Trong quý I vừa qua, Công ty cổ phần Thép Nam Kim (Mã: NKG) ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 7.151 tỷ đồng, tăng trưởng 47% so với quý I năm ngoái. Lợi nhuận gộp cũng nhảy vọt từ 610 lên 957 tỷ.
Giải trình của Nam Kim cho biết doanh thu tăng là do công ty đẩy mạnh các kênh bán hàng trong nước và xuất khẩu.
Sau khi trừ đi các khoản chi phí, công ty có lãi ròng gần 507 tỷ đồng. Biên lợi nhuận ròng đạt 7,1%, cao hơn cùng kỳ năm ngoái cũng như quý liền trước, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. Mức biên lợi nhuận này vẫn thấp hơn các con số trong quý II và quý III/2021 khi giá thép tăng cao và công ty có hàng tồn kho giá rẻ.
Theo Nam Kim, sản lượng sản xuất tăng làm cho chi phí sản xuất bình quân giảm, biên lợi nhuận gộp tăng làm cho lãi ròng tăng
Lợi nhuận tăng trưởng rõ rệt nhưng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trong quý I vừa qua âm tới 1.207 tỷ đồng, cao hơn nhiều mức âm 39 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu là biến động ở các khoản mục phải thu, phải trả, dự phòng và thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp.
Dòng tiền từ hoạt động đầu tư cũng âm 169 tỷ đồng, so với mức âm chỉ 1,4 tỷ đồng của một năm trước. Lý do là Nam Kim chi hơn 150 tỷ đồng để mua sắm, xây dựng tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác. Tiền chi cho vay và mua các công cụ nợ của đơn vị khác lên tới hơn 46 tỷ đồng.
Nam Kim phải bổ sung dòng tiền bằng hoạt động tài chính. Trong quý I vừa qua, công ty trả nợ gốc vay hơn 4.700 tỷ đồng như thu từ đi vay mới gần 6.200 tỷ, dẫn tới dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính dương 1.468 tỷ.
Tiền và tương đương tiền tại ngày cuối quý I đạt gần 844 tỷ đồng, tăng 93 tỷ so với ngày đầu năm 2022.
Tại đại hội cổ đông thường niên tổ chức ngày 22/4 vừa qua, Tổng Giám đốc Võ Hoàng Vũ cho biết doanh thu của Nam Kim đạt khoảng 7.100 tỷ đồng trong quý I và sẽ tăng lên trên 8.000 tỷ đồng trong quý II do không còn tắc nghẽn về logistics và gián đoạn vì đợt nghỉ Tết Nguyên đán.
Lãnh đạo Nam Kim cũng cho biết lượng tồn kho về nguyên liệu, thành phẩm tại ngày 31/3 là khoảng 8.500 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với ngày 31/12/2021. Số lượng này đáp ứng đủ cho một quý hoạt động bán hàng của công ty. Hiện nay đơn hàng của Nam Kim đã được chốt đến giữa tháng 7.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong ba tháng đầu năm 2022, Nam Kim tiêu thụ gần 214.000 tấn tôn mạ và khoảng 31.000 tấn ống thép. Biểu đồ bên dưới cho thấy Nam Kim tụt xuống vị trí thứ 3 về thị phần tôn mạ quý I năm nay, trong khi Đông Á vươn lên xếp số 2.
Nhiều doanh nghiệp thép báo lãi giảm
Trước khi Nam Kim công bố báo cáo tài chính, một số doanh nghiệp đã thông báo kết quả kinh doanh không mấy khả quan.
Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (Mã: SMC) ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng 31% lên 6.630 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế lao dốc tới 62,6% còn 80,5 tỷ đồng.
Giải trình của SMC cho biết sản lượng tiêu thụ quý I năm nay chỉ tăng 7% so với cùng kỳ 2021, nhưng giá thép tăng cao dẫn đến doanh thu tăng 31%. Tuy nhiên, mức tăng của giá thép không đủ bù lại mức tăng nhanh của giá nguyên, nhiên vật liệu sản xuất thép. Kết quả là biên lợi nhuận gộp thu hẹp từ 8,5% trong quý I/2021 xuống còn 2,9% kỳ này.
Công ty cổ phần Thép Việt Ý (Mã: VIS) thông báo doanh thu thuần tăng trưởng 19% lên 1.343 tỷ đồng nhưng lỗ sau thuế 36,5 tỷ, trái ngược với khoản lãi 13 tỷ đồng của quý I/2021.
Tập đoàn Thép Tiến Lên (Mã: TLH) cũng báo cáo doanh thu thuần tăng trưởng gần 84% lên 1.796 tỷ đồng nhưng lãi sau thuế cũng giảm 28% còn 86,4 tỷ đồng.
Giải trình của công ty cho biết giá thành phẩm tăng nên doanh thu cũng đi lên tương ứng. Do giá nguyên vật liệu tăng nhanh hơn giá thành phẩm nên biên lãi gộp và lợi nhuận ròng sa sút.
Hai doanh nghiệp lớn nhất ngành thép là Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) và Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) chưa công bố báo cáo tài chính quý I/2022.