Doanh nghiệp

Ông Trương Gia Bình: FPT có cơ hội lớn từ sự bùng nổ ôtô điện

Đứng trước hơn 900 cổ đông tham dự trực tiếp và trực tuyến phiên họp Đại hội cổ đông thường niên chiều 6/4, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT vẫn phong cách "không giấy, không tài liệu". Ông công bố sứ mệnh mới của tập đoàn là "kiến tạo hạnh phúc" và gợi mở những hướng đi trong giai đoạn 2023-2025.

Theo ông Bình, FPT đang đứng trước cơ hội lớn chưa từng có. Tập đoàn giữ vị thế trong ba lĩnh vực "nóng" về chuyển đổi số của thế giới, gồm bảo trì các hệ thống lớn, chuyển đổi ngôn ngữ lập trình cũ lên ngôn ngữ hiện đại và đặc biệt là phần mềm kỹ thuật ôtô điện.

Hiện FPT là một trong số ít những tập đoàn tại Việt Nam có độ phủ về mạng lưới khắp toàn cầu, nhân sự phân bổ ở nhiều quốc gia, làm việc ở mọi múi giờ. Trong đó một thế mạnh là người FPT có thể nói nhiều ngôn ngữ, theo ông Bình, là "lợi thế khác biệt" so với các tập đoàn khác chỉ sử dụng tiếng anh.

"FPT khác với các công ty khác là nhân sự tiếng nào cũng nói được, vì thế chúng tôi có thể mang tới cho khách hàng chất lượng phục vụ cao nhất khi dùng chính tiếng bản địa để giao tiếp với họ", Chủ tịch FPT nói và cho biết tập đoàn này đã giành được những hợp đồng hàng chục triệu USD một phần nhờ lợi thế này.

Điều này là một phần thúc đẩy lợi thế lớn khác của FPT - sản xuất phần mềm cho ôtô điện. Tesla đã mở ra cuộc cách mạng từ ôtô cơ khí sang ôtô điện. Tuy nhiên, nhóm làm xe thì không thạo công nghệ số, còn nhóm tin học thì không thạo kỹ thuật ôtô. Theo ông Trương Gia Bình, thế giới đang chờ đợi một công ty am hiểu cả kỹ thuật số và kỹ thuật ôtô, và đó là cơ hội của FPT.

"May mắn cho FPT là từ 20 năm trước đã tham gia viết phần mềm cho ôtô", ông Bình kể. Tập đoàn đã làm việc với hầu hết lĩnh vực trong mảng ôtô, từ công ty phụ tùng, hãng ôtô, làm phần mềm sản phẩm. Lợi thế này giúp FPT là công ty tin học hiếm hoi có thể tham gia vào hệ sinh thái xe điện.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT tại phiên họp thường niên chiều 6/4. Ảnh: FPT

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT tại phiên họp thường niên chiều 6/4. Ảnh: FPT

Tập đoàn đã bán được ba hệ điều hành cho ba hãng ôtô. FPT cũng là một trong những công ty đứng đầu về phần mềm tích hợp giúp hỗ trợ lái xe, điện tử công suất, và đứng top 5 thế giới về phần mềm cho kỹ thuật ôtô.

"Đây sẽ là một ngành rất nóng, có thể tăng trưởng cao mà FPT lại có vị thế. Cơ hội quá lớn", ông Bình nhận xét.

Ngoài lĩnh vực ôtô điện, FPT là có thể giúp các tập đoàn tài chính lớn chuyển hệ thống của họ từ ngôn ngữ Cobol - ngôn ngữ phần mềm chạy trên máy tính lớn đã được viết từ thế kỷ trước - lên hệ thống hiện đại.

Theo lãnh đạo FPT, rất nhiều công ty lớn đang mắc kẹt ở đây. Nhiều tập đoàn cần chuyển hệ thống của họ từ Cobol sang Java, chạy trên môi trường đám mây (cloud), tái cấu trúc thiết kế và lập trình mới (refactoring), tích hợp và sau cũng vận hành hệ thống.

"Đây là công việc khổng lồ và nhiều doanh nghiệp lúng túng không biết làm thế nào. FPT có người, có công nghệ, có phương pháp luận giải quyết việc này", ông chia sẻ.

Ngoài việc nắm bắt ba cơ hội về chuyển đổi số, một trụ cột trong "kiến tạo hạnh phúc" là chiến lược DC5 (tổ hợp số 5.0). Tổ hợp này gồm 5 yếu tố cốt lõi: công nghệ AI, dữ liệu, định danh, giao tiếp và điểm chạm.

Những năm gần đây, FPT đã triển khai chuyển đổi số cấp độ 1, là tự động hóa tác nghiệp nhằm giải phóng người lao động khỏi các công việc nhàm chán, tăng năng suất và tối ưu lợi nhuận. Từ năm 2023, tập đoàn chuyển đổi số ở cấp độ cao hơn, là tự động hóa các điểm chạm giữa người tiêu dùng với FPT, giữa người dân với chính quyền và giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp.

"Hạnh phúc của người tiêu dùng là có ngay điều mình đang muốn chỉ bằng một cú chạm. Một chạm bao gồm cả thanh toán điện tử, nhận điểm thưởng, có thể cả mua trước trả sau hay bảo hiểm", ông Bình nói và cho rằng doanh nghiệp nào cũng cần làm việc với nhiều đối tác nên công nghệ người máy sẽ giúp tối ưu hơn, tiết kiệm hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn, an toàn hơn, minh bạch hơn.

Năm nay, FPT tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng bền vững với cam kết doanh thu tăng 18,8%, còn lợi nhuận tăng 18,2% trong bối cảnh kinh tế và ngành công nghệ có nhiều khó khăn.

Theo Tổng giám đốc Nguyễn Văn Khoa, một trong những động lực giúp FPT tăng trưởng ấn tượng là nhờ chiến lược toàn cầu hóa.

Năm 2022, dịch vụ công nghệ thông tin đóng góp 44% lợi nhuận cho FPT. Trong đó, thị trường nước ngoài tăng trưởng doanh thu hơn 30%, đặc biệt tại Mỹ tăng hơn 50% và châu Á - Thái Bình Dương tăng 35,7%. Sau 23 năm vươn ra nước ngoài, lần đầu tiên doanh số ký hợp đồng của FPT đạt 1 tỷ USD từ thị trường quốc tế.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm