Nhiều người không nhận ra rằng McDonald's không chỉ đơn thuần là một chuỗi nhà hàng bán gà rán và hamburger. Đúng là họ có bán hamburger, nhưng thực tế sâu xa hơn, McDonald's là một công ty bất động sản hàng đầu. Cựu giám đốc tài chính của McDonald's, ông Harry J. Sonneborn, từng khẳng định: "Về mặt kỹ thuật, chúng tôi không kinh doanh thực phẩm. Chúng tôi kinh doanh bất động sản. Lý do chúng tôi bán hamburger với giá mười lăm xu là vì đó là nguồn thu nhập chính, giúp những người thuê trả tiền thuê nhà cho chúng tôi".
"Về mặt kỹ thuật, chúng tôi không kinh doanh thực phẩm. Chúng tôi kinh doanh bất động sản."
Khởi đầu khiêm tốn và bước ngoặt của gã khổng lồ
McDonald's bắt nguồn từ một quầy xúc xích nhỏ do anh em nhà McDonald, con trai của những người nhập cư Ireland, mở vào năm 1937 tại Pasadena, California, Mỹ. Sau đó, họ mở nhà hàng đầu tiên và đến năm 1953 đã gặt hái thành công khi áp dụng phương pháp chế biến hamburger theo dây chuyền. Họ cũng bắt đầu nhượng quyền hệ thống này, nhưng không bao gồm tên và không gian của nhà hàng.
Ray Kroc, một nhân viên bán máy làm sữa lắc, sau khi bán cho anh em nhà McDonald 8 chiếc máy của mình, nhận ra tiềm năng lớn trong mô hình nhà hàng của họ. Năm 1961, sau sáu năm hợp tác với anh em nhà McDonald, Ray Kroc quyết định mua lại toàn bộ hệ thống và trở thành chủ sở hữu của McDonald's Corporation.
Chiến lược nhượng quyền và bất động sản
Nhượng quyền thương mại là mô hình giúp McDonald's mở rộng nhanh chóng. Ray Kroc đã hoàn thiện quy trình nhượng quyền, giúp công ty phát triển mà vẫn kiểm soát chặt chẽ sản phẩm. Cùng thời điểm này, CFO Harry Sonneborn đã đưa ra chiến lược bất động sản cho McDonald's, chiến lược mà công ty vẫn áp dụng cho đến nay.
McDonald's không kiếm tiền bằng cách bán nguyên vật liệu cho bên nhượng quyền hay đòi tiền bản quyền lớn. Thay vào đó, tập đoàn trở thành chủ đất, mua bất động sản và cho bên nhượng quyền thuê lại với mức giá cao. Ngoài thu nhập từ tiền thuê, McDonald's còn nhận phần trăm doanh thu từ mỗi cửa hàng.
Hiện nay, McDonald's kiếm tiền từ bất động sản theo hai cách: công ty con chuyên về bất động sản của họ mua và bán những bất động sản tiềm năng, đồng thời thu tiền thuê từ các cửa hàng nhượng quyền. McDonald's hiện có mặt tại hơn 100 quốc gia với hơn 36.000 cửa hàng, trong đó chỉ có 15% là do tập đoàn trực tiếp sở hữu và điều hành, phần còn lại do các bên nhượng quyền quản lý.
Trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, McDonald's đã tận dụng thị trường bất động sản suy thoái để mua thêm đất và các tòa nhà. Hiện tại, công ty sở hữu khoảng 45% đất đai và 70% tòa nhà tại các địa điểm kinh doanh của mình.
Hiện McDonald's nằm trong top 10 công ty sở hữu bất động sản lớn nhất thế giới tính theo tổng tài sản.
Lợi nhuận khổng lồ từ chiến lược bất động sản
Năm 2020, McDonald's thu được gần 3,78 tỷ USD từ tiền cho thuê các cửa hàng nhượng quyền, chiếm 27% tổng doanh thu trong năm. Hợp đồng cho thuê với bên nhượng quyền McDonald's thường kéo dài 20 năm và có nhiều tùy chọn gia hạn. Nguồn thu nhập ổn định này mang lại cho công ty sự vững chắc về tài chính.
Trong thời kỳ kinh tế khó khăn, việc sở hữu một cửa hàng nhượng quyền McDonald's có thể chịu ảnh hưởng bởi sự sụt giảm lợi nhuận do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên, thu nhập từ tiền thuê vẫn duy trì ổn định, giúp McDonald's có được một lớp bảo vệ tài chính vững chắc trong bối cảnh kinh tế biến động. Việc sở hữu đất đai và tòa nhà giúp McDonald's tránh được những rủi ro tài chính lớn. Nếu bên nhượng quyền gặp khó khăn, công ty có thể nhanh chóng tìm người thuê mới, đảm bảo dòng tiền thuê không bị gián đoạn.
McDonald's cũng không để việc lựa chọn bất động sản phụ thuộc vào may rủi. Các địa điểm của họ được lựa chọn cẩn thận, thường nằm ở các góc phố sầm uất và vị trí chiến lược khác. Danh mục bất động sản này đảm bảo tính hấp dẫn và giá trị lâu dài của các tài sản họ sở hữu.
The Luxyry Playbook dẫn thông tin từ Quỹ đầu tư quốc gia cho biết, hiện McDonald's nằm trong top 10 công ty sở hữu bất động sản lớn nhất thế giới tính theo tổng tài sản.