Tài chính

Thống đốc: Doanh nghiệp SME chưa minh bạch, không có nhiều tài sản dẫn đến khó tiếp cận tín dụng

32/40 ngân hàng đăng ký gói tín dụng 405.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng

Phát biểu tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước chiều ngày 21/9, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định Ngân hàng Nhà nước (NHNN) luôn tạo điều kiện cho sự phát triển của các doanh nghiệp nói chung, trong đó có các NHTM cổ phần nói riêng.

Trước bối cảnh khó khăn, NHNN cùng với các ngân hàng trong hệ thống đã thực sự có trách nhiệm, triển khai nhiều chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, các giải pháp cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi vay, thúc đẩy tín dụng,... 

 Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: NHNN)

Theo thống kê, có tới 32/40 ngân hàng đã đăng ký gói tín dụng mới 405.000 tỷ đồng với lãi suất giảm từ 0,5% đến 2% cấp tín dụng cho doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng bởi bão số 3 vừa qua.

"NHNN đánh giá cao các ngân hàng TMCP đồng hành cùng hệ thống góp phần bảo đảm an toàn hệ thống...", Thống đốc nói.

Trước đó, cả hệ thống ngân hàng giảm lãi khoảng 60.000 tỷ đồng hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID. Gần đây, ngành cũng đóng góp 40 tỷ đồng an sinh xã hội, hỗ trợ cho người dân chịu thiệt hại do bão số 3. Ngoài ra, NHNN đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, duy trì thứ hạng cao về chỉ số cải cách hành chính. 

Doanh nghiệp chưa minh bạch, dẫn đến khó tiếp cận tín dụng

Qua nghe ý kiến của các NHTM cổ phần, Thống đốc đã làm rõ một số nội dung liên quan đến các cơ chế, chính sách của NHNN nhằm tạo thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp nói chung và các ngân hàng TMCP tư nhân nói riêng.

Thống đốc cho biết vấn đề về xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp là vấn đề rất cần thiết. Theo đó, hệ thống thông tin các doanh nghiệp hiện nay còn hạn chế và chưa minh bạch.

Do đó, để cấp tín dụng các ngân hàng thường phải có tài sản đảm bảo, phải có một cơ sở dữ liệu thông tin về các doanh nghiệp để các ngân hàng có cơ sở để xác định cho vay tín dụng, giảm việc phải dựa trên tài sản đảm bảo.

Bà Hồng thẳng thắn chỉ ra, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) có năng lực tài chính hạn chế, trong khi thông tin lại chưa thật sự minh bạch, dẫn đến nhiều khoản vay ngân hàng vẫn yêu cầu có tài sản đảm bảo. Đồng thời, các SME cũng không có nhiều tài sản, dẫn đến việc tiếp cận tín dụng khó khăn.

Về vấn đề gia hạn nợ, lãnh đạo NHNN thông tin thêm việc trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) theo thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, NHNN sẽ rà soát báo cáo, khi áp dụng luật mới. Trước đó, NHNN cũng đa tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định 86 liên quan đến việc trích lập DPRR, các đơn vị phải căn cứ vào luật để thực hiện.

Thống đốc cũng đã đề nghị Bộ Tài chính, Chính phủ quan tâm tháo gỡ những vướng mắc thuế khiến các ngân hàng phải chịu truy thu thuế VAT trong giai đoạn từ 2010 đến 2024 với số tiền lớn. Nguyên nhân là một số cơ quan thuế coi thư tín dụng (LC) là "dịch vụ". 

Với những kiến nghị về khó khăn trong xử lý tài sản bảo đảm, Thống đốc khẳng định khi xây dựng luật Các TCTD, NHNN luôn kiên định luật hoá. Tuy nhiên, nội dung này vẫn còn khó khăn tồn tại và chưa được Quốc hội phê duyệt.

Về ngân hàng xanh, Thống đốc cho hay, NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động của Ngân hàng Nhà nước triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, trong đó có quy định về tín dụng xanh, ngân hàng xanh ....Tuy nhiên, tiêu chuẩn xanh như thế nào đòi hỏi các bộ, ngành chức năng phải có hướng dẫn và từ đó các TCTD có cơ sở triển khai.

Ngoài ra, có thực trạng doanh nghiệp vay vốn sau nhiều năm mới triển khai dự án, trong thời gian chờ đó, phải trả lãi nhiều hơn. Nhưng không phải lý do từ ngân hàng mà do các thủ tục dự án bị kéo dài, cần sự quan tâm gỡ vướng từ cơ quan quản lý. Do vậy, Thống đốc đã kiến nghị cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. 

Cuối cùng, Thống đốc cho biết từ nay đến 25/9, NHNN và Bộ Tài chính sẽ báo cáo và đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến thu hồi nợ, tài sản bảo đảm và các quy định pháp lý cần thiết.

Thống đốc cũng chia sẻ thêm rằng, những kiến nghị của các ngân hàng TMCP cũng cần không chỉ nhìn từ góc độ của ngân hàng mình mà cần nhìn từ góc độ của hệ thống, từ góc độ của quốc gia để cùng thấu hiểu và tìm đến các giải pháp khả thi có thể thực hiện được, để làm sao “có thể đi được cùng nhau và cùng nhau đóng góp là sự phát triển chung của nền kinh tế”.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm