"Tôi đầu tư vào rất nhiều thứ, nhưng cũng tin tưởng vào tương lai của Bitcoin. Nhưng thay vì đổ tiền trực tiếp để mua tiền số, tôi chọn cách khai thác chúng vì sẽ kiếm được nhiều hơn", Taing nói về lý do mình sắm hàng trăm máy đào.
Taing sinh ra tại Thái Lan và hiện sống ở California (Mỹ). Anh gia nhập Apple với vai trò chuyên gia phân tích vào năm 29 tuổi và nghỉ việc sau đó vài năm để sáng lập và điều hành Touzi Capital - công ty chuyên về bất động sản và đầu tư mạo hiểm.
Taing cho biết đã bắt đầu chú ý đến Bitcoin từ 2013 nhưng chỉ đầu tư theo dạng thụ động. Những năm sau, nhận thấy tiềm năng từ việc khai thác tiền số, anh mua một số máy đào về thử nghiệm.
Năm 2020, anh liên hệ với Compass Mining, một dịch vụ chuyên cung cấp và vận hành hệ thống khai thác cho thợ mỏ nhỏ lẻ. Với lựa chọn này, Taing không cần mặt bằng hay phải lập nhà máy khai thác nhưng vẫn có thu nhập từ hệ thống máy đào.
Cho đến nay, các cỗ máy hoạt động tốt và tăng về số lượng theo từng năm. Tính đến đầu năm nay, Taing sở hữu 261 dàn "trâu cày" với nhiều thương hiệu khác nhau, gồm Canaan AvalonMiners, Bitmain Antminer S19 Pros và Whatsminer M30Ss. 200 dàn trong số đó được Compass vận hành và đặt ở Nebraska (Mỹ) và Canada. Toàn bộ tạo ra khoảng 2,8 Bitcoin mỗi tháng, tương đương 111.000 USD.
Bên cạnh việc khai thác thông qua công ty dịch vụ, Taing cũng kiếm được tiền từ việc mua đi bán lại máy đào Bitcoin cho những người có nhu cầu.
Hiện anh sở hữu khối tài sản 250 triệu USD, theo số liệu công bố trên website Touzi Capital.
Dịch vụ vận hành 'giùm' máy đào Bitcoin
Trong khi hầu hết công ty chuyên mua bán, khai thác Bitcoin cỡ lớn thường nhắm mục tiêu khách hàng là doanh nghiệp hoặc những người có vốn đầu tư hàng triệu USD trở lên, số khác bắt đầu đánh vào thị trường ngách. Compass - dịch vụ mà Taing gửi gắm hệ thống "trâu cày" của mình - là một trong số đó.
Compass thành lập năm 2020, hiện cung cấp các hệ thống máy đào cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào có nhu cầu. Công ty cho phép khách hàng mua máy đào mới hoặc đã qua sử dụng với giá từ 4.500 USD tới 26.000 USD, sau đó chuyển chúng đến các trung tâm dữ liệu của đối tác, cuối cùng là lo các công tác hậu cần và bảo trì.
Jon McClellan, một nhân viên của AT&T sống ở Texas, có một máy đào Bitcoin duy nhất mua từ Compass năm 2020 và hiện vận hành ở Oklahoma. "Tôi biết nếu mua Bitcoin từ một người khai thác, tôi sẽ mua theo đúng nghĩa đen, bất cứ khi nào. Nhưng tôi muốn trở thành một phần của mạng bảo mật Bitcoin, muốn có tỷ lệ băm của riêng mình", McClellan nói, đề cập đến tỷ lệ hashrate - chỉ số sức mạnh tính toán của các thợ đào Bitcoin trên toàn thế giới.
Lợi tức đầu tư cho hoạt động khai thác Bitcoin cá nhân thay đổi dựa vào một số yếu tố như chi phí trả trước khi mua thiết bị, số lượng máy đào đang chạy, chi phí điện và lưu trữ.... Việc "gom nhóm" cho phép một người khai thác duy nhất có thể kết hợp với hàng nghìn thợ đào khác trong cùng một nhà máy để tăng hashrate, từ đó tăng cơ hội kiếm Bitcoin. Trong trường hợp của McClellan, anh kiếm được khoảng 400 USD mỗi tháng, nhưng phải trả 150 USD cho các chi phí.
Đối với hơn 250 cỗ máy như của Taing, tỷ suất lợi nhuận mang lại đạt 65-70%, khả năng hoàn vốn khoảng 18 tháng. Tuy nhiên, do có số lượng "trâu cày" lớn, anh được giảm một số khoản phí nhất định, cũng như được tham gia "pool" để tăng sức mạnh khai thác.
Whit Gibbs, CEO Compass, cho biết khách hàng công ty chủ yếu là đơn lẻ - những người mua 1-5 máy với chi phí đầu tư từ 10.000 đến 50.000 USD. "Nó mang lại hiệu quả cho những người có vốn ít nhưng muốn tham gia vào mạng lưới Bitcoin. Chúng tôi muốn có 5% mạng lưới là thợ đào nhỏ lẻ năm nay và sẽ tăng lên từ 10% đến 15% những năm tới", Gibbs nói.
Công ty thanh toán Block (trước đây là Square) của nhà sáng lập Twitter Jack Dorsey cũng đang cố gắng hỗ trợ những người dùng cá nhân khai thác Bitcoin. Trong chuỗi tweet đầu năm nay, Thomas Templeton, người phụ trách phần cứng của Block, đưa ra kế hoạch tạo các hoạt động Bitcoin trọn gói từ việc mua, thiết lập, bảo trì đến khai thác.
"Việc khai thác Bitcoin sẽ dễ như việc cắm một dàn trâu cày vào nguồn điện", Dorsey viết trên Twitter đầu năm nay.
(theo CNBC)