mỏng dát trực tiếp lên sản phẩm, trải qua nhiều công đoạn dát, dán... cho đến khi vừa mắt thì phết một lớp sơn bón thành lớp bảo vệ để vàng dát không bị bong ra.
Tùy vào giá trị và đặc tính riêng của từng vật phẩm mà nghệ nhân dát vàng sẽ chọn vàng độ tuổi khác nhau để dát lên. Nhân viên ở đây tiết lộ, càng lên cao thì các vật phẩm càng có giá trị cao và được dát bằng loại vàng già tuổi hơn.
Nhiều vật phẩm có giá trị cao được đại gia bất động sản dát vàng.
Đại gia miền Tây bày biện nhiều đồ dát vàng trong "cung điện", Đông Tây kim cổ đủ cả, thậm chí có những đồ trang trí quý như tam kiếm song phủ, bản sao ấn chỉ của vua, long đao, tượng Phật...
Anh bỏ ra nhiều công sức cũng như số tiền khổng lồ để làm ra ngôi nhà dát vàng. Phải mất 6 năm từ khi lên ý tưởng cho đến thực thi, hoàn thiện, ngôi nhà mới có diện mạo như hiện tại.
Từ phòng sưu tập riêng đến điểm tham quan nổi tiếng
Anh Nguyễn Văn Trung (1970) được biết đến là một đại gia có tiếng trong lĩnh vực bất động sản ở Cần Thơ và miền Tây. Đại gia này từ chối cung cấp con số cụ thể đã đầu tư để làm ngôi nhà dát vàng, chỉ úp mở rằng đó là một con số khổng lồ.
Thực ra, ban đầu ngôi nhà này là phòng sưu tập riêng, là chốn thư giãn của ông chủ, đề lưu giữ những kỷ niệm trong hành trình du lịch hơn 20 quốc gia anh. Nhưng chiều theo đề xuất của người thân và hàng xóm xung quanh, anh quyết định mở cửa cho khách vào tham quan.
Ông chủ của ngôi nhà dát vàng Cần Thơ.
Khách đến tham quan nhà dát vàng phải trả 80 ngàn/vé/người. Với mức giá này, họ có "đặc quyền" chơi, ngắm nghía trong nhà bao lâu tùy thích. Họ cũng có thể thoải mái chụp ảnh, ngồi, sờ một số hiện vật nhất định trong giờ mở cửa là 6h sáng đến 6h tối.
Với mức giá tham quan trên, mỗi người còn được tặng một ly nước ở quán cafe rộng 1.500 m2, cũng thuộc sở hữu của anh Nguyễn Văn Trung. Khu vực này vốn là vườn riêng, anh định làm khu nghỉ dưỡng cá nhân, nhưng đã chuyển đổi công năng để phục vụ khách tham quan.
Trong vườn, chủ nhân cũng sưu tầm nhiều cây quý, độc lạ như cây dừa 3 đọt - biểu tượng của quán, cây cau 11 đọt, cây dừa dáng tôm, thiên tuế, phát tài trăm năm tuổi... "săn lùng" ở Trà Vinh, Hậu Giang.
Quán cafe này cùng cung điện dát vàng tạo thành một quần thể du lịch độc đáo, được nhiều người dân địa phương và các vùng lân cận yêu thích. Đại gia bất động sản đã "nhường" hẳn khu vực này cho khách tham quan và ở tại cơ ngơi khác.
Nơi đây đã trở thành điểm check-in yêu thích của giới trẻ.
(Tham khảo nguồn: Độc lạ Bình Dương, Phạm Dũng)