Việc Huawei ra mắt hệ điều hành HarmonyOS Next vào tháng 6 đánh dấu thời điểm quan trọng đối với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc. Được nhiều người coi là "tuyên bố độc lập" rút khỏi Android của Google, phiên bản hệ điều hành mới nhất của Huawei đóng vai trò trung tâm trong tham vọng thiết lập một hệ sinh thái trong nước cho các thiết bị thông minh.
Richard Yu, Tổng giám đốc điều hành nhóm kinh doanh tiêu dùng Huawei, đã kêu gọi các công ty công nghệ và internet Trung Quốc đồng hành với tầm nhìn này, khuyến khích họ tham gia hệ sinh thái Harmony. Theo Nikkei Asia, hơn 5.000 công ty được cho là đã đăng ký với Harmony. 1.500 ứng dụng đã có sẵn để tải xuống từ cửa hàng ứng dụng.
Tuy nhiên, bất chấp những con số ấn tượng, kế hoạch táo bạo có vẻ đang bắt đầu xuất hiện vết nứt, nghi hoặc về chất lượng cũng như chức năng của các ứng dụng được phát hành cho HarmonyOS. Một lỗ hổng lớn đã được chỉ ra: sự vắng mặt của phần mềm chơi game - phân khúc quan trọng trong thị trường ứng dụng di động. Hơn nữa, những ứng dụng được quảng cáo là đã sẵn sàng để tải xuống hóa ra vẫn đang trong giai đoạn demo, cung cấp chức năng hạn chế và trải nghiệm người dùng khá kém.
Việc vội vã phát hành ứng dụng và đánh đổi trải nghiệm của người dùng dường như xuất phát từ áp lực dư luận mong muốn Huawei trở thành nhà vô địch quốc gia. Các nhà phát triển đang chịu áp lực rất lớn dưới vai trò “người yêu nước”, vậy nên chỉ tập trung vào điều này thay vì đảm bảo trải nghiệm liền mạch cho người sử dụng.
Phân tích của Nikkei Asia về 28 ứng dụng phổ biến của Trung Quốc cho thấy chỉ có 3 ứng dụng đã hoàn tất quy trình điều chỉnh đầy đủ cho HarmonyOS. 13 ứng dụng đã phát hành phiên bản demo cốt lõi và 10 ứng dụng vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển. ByteDance, một trong những công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc, cũng không có thông báo chính thức nào về tiến độ ứng dụng HarmonyOS mặc dù được Huawei coi là đối tác chính.
Áp lực buộc các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc phải thích ứng với HarmonyOS là rất rõ ràng. Chẳng hạn, việc thử nghiệm phiên bản hiện tại của Douyin (ứng dụng chị em của TikTok) trên thiết bị Huawei Mate60 chạy HarmonyOS Next cho thấy các tính năng thiết yếu như Douyin Mall, chức năng tìm kiếm và cổng thanh toán đều bị thiếu. Tương tự như vậy, Taobao chỉ phát hành phiên bản demo có giới hạn quyền truy cập trong khi Youku, một công ty con của Alibaba, cũng yêu cầu người dùng chuyển sang Alipay để thanh toán thay vì tích hợp với Hệ thống thanh toán Petal của HarmonyOS như đồn đoán ban đầu.
Mọi sự chú ý hiện đang đổ dồn vào chiếc điện thoại hàng đầu đầu tiên của Huawei được cài đặt sẵn HarmonyOS Next, Mate 70, dự kiến phát hành vào khoảng 30 tháng 9. Tuy nhiên, các nguồn tin hiện cho biết bản phát hành có khả năng bị trì hoãn do quá trình thích ứng chậm hơn dự kiến.
Vai trò của công chúng trong việc thúc đẩy sự thích ứng vội vã này rất lớn. Sau Hội nghị nhà phát triển của Huawei vào tháng 6, một làn sóng chỉ trích đã nổi lên, đặc biệt nhắm vào các công ty như Tencent và ByteDance vì chậm chạp thích ứng với HarmonyOS. Lời chỉ trích làm nổi bật một động lực mới trong ngành công nghệ Trung Quốc, nơi mà dư luận - có khả năng được khuếch đại - sẽ ảnh hưởng đáng kể đến quyết định của các công ty.
Nỗi sợ mất đi sự ủng hộ của Huawei, công ty có ảnh hưởng đáng kể trong bối cảnh công nghệ Trung Quốc, dường như đang thúc đẩy các công ty khác vội vàng phát hành phiên bản demo của các ứng dụng, ngay cả khi chúng chưa hoàn toàn sẵn sàng. Họ bối rối trước những người ủng hộ Huawei - những người đã lên mạng xã hội ca ngợi hệ điều hành mới và gây sức ép buộc các công ty đẩy nhanh nỗ lực thích ứng.
Theo dữ liệu từ các nền tảng bên thứ ba, sau hội nghị ngày 21 tháng 6, tình cảm tích cực đối với HarmonyOS đã thống trị các cuộc thảo luận trực tuyến. Trong số 27.695 bình luận trên Weibo, 64,4% ca ngợi HarmonyOS vì hiệu suất mượt mà của nó - con số ấn tượng đáng kể khi HarmonyOS chỉ chiếm 17% thị trường Trung Quốc cho đến nay.
Việc Huawei phát hành điện thoại gập ba Mate XT chỉ 13 giờ sau khi Apple ra mắt iPhone 16 vào ngày 10 tháng 9, đã cho thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ của Huawei đối với dư luận Trung Quốc. Trên nền tảng truyền thông xã hội phổ biến Weibo, Huawei chiếm 10 trong số 31 chủ đề thịnh hành trên toàn quốc trong ngày hôm đó.
Đổi lại, đối với các nhà phát triển, quá trình chuyển đổi sang HarmonyOS đầy rẫy những thách thức. Họ phải thiết kế lại giao diện và đảm bảo khả năng tương thích trên nhiều thiết bị, bao gồm điện thoại thông minh, máy tính bảng và đồng hồ thông minh. Huawei đã công bố mục tiêu đầy tham vọng là tạo ra 5.000 ứng dụng HarmonyOS gốc vào năm 2024, với mục tiêu cuối cùng là 500.000 ứng dụng. Tuy nhiên, dựa trên tốc độ phát triển hiện tại, có vẻ như các mục tiêu này sẽ không thể đạt được. Việc vội vã phát hành phiên bản demo có thể giúp Huawei đạt được các mục tiêu ngắn hạn, song dài hạn thì khó.
Việc Huawei thúc đẩy HarmonyOS không chỉ đơn thuần nhằm tạo ra một giải pháp thay thế cho iOS và Android. Công ty đang tìm cách bắt chước thành công của Apple trong việc tạo ra thu nhập đáng kể từ hệ sinh thái của mình.
Báo cáo tài chính mới nhất của Apple cho thấy các dịch vụ như phí App Store, còn được gọi là "thuế Apple", hiện chiếm 28% tổng doanh thu của công ty. Huawei rõ ràng có một ý tưởng tương tự và muốn tận dụng vị thế thống lĩnh của mình trên thị trường Trung Quốc. Khi cuộc đua xây dựng một hệ sinh thái thống lĩnh nóng dần, thời gian tới dự sẽ vô cùng quan trọng để xác định xem liệu HarmonyOS có thực sự cạnh tranh được với các đối thủ toàn cầu của mình.
Vai trò của Huawei trong ngành công nghiệp chip Trung Quốc đang vượt xa những gì các chuyên gia có thể tưởng tượng. Ngoài việc là khách hàng quan trọng đối với các nhà sản xuất và thiết kế chip hàng đầu, Huawei còn có năng lực hỗ trợ tài chính cho các công ty nhỏ hơn trong chuỗi cung ứng. Giấc mơ HarmonyOS vì vậy cũng được kỳ vọng nhiều hơn, bất chấp những thách thức hiện tại.
“Huawei hiện là trung tâm. Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đã thúc đẩy Trung Quốc và ngành công nghiệp xích lại gần nhau theo cách mà chúng tôi chưa từng thấy trước đây”, Kendra Schaefer, đối tác của công ty tư vấn Trivium China có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết.
Được thành lập vào năm 1987, Huawei lần đầu tiên ghi được dấu ấn trong ngành thiết bị liên lạc trước khi mở rộng sang mảng điện thoại di động. Hãng nuôi một đàn thiên nga đen trong khuôn viên chính của mình như một lời nhắc nhở rằng bản thân không được phép tự mãn và lơ là trước mọi khủng hoảng trước mắt.
Sau khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen vào năm 2019, nhà sáng lập Ren chạy đua thiết kế lại bảng mạch và phần mềm để Huawei có thể hoạt động mà không cần đến công nghệ Mỹ. Vào thời điểm bận rộn nhất, nhiều nhân viên Huawei thậm chí còn không rời khỏi công ty trong nhiều ngày, sống bằng mì ăn liền và ngủ trên ghế.
Chính nỗ lực hết mình đó đã giúp Huawei sống sót. Cũng trong khoảng thời gian này, Trung Quốc bắt đầu tăng cường hỗ trợ, mở đường cho các công ty trong nước phát triển như ngày nay.
Theo: Nikkei Asia, WSJ