Thời gian làm thủ tục để có được giấy phép lao động kéo dài là một trong các nội dung chính được doanh nghiệp phản ánh tại "Hội nghị Đối thoại giữa Doanh nghiệp và Chính quyền TP HCM" chiều 6/4.
Trong 100 câu hỏi và phản ánh được gửi đến, một doanh nghiệp thuộc Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết đơn xin giấy phép lao động mất 2 tháng chờ đợi. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp đề xuất rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ trên thực tế.
Doanh nghiệp cũng phản ánh thời gian chờ tiếp nhận hồ sơ nộp qua hình thức online còn dài, thông thường sau 7-10 ngày mới có biên nhận. "Biên nhận sẽ ghi ngày hẹn theo đúng luật. Tuy nhiên, do hồ sơ được tiếp nhận chậm dẫn đến tiến độ xin giấy phép lao động ảnh hưởng", một doanh nghiệp nêu.
Trước đó, ngày 1/3, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM thông báo rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục báo cáo giải trình/giải trình thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài từ 10 ngày làm việc xuống còn 7 ngày; cấp lại giấy phép lao động từ 3 xuống 1 ngày.
Tại buổi đối thoại chiều 6/4, Sở đề nghị doanh nghiệp cung cấp mã hồ sơ cụ thể về trường hợp mất 2 tháng làm thủ tục để xem xét lý do cụ thể. Với hình thức nộp online, sở khuyến nghị nếu sau một ngày gửi hồ sơ đi nhưng chưa được tiếp nhận, nên mang hồ sơ giấy đến cơ quan để nộp trực tiếp.
Đại diện sở lý giải thêm, hiện các doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ trực tuyến kể cả ngoài giờ hành chính và ngày cuối tuần nên lượng hồ sơ rất lớn, cần phải có thời gian để cán bộ thẩm định và giải quyết.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội TP HCM đánh giá vẫn còn một số doanh nghiệp khi làm thủ tục chưa đảm bảo khi chuẩn bị các hồ sơ cần thiết, xoay quanh 3 vấn đề chính.
Thứ nhất, giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài của doanh nghiệp chưa đảm bảo các quy định. Thứ hai, hồ sơ thường mắc một số thiếu sót về: hợp pháp hóa lãnh sự, sao y chứng thực và dịch công chứng; nội dung liên quan đến chuyên môn đào tạo, kinh nghiệm làm việc thiếu thông tin cụ thể hoặc không thống nhất với báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài.
Thứ ba, trình bày văn bản chưa đúng, thiếu thông tin hoặc chưa chính xác, tẩy xóa nhiều, hồ sơ nộp trực tuyến và hồ sơ giấy chưa thống nhất. Vì vậy, việc tuân thủ quy định sẽ góp phần giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian cấp phép.
Ông Lâm cho biết sở sẽ rà soát và tiếp tục đề xuất rút ngắn thời gian giải quyết 2 thủ tục là gia hạn giấy phép lao động và xác nhận người nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động từ 5 xuống 3 ngày làm việc.
Một số vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình tuân thủ Nghị định 152 về cấp phép lao động nước ngoài cũng đã được sở báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.
Ví dụ, doanh nghiệp cho rằng quy định giấy phép "chuyên gia nước ngoài" đòi hỏi phải có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc dự kiến tại Việt Nam là khắt khe trong bối cảnh làm trái ngành phổ biến.
Hay như giấy phép lao động nước ngoài chỉ hiệu lực 2 năm và gia hạn một lần tối đa 2 năm. Điều này khiến nhân sự muốn tiếp tục làm việc ở Việt Nam sau khi hết thời gian được gia hạn thì phải làm thủ tục xin cấp giấy phép lao động từ đầu.
Hiệp hội doanh nghiệp Malaysia tại Việt Nam (MBC) đề xuất kéo dài thời gian hiệu lực của giấy phép lao động. Ví dụ ở Malaysia, giấy phép lao động sẽ có thời hạn đến 60 tháng, tùy theo hợp đồng lao động và quyết định của Ủy ban người nước ngoài. Hay ở Singapore, những chuyên gia công nghệ có kinh nghiệm có thể xin thẻ lao động kéo dài hơn 5 năm.