CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) vừa công bố thông tin đã được Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) gia hạn hạn mức tín dụng đến ngày 30/6/2025.
Theo đó, BIDV đồng ý gia hạn việc cấp cho Xây dựng Hòa Bình hạn mức tín dụng thường xuyên với số tiền tối đa là 4.000 tỷ đồng, trong đó hạn mức cho vay, bảo lãnh thanh toán và mở L/C tối đa là 2.000 tỷ đồng.
Đại diện doanh nghiệp cho biết khoản tín dụng này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố năng lực tài chính của Xây dựng Hoà Bình, đồng thời tạo nền tảng để tập đoàn tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh và thực hiện các dự án quy mô lớn trong thời gian tới.
Hạn mức tín dụng này sẽ được sử dụng để tài trợ cho các dự án xây dựng quy mô lớn đang trong kế hoạch, bao gồm cả các dự án ở nước ngoài, đầu tư vào công nghệ và thiết bị hiện đại nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của công ty.
Ngoài ra, nguồn vốn này cũng sẽ giúp tập đoàn tối ưu hóa cơ cấu tài chính, giảm chi phí vốn và đảm bảo tính linh hoạt trong hoạt động kinh doanh.
Ngoài hạn mức tín dụng từ BIDV, Xây dựng Hoà Bình thông tin doanh nghiệp còn được cấp hạn mức từ một số ngân hàng khác như SeABank, VietinBank, VPBank... với tổng hạn mức đạt gần 5.100 tỷ. Như vậy, tổng hạn mức tín dụng hiện tại của tập đoàn lên tới gần 9.100 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024, tại ngày 30/6, tổng dư nợ vay của Xây dựng Hoà Bình là 4.485 tỷ đồng, gấp gần 2,7 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 28% tổng nguồn vốn. Doanh nghiệp chủ yếu vay ngắn hạn từ ngân hàng và dư nợ vay dài hạn là 576 tỷ bao gồm 595 tỷ đồng trái phiếu.
Tính tới cuối quý II, BIDV là chủ nợ lớn nhất của tập đoàn với số dư nợ cuối kỳ là 2.079 tỷ đồng, ngày đáo hạn là từ 28/6/2024 đến 28/5/2025. Khoản vay này nhằm bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh và được thế chấp bằng quyền sử dụng đất, nhà cửa, vật kiến trúc, máy móc thiết bị các khoản đầu tư tài chính cùng khoản phải thu của khách hàng.
Chủ nợ lớn thứ hai là ngân hàng VietinBank với dư nợ 1.293 tỷ có lịch đáo hạn từ 17/7/2024 đến 17/7/2025.
Nửa đầu năm, tập đoàn đã vay thêm 1.815 tỷ đồng thời trả nợ gốc vay 2.049 tỷ. Chi phí lãi vay 6 tháng đầu năm nay là 230 tỷ.
Tại báo cáo soát xét, phía kiểm toán AFC Việt Nam cũng đưa ra vấn đề cần nhận mạnh liên quan tới khoản lỗ luỹ kế 2.403 tỷ đồng cuối quý II và một số khoản nợ quá hạn thanh toán. Những dấu hiệu này cho thấy sự tồn tại của yếu không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn.
Liên quan tới cải thiện dòng tiền thời gian tới, doanh nghiệp cho biết tập đoàn đã phát hành thêm cổ phiếu đễ thanh toán nợ. Ngày 28/6, doanh nghiệp đã công bố kết quả đợt phát hành cỗ phiếu để hoán đổi nợ với tổng số lượng hơn 73 triệu cổ phiếu, giúp việc tăng vốn điều lệ thêm 730,8 tỷ.
Bên cạnh đó, trong năm nay, chiến lược kinh doanh của tập đoàn là tiếp tục đầy mạnh mở rộng thị trường trong và ngoài nước.
Tại Mỹ, tập đoàn đã khởi công dự án The Grove Apartments tại California vào tháng 4. Ngoài các dự án tiềm năng mà tập đoàn đang tham gia ở nhiều quốc gia, sắp tới đây tập đoàn sẽ triển khai thi công hai dự án hạ tầng lớn ở Campuchia trong năm 2024.
Tập đoàn có kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hồi nợ phải thu đặc biệt là nợ phải thu tồn đọng bằng nhiều biện pháp hiệu quả bao gồm giải quyết tranh chấp thông qua tòa án, trọng tài. Việc thu hồi nợ của các công trình triển khai trong 12 tháng tới và công trình đã thực hiện các năm trước dự kiến sẽ mang lại dòng tiền đáng kể phục vụ cho hoạt động kinh doanh và thanh toán các khoản nợ của tập đoàn.