Bill Hwang là một nhà đầu tư người Mỹ có trụ sở tại New York tại Phố Wall. Tờ Wall Street Journal đưa tin Hwang đã mất 20 tỷ USD trong vòng 10 ngày vào cuối tháng 3 năm 2021.
Vụ “sụp đổ” này đã khiến phố Wall phải gánh chịu một đợt “chấn động”, nhiều ngân hàng lớn chao đảo.
Câu chuyện của vị doanh nhân này được không ít người dùng làm minh chứng điển hình cho câu nói vui: “Thành cũng chứng khoán, bại cũng chứng khoán.”
(Phỏng theo câu gốc "Thành dã Tiêu Hà, bại dã Tiêu Hà" trong lịch sử Trung Quốc)
Xuất thân cơ cực, trưởng thành từ lò luyện “sao đầu tư”
Bill Hwang tên thật Sung Kook Hwang. Năm 1982, ông di cư từ Hàn Quốc tới Mỹ và đổi tên sang Bill vào thời điểm này.
Bill Hwang là một người rất kín tiếng, ít tiết lộ về bản thân. Một trong số những thông tin do chính ông nói trong một buổi đi lễ nhà thờ ở New Jersey vào năm 2019 đã cho biết, ông xuất thân từ gia cảnh khốn khó.
“Tôi lớn lên trong một gia đình mục sư. Chúng tôi đã từng nghèo khổ”, Hwang nói. “Tôi phải thú nhận với các bạn rằng hiện không nghèo khổ lắm. Nhưng tôi đã quen sống ở mức thấp hơn vài bậc so với khả năng hiện có”.
Về học vấn, Hwang theo học tại Đại học California ở Los Angeles và sau đó lấy bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh ở Đại học Carnegie Mellon.
Năm 1996, sau thời gian ngắn làm giao dịch viên ở hai công ty chứng khoán, ông đã trở thành chuyên viên phân tích ở quỹ đầu cơ lừng danh Tiger Management (quỹ Hổ) của Julian Robertson - một nhà đầu tư nổi tiếng tài năng trong ngành.
Đây được xem là cơ hội to lớn để Hwang có cơ hội học hỏi từ “những người giỏi nhất” như Robertson. Lò luyện “sao đầu tư” này về sau đã sản sinh ra hàng loạt nhà đầu tư đại tài, thành lập hàng loạt quỹ đầu cơ thành công như Viking Global Investors, Coatue Management hay Tiger Global Management.
Trong thời gian làm việc tại đây, Hwang từng chứng kiến có thời điểm Tiger mất tới 2 tỷ USD do đầu tư trái chiều thị trường vào đồng yên Nhật. Nhưng Robertson vẫn bình tĩnh và chấp nhận lỗ, thay vì cố tìm cách cứu vãn quyết định sai lầm.
Do đó, một trong những bài học quý giá nhất mà Hwang có được chính là: Phải chấp nhận thua lỗ là một phần của cuộc chơi.
Năm 2001, khi Tiger đóng cửa, chính Robertson đã khuyên Hwang mở quỹ đầu tư riêng và đề nghị bơm vốn ban đầu để giúp ông. Do đó, quỹ Tiger Asia Management đã được ra đời.
Ban đầu, Hwang chỉ đầu tư vào các công ty châu Á, cụ thể là những doanh nghiệp đang làm ăn ở các thị trường nội địa tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Ông thường chia đều các khoản đầu tư và có thói quen giữ kín những tính toán riêng, kể cả với nhóm phân tích thị trường của mình.
Khi mà những tính toán này mang lại “trái ngọt”, nhiều vụ đầu tư thắng lớn, lượng tài sản Tiger Asia nắm giữ có lúc đã tăng tới 10 tỷ USD. Những điều này khiến những người góp vốn cho Tiger Asia càng thêm tin tưởng vào các quyết định của Hwang.
Tuy nhiên, chấp nhận “siêu lợi nhuận” cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận “siêu rủi ro”. Giống như đa số các nhà đầu tư, Hwang không thể lúc nào cũng đúng.
Năm 2008, Tiger Asia tiến hành bán khống một lượng lớn cổ phiếu của Volkswagen AG với kỳ vọng sẽ mua lại chúng sau đó với giá thấp hơn. Tuy nhiên, ngay sau đó, thông tin Volkswagen sắp sáp nhập với hãng xe sang Porsche đã đẩy giá cổ phiếu tăng gấp 4 lần.
Hwang đã buộc phải chấp nhận rằng quyết định sai của ông đã gây tổn thất nghiêm trọng. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư tức giận, rút tiền bỏ đi. Kết thúc năm, tài sản của Tiger Asia giảm mất 23%.
Tới năm 2012, Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) cáo buộc Tiger Asia đã có hành động giao dịch nội gián và cố tình can thiệp để điều chỉnh giá 2 cổ phiếu ngân hàng quốc tế. Tiger Asia đã phải nộp phạt một số tiền không nhỏ.
Bê bối này khiến ông đóng cửa Tiger Asia, đổ 200 triệu USD còn lại vào Archegos.
Cuộc chơi “thăng cấp”: Siêu lợi nhuận và siêu rủi ro
Theo Bloomberg, trong những năm đầu, Archegos “đổ tiền” vào các mã cổ phiếu công nghệ như Amazon (nền tảng mua sắm trực tuyến), Expedia Group (công ty mua sắm du lịch trực tuyến) và LinkedIn (mạng xã hội nghề nghiệp mà Microsoft mua vào năm 2016).
Hwang có niềm tin rằng, cổ phiếu công nghệ là hướng đầu tư đúng đắn. Và niềm tin của ông đã đúng. Trong năm 2016, Archegos thu lời gần 1 tỷ USD. Tới năm 2017, số tiền vốn của công ty đã lên tới khoảng 4 tỷ USD.
Những tính toán của Hwang đem lại khoản lợi nhuận lớn nên dành được lòng tin của mọi người. Ảnh: FT
Thông qua việc sử dụng hợp đồng hoán đổi, Archegos đã đều đặn nâng cao tỷ lệ tiền vay trong các giao dịch mua cổ phiếu. Ban đầu tỉ lệ này chỉ khoảng “2x”, có nghĩa cứ mỗi 1 triệu USD tiền vốn, công ty sẽ vay ngân hàng thêm 1 triệu USD nữa. Sau đó, tỉ lệ đã lên tới “5x” và trong một số trường hợp còn hơn thế.
Điều đáng ngại là Hwang vay rất nhiều tiền từ nhiều ngân hàng khác nhau để đầu tư cho chỉ vài mã chứng khoán và giữ kín điều này. Một số quỹ đầu tư, ngân hàng hợp tác với Hwang bao gồm Morgan Stanley, Goldman Sachs, Credit Suisse và Wells Fargo & Co…. Khi mà các khoản đầu tư vẫn liên tục lãi, hầu như người ta không hề nghi ngờ hay cảm thấy có dấu hiệu đáng báo động.
Quý IV/2020, Hwang thành công vang dội. Trong khi chỉ số S&P 500 tăng trưởng 12%, 7/10 mã cổ phiếu mà Archegos bỏ tiền đầu tư đã tăng hơn 30% giá trị. Trong đó Baidu, Vipshop và Farfetch tăng tới 70% giá trị.
Điều này giúp Hwang trở thành một trong những khách hàng được “ưu ái” bậc nhất Phố Wall. Các ngân hàng vẫn tiếp tục cho vay vốn nhiều hơn khi chứng kiến Hwang liên tục đổ tiền vào thị trường, tăng uy tín với các khoản đầu tư sinh lời.
Mặc dù vậy, cách đầu tư của Hwang tiềm ẩn rủi ro vô cùng lớn. Một khi “đứt xích”, cả chuỗi đầu tư sẽ sụp đổ theo. Điều này đã xảy đến với sự kiện Viacom, một trong những công ty mà Hwang tập trung đầu tư, bắt đầu bán ra lượng lớn cổ phiếu và các khoản nợ có tổng giá trị lên tới 3 tỷ USD.
Trước đó, cổ phiếu của Viacom đã tăng gấp 3 lần giá trị ban đầu nhờ nỗ lực mua liên tiếp của Hwang. Tuy nhiên, để đương đầu với sự cạnh tranh khủng khiếp từ các đối thủ như Apple TV, Disney+, HBO và Netflix, công ty này đã phải nỗ lực tích tụ thêm vốn.
Ngay khi thông tin được tung ra, giá cổ phiếu lập tức tụt mất 9% vào ngày hôm sau và tiếp tục tụt tới 23% vào ngày tiếp theo. Khoản đầu tư khổng lồ của Hwang đột nhiên trở thành lỗ nặng, qua đó đe dọa tới hợp đồng hoán đổi mà ông ta lập với cánh ngân hàng. Khoản tiền mặt ít ỏi có trong tay cũng không đủ để nộp tiền ký quỹ cho các bên, gia tăng lớp đệm rủi ro. Điều này khiến các ngân hàng đã cho ông vay tiền “nơm nớp lo sợ”.
Morgan Stanley là đơn vị đầu tiên quyết định ra tay “tự cứu lấy mình”. Không hề thông báo trước điều gì, công ty này lặng lẽ bán giảm giá tất cả cổ phiếu có tổng giá trị 5 tỷ USD từ hợp đồng hoán đổi với Archegos cho một nhóm quỹ đầu tư.
Sang hôm sau, Goldman, Deutsche Bank AG và Wells Fargo cũng có động thái bán sạch những nhóm cổ phiếu từ hợp đồng hoán đổi với Archegos có trị giá lên tới hơn chục tỷ USD.
Loạt hành động này đã giúp các đơn vị này thoát ra khỏi khủng hoảng với một khoản tổn thất nhất định, nhưng đồng thời kéo giá cổ phiếu xuống sâu hơn nữa và gây thiệt hại khổng lồ cho những bên còn lại.
Credit Suisse đã mất 4,7 tỷ USD, Nomura mất 2 tỷ USD, trong khi đó, công ty Archegos mất toàn bộ tài sản ước tính 20 tỷ USD và phải tuyên bố phá sản.
Tòa nhà số 888 ở 7th Ave. (New York) từng là trụ sở của Archegos.
Sự cố xảy ra với “cá voi” Bill Hwang đã để lại một cú sốc lớn trong lòng nhiều nhà đầu tư, thậm chí khiến Phố Wall chao đảo trong một thời gian dài.