Thị trường trong nước xuất hiện phiên chốt lời mạnh nhất trong nhịp tăng vừa qua, đây cũng là phiên có mức thanh khoản cao nhất kể từ đầu tháng 2 tới nay. Áp lực bán tập trung ở nhóm cổ phiếu bluechips, dòng tiền dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu nhỏ.
Đóng cửa, VN-Index mất 9,95 điểm, tương đương giảm 0,92% còn 1070,91 điểm, bên cạnh đó VN30-Index cũng sụt 10,97 điểm, tương đương 1,01% xuống 1078,86 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, toàn thị trường có 194 mã tăng/209 mã giảm, rổ VN30 chỉ có 7 mã tăng trong khi có tới 22 mã giảm.
Về mức độ ảnh hưởng, bộ ba cổ phiếu VHM, VCB và VIC đã lấy đi hơn 3 điểm của VN-Index. Chiều ngược lại, BID là cổ phiếu trụ duy nhất có tác động tích cực đáng kể khi góp gần 0,64 điểm cho thị trường.
Thanh khoản trên toàn thị trường đạt 18.476 tỷ đồng, cao nhất kể từ đầu tháng 2 đến nay, đưa thanh khoản bình quân kể từ đầu tuần này lên mức 17.097 tỷ đồng tăng 45,68% so với bình quân tuần trước.
Các nhóm ngành đồng loạt điều chỉnh khi đối mặt với lực cầu tại vùng giá cao suy yếu nhường chỗ cho lực cung áp đảo. Trong đó, các nhóm ngành tăng nhanh nhất trong thời gian qua là chứng khoán, bất động đều ghi nhận áp lực chốt lời mạnh trong 30 phút cuối khiến nhiều cổ phiếu đảo chiều từ tăng sang giảm như VIX (-5,4%), MBS (-4,8%), FTS (-4,1%), VND (-3,4%), DXG (-4,4%), HQC (-3,6%), ....
Theo sau, họ dầu khí cũng đồng loạt lao dốc với loạt cổ phiếu giảm mạnh như PVT (-2,7%), PVS (- 2,7%), BSR (-2,4%)...
Bên cạnh đó, việc khối ngoại đảo chiều bán ròng 5/10 phiên gần nhất cũng để ngỏ khả năng thị trường giai đoạn sắp tới sẽ thiếu đi sự dẫn dẫn dắt của dòng vốn nước ngoài sau giai đoạn giải ngân mạnh mẽ trước đó. Với những yếu tố trên, nhiều nhà đầu tư băn khoăn không biết đây đã phải thời điểm thích hợp để thực hiện chốt lời một phần danh mục.
Dưới góc nhìn kỹ thuật, nhóm phân tích của Chứng khoán MB (MBS) cho rằng tín hiệu chốt lời ngắn hạn đã rõ nét hơn cho đến phiên giao dịch hôm qua, 3 phiên trước thanh khoản cũng ở mức cao nhưng VN-Index vẫn không thể dứt điểm được vùng cản quanh 1.082 điểm.
Với thanh khoản đang ở mức cao nhất hơn 2 tháng qua, thị trường có thể hấp thụ được lượng hàng chốt lời ngắn hạn, tuy vậy với tín hiệu giảm dứt khoát ở những phút cuối phiên cũng như trong phiên ATC thì các nhịp hồi trong các phiên tới sẽ là thời điểm nhà đầu tư tận dụng để chốt lời hơn là mở thêm vị thế mua mới.
Tương tự, nhóm phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng thời điểm hiện tại nhà đầu tư cần tránh trạng thái quá mua và nên tận dụng nhịp tăng của thị trường để chốt lời hoặc bán ra để giảm thiểu rủi ro cho danh mục.
Theo góc nhìn của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), việc các chỉ báo mới hình thành 1 đỉnh tại khung đồ thị ngày cho thấy đây có thể chỉ là nhịp điều chỉnh ngắn hạn, tuy nhiên mức độ giảm điểm có thể sẽ vẫn là khá lớn do bối cảnh chung hiện tại thiếu vắng thông tin hỗ trợ trên thị trường. Vùng hỗ trợ gần nhất là 1.050 điểm.
“Các nhà đầu tư nên thuận theo xu hướng ngắn hạn trên thị trường và chốt lời một phần các cổ phiếu đã đạt lợi nhuận và nâng cao tỷ trọng tiền mặt để chờ đợi mua vào ở những nhịp rung lắc điều chỉnh giảm mạnh có thể sẽ xuất hiện trong những phiên tới”, nhóm phân tích của VCBS cho hay.
Kịch bản nào cho VN-Index trong thời gian tới?
Báo cáo chiến lược của VNDirect Research chỉ ra thị trường tháng 4 được hỗ trợ bởi lãi suất trong nước giảm và dòng vốn từ các quỹ ETF nước ngoài. Tuy nhiên, triển vọng lợi nhuận quý I/2023 khá tiêu cực là yếu tố cản trở đà tăng mạnh của thị trường.
Do các yếu tố tác động trái ngược, VN-Index được dự báo sẽ duy trì xu hướng tăng từ từ trong tháng 4 với biên độ dao động trong khoảng 1.030 - 1.110 điểm.
Theo nhóm phân tích của VNDirect, nhà đầu tư dài hạn có thể xem xét mua vào một phần danh mục khi lãi suất giảm, trong khi nhà đầu tư ngắn hạn nên kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi thị trường hình thành xu hướng rõ ràng.
Chia sẻ tại chương trình “Khớp lệnh” của VTV Digital, ông Nguyễn Tuấn Anh, nhà sáng lập FinPeace cho rằng nếu nhịp tăng điểm này là sóng tăng thật, sắp tới thị trường sẽ có một đợt điều chỉnh và sau đó, sóng tăng chính sẽ xuất hiện. Ngay khi xuất hiện sóng tăng chính, tất cả các mã sẽ tăng cùng một lúc, đồng nhịp chứ không khác nhịp như thời điểm hiện tại.
Do đó, vị này nhận định thị trường hiện hại chưa phải sóng tăng chính. Các nhà đầu tư chậm chân chưa kịp tham gia vào thị trường giai đoạn vừa qua không nên quá FOMO. Điều mọi người cần làm là chờ đợi một nhịp điều chỉnh, tại nhịp điều chỉnh này, giá giảm cộng thêm thanh khoản tụt xuống thấp trở lại, có thể là một cơ hội đầu tư quan trọng.