Bà Trịnh Quỳnh Giao – ‘bóng hồng quyền lực’ duy nhất trong HĐQT của Coteccons ‘dưới triều đại’ Kusto Group
Năm 2020 đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với Coteccons khi những mâu thuẫn về lợi ích giữa cổ đông lớn Kusto và dàn lãnh đạo cũ được đẩy lên tới đỉnh điểm và kết thúc bằng việc hàng loạt nhân sự cao cấp và người sáng lập Nguyễn Bá Dương lần lượt từ nhiệm.
Khi ấy, Coteccons chỉ còn lại 5 thành viên HĐQT người nước ngoài, 3 người trong số đó ủy quyền lại cho các cá nhân người Việt Nam. Bà Trịnh Quỳnh Giao xuất hiện trước hết với vai trò đại diện cho cổ đông The8th, nắm giữ 10,42% cổ phần Coteccons; rồi không lâu sau đó, bà được bổ nhiệm trở thành Giám đốc đầu tư của Coteccons và thường xuyên tham gia những sự kiện quan trọng của Coteccons.
Bà Giao là người có bề dày 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư tài chính. Bà từng tham gia HĐQT của không ít doanh nghiệp lớn trên thị trường như Hoa Sen, FPT, Thủy sản Minh Phú …; cũng như quản lý các khoản đầu tư của Red River Holding trong nhiều công ty xây dựng và bất động sản lớn như Phát Đạt, Hà Đô, BCCI, Licogi…
Về phía Coteccons, có thể nói: giai đoạn nửa cuối năm 2020 là thời kỳ khó khăn nhất trong suốt chặng đường hình thành và phát triển khi mà những mâu thuẫn thượng tầng ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình kinh doanh của công ty. Trong suốt 6 tháng cuối năm, công ty hầu như không có thêm bất kỳ hợp đồng ký mới nào, trong khi chi phí bán hàng và quản lý liên tục tăng.
Doanh thu và lợi nhuận năm 2020 rơi xuống mức thấp nhất kể từ 2015. Thêm vào đó, tình hình kinh tế vĩ mô cũng không mấy khả quan, giá sắt thép, bê tông và hàng loạt nguyên vật liệu xây dựng liên tục tăng cao cùng với ảnh hưởng của dịch Covid đã tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp xây dựng. Ngoài ra, còn là việc chảy máu ‘chất xám’ hàng loạt.
Trước những thách thức đó, khó tránh khỏi sự dao động trong tâm lý người lao động trong công ty cũng như sự hoài nghi của thị trường về tương lai của một trong những công ty xây dựng hàng đầu này. Thời điểm đó, Ban lãnh đạo mới của công ty quả thật phải đương đầu trước những nghi ngờ và thử thách rất lớn.
Tuy nhiên, dưới những nỗ lực không ngừng nghỉ của Chủ tịch Bolat Duisenov (ông đã phải nhiều lần gửi tâm thư cho CBCNV của Coteccons để ổn định lòng dân) cùng giàn lãnh đạo cao cấp – trong đó có bà Trịnh Quỳnh Giao, mọi chuyện dần tốt lên với doanh nghiệp này.
Bà Trịnh Quỳnh Giao là 'bóng hồng' duy nhất trong HDQT của Coteccons.
Đầu năm 2021, chỉ trong 3 tháng, Coteccons đã công bố đã trúng thầu hơn 6.000 tỷ đồng từ các chủ đầu tư trong và ngoài nước. Mới nhất, trung tuần tháng 11, Coteccons tiếp tục công bố ra thị trường thông tin của hơn 30 dự án trúng thầu trong năm 2021 với tổng giá trị hơn 22.000 tỷ đồng.
Bộ máy điều hành cũng dần được hoàn thiện: hàng loạt các Phó tổng phụ trách xây dựng - bao gồm cả những cá nhân có tên tuổi trong ngành cũng như những nhân sự cao cấp đã gắn bó với công ty hàng chục năm, lần lượt được bổ nhiệm.
Bên cạnh đó, trong vai trò Giám đốc đầu tư, bà Giao cũng để lại những dấu ấn đậm nét: lần đầu tiên trong lịch sử, bảng cân đối tài chính của Coteccons đã xuất hiện những khoản vay cùng với kế hoạch huy động trái phiếu lên tới 1.000 tỷ đồng cho các kế hoạch phát triển dài hạn của công ty.
Các mối quan hệ với những định chế tài chính lớn cũng lần lượt được thiết lập và thắt chặt điển hình như hợp tác với MBBank, Seabank, HSBC …. Những sản phẩm mang hơi hướng đầu tư như Finance&Build, những khoản đầu tư lớn như giao dịch cổ phiếu IDICO cũng bắt đầu xuất hiện.
Theo chia sẻ từ doanh nghiệp này, thì nguồn tiền mặt dồi dào vốn chỉ được gửi tiết kiệm ở mức lãi suất khiêm tốn nay đã được tối ưu mạnh mẽ thông qua các sản phẩm đầu tư tài chính mới như trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ tiền gửi và các sản phẩm khác của thị trường tiền tệ. Họ muốn đồng tiền của mình tiếp tục được sinh sôi nảy nở, chứ không muốn tiếp tục ‘ăn chắc mặc bền’ như trước kia.
Bà Trịnh Quỳnh Giao từ nhiệm chức vụ Giám đốc đầu tư và rời HĐQT,
Tuy nhiên, không biết vì sao, trong lúc tình hình doanh nghiệp có vẻ ngày càng tốt lên, thì các nhân sự cao cấp lại lần lượt rời đi.
Đầu tháng 11/2021, Coteccons đã thông báo về việc ông Michael Trần – Phó Tổng giám đốc chính thức rời doanh nghiệp này. Lúc tuyển dụng cựu lãnh đạo cấp cao này của Hòa Bình, Coteccons và ông Bolat đã kỳ vọng rất nhiều – bởi ông là một trong những tổng công trình sư dày dạng kinh nghiệm nhất Việt Nam, song không biết lý do gì cả hai là chia tay sớm.
Bà Trịnh Quỳnh Giao
Giờ đến lượt bà Trịnh Quỳnh Giao cũng nối gót rời đi – Rời khỏi chiếc ghế Giám đốc đầu tư và cả vị trí trong HĐQT. Dù vị thế của bà Giao trong Coteccons khác ông Michael Trần, nhưng thông tin rời đi của bà Giao có thể lần nữa có thể khiến nhân sự của Coteccons vốn đang hoang mang lần nữa cảm thấy càng hoang mang hơn.
Ngược lại, việc bà Giao rời đi có thể vì đã làm hết nhiệm vụ của mình với tư cách là người được quỹ The8th ủy quyền: ổn định phần nào cục diện của Coteccons cũng như cơ cấu lại dòng tiền và chiến lược đầu tư.
"Bà Giao cũng để lại dấu ấn rõ nét trong việc đẩy mạnh áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về quản trị công ty, tăng cường công tác quan hệ nhà đầu tư theo hướng minh bạch, tối ưu hóa nguồn lực tài chính với các sản phẩm đầu tư mới giúp cân đối lợi nhuận cho công ty cũng như hỗ trợ hoạt động phát triển kinh doanh.
Những đóng góp của bà có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn thực hiện mục tiêu duy trì nền tảng ổn định cho công ty thời kỳ đầu của quá trình chuyển đổi giai đoạn 2020-2021
Tháng 12/2021 đánh dấu bước ngoặt việc bà Trịnh Quỳnh Giao đã hoàn thành sứ mệnh tại Coteccons trong giai đoạn 2020-2021 và sẽ chuyên tâm theo đuổi mục tiêu sự nghiệp tập trung trong lĩnh vực tài chính", website Coteccons thông báo về sự ra đi của bà Giao như vậy.
‘Bến đỗ’ mới – PVI Holdings
Trong một diễn biến khác, theo nguồn tin riêng của chúng tôi, thì bến đỗ mới của bà Trịnh Quỳnh Giao sau Coteccons chính là Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI). Cụ thể: bà Giao vừa được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc đầu tư PVI Holdings. Ngoài ra, bà Giao cũng sẽ giữ nắm giữ vị trí quan trọng trong Hội đồng quản trị của công ty quản lý quỹ PVI.
Nếu nhìn vào backgroud của bà Giao, thì không có gì khó hiểu khi bà Giao lại về với PVI. Khi là cố vấn cao cấp của Red River, bà Giao từng đại diện Red River quản lý cổ phần nắm giữ tại PVI từ khi công ty cổ phần hoá, nên có sự hiểu biết nhất định về doanh nghiệp này. Sau khi rời đi, bà vẫn thường xuyên theo dõi theo chặng đường phát triển của PVI sau này.
Hơn nữa, ngoài làm việc Red River Holding hay The8th, bà Giao từng là Giám đốc của quỹ Lynx Asia Partner - Singapore, Vietnam Capital Partners – Toronto; là một chuyên gia đầu tư – tài chính có số má trên thương trường.
Phần mình, kể từ khi cổ phần hoá và có sự tham gia của cổ đông lớn HDI Global, PVI đã có những thành tựu phát triển vượt bậc trong lĩnh vực bảo hiểm và tái bảo hiểm. Năm 2021 đánh dấu một cột mốc quan trọng của PVI khi Tập đoàn này, khi họ vượt lên để chính thức trở thành công ty bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất Việt Nam.
Cũng trong năm 2021, sau khi có sự tham gia của IFC, PVI đã cho thấy quyết tâm xây dựng doanh nghiệp thành một định chế tài chính vững mạnh trong cả tài chính đầu tư và quản lý tài sản đầu tư, bên cạnh lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là bảo hiểm với tổng giá trị tài sản đầu tư hiện đang quản lý trên 10.000 tỷ đồng.
Tức là, sau khi rời Cotecons, bà Giao vẫn sẽ tiếp tục phát triển sự nghiệp đầu tư chuyên nghiệp của mình bằng việc đảm nhận vị trí quản lý đầu tư tại PVI. Với cá tính thích phiêu lưu của mình, hẳn PVI Holdings chưa là bến đỗ cuối cùng của doanh nhân sinh năm 1979 này.