Chứng khoán

CTCK nào đang dẫn đầu về giá trị tự doanh cổ phiếu?

Thị trường cổ phiếu ghi nhận bước tiến mạnh mẽ trong những tháng đầu năm, VN-Index đã tăng hơn 11% trong 6 tháng đầu năm và tiếp tục nâng lên trên 21%, tính đến 11/9.  Với bối cảnh thị trường vẫn đang tiếp tục khả quan trong quý III, việc nắm giữ danh mục cổ phiếu lớn có thể mở ra cơ hội lợi nhuận cho công ty chứng khoán (CTCK). Do đó, nhà đầu tư cũng quan tâm đến việc đơn vị nào đang đầu tư nhiều cổ phiếu, và danh mục cổ phiếu liệu có tiềm năng tăng trưởng, tạo ra lợi nhuận cho công ty trong thời gian tới. 

Theo thống kê của người viết, Top10 CTCK có khoản tự doanh lớn nhất tại cuối tháng 6 đang nắm giữ khoảng 131.600 tỷ đồng, tương đương 66% (khoảng 2/3) giá trị tự doanh toàn ngành. Mảng tự doanh bao gồm tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL), các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) và các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS).

Phần lớn danh mục tự doanh của các CTCK đều gồm các tài sản ít hoặc không biến động như trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi, công cụ thị trường tiền tệ, tiền gửi ngân hàng. Trong khi đó, phần cổ phiếu (nằm trong FVTPL/AFS) thường không chiếm tỷ lệ lớn.

 

Chứng khoán Vietcap, SHS, VIX chú trọng đầu tư cổ phiếu

Thời điểm 30/6, có 3 đơn vị đã phân bổ đến hơn 50% mảng tự doanh vào cổ phiếu gồm Chứng khoán Vietcap, SHS và VIX.

Theo giá trị tuyệt đối, Chứng khoán Vietcap (Mã: VCI) đang là đơn vị sở hữu danh mục cổ phiếu tự doanh lớn nhất ngành, với 5.174 tỷ đồng tại cuối tháng 6 và chiếm đến 88% mảng tự doanh (của Vietcap). So với giá gốc, công ty đang lãi 74%, tương ứng với khoảng 2.200 tỷ đồng. Con số đáng kể này chủ yếu nhờ khoản đầu tư chiến lược vào cổ phiếu IDP, với giá trị hiện tại trên 2.650 tỷ đồng, gấp 6 lần giá gốc. Vietcap còn đang nắm giữ các cổ phiếu khác gồm CTG (32 tỷ đồng), HPG (23 tỷ đồng),... trong FVTPL; KDH (865 tỷ đồng), MSN (242 tỷ đồng), STB (27 tỷ đồng), Napas,... trong AFS.

  Danh mục tự doanh cổ phiếu của Vietcap tập trung tại AFS. (Nguồn: BCTC bán niên của Vietcap). 

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 hồi đầu năm, Tổng Giám đốc Vietcap - ông Tô Hải cho biết công ty vẫn duy trì nắm giữ IDP do doanh nghiệp sữa đang tăng trưởng tốt cùng dự kiến chia cổ tức 25% trong năm, nên Vietcap chỉ thoái vốn khi thực sự cần thiết. Ngoài ra, Napas là khoản đầu tư dài hạn quan trọng, công ty cũng chưa có ý định sớm thoái vốn.

Chứng khoán VIX (Mã: VIX) cũng đầu tư đáng kể vào cổ phiếu, với giá trị trên 3.555 tỷ đồng tại cuối tháng 6, cao hơn 386 tỷ đồng tương đương 12% so với giá gốc. Tỷ trọng cổ phiếu trong cơ cấu tự doanh đạt 53%.

Giá trị tự doanh của cổ phiếu của một số công ty chứng khoán tại thời điểm 30/6. Nguồn: XN tổng hợp.

VIX rót nhiều nhất 1.063 tỷ đồng vào cổ phiếu EIB nhưng đang lỗ 4%. Ngược lại, công ty chứng khoán này đang lãi tại GEX (13%), TBD (65%), Hạ tầng Gelex (33%), VAV (8%), NVL (1%) thời điểm cuối quý II… Vào tháng 8, VIX báo cáo đã mua thêm 1,5 triệu cổ phiếu TBD, ước tính số tiền chi ra đạt trên 143 tỷ đồng.

Tỷ trọng cổ phiếu trong tự doanh của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (Mã: SHS) nhỉnh hơn so với VIX, đạt 54% tại thời điểm cuối tháng 6, tương ứng với 2.872 tỷ đồng. SHS rót vốn nhiều nhất vào EIB (890 tỷ), SAF (334 tỷ), GDA (Tôn Đông Á) (200 tỷ),... trong FVTPL. Bên cạnh đó, danh mục AFS bao gồm 3 mã SHB (568 tỷ) BCG (51 tỷ) và TCD (89 tỷ đồng).

Giá trị đầu tư FVTPL và AFS của SHS tại 30/6. (Nguồn: BCTC bán niên của SHS).

Đa phần CTCK đầu tư cổ phiếu dưới 10% tỷ trọng tự doanh

Sở hữu danh mục cổ phiếu trên nghìn tỷ còn có Chứng khoán SSI  (Mã: SSI), VNDirect (Mã: VND), TCBS và Thiên Việt (Mã: TVS). Tuy nhiên, khác với Vietcap, SHS hay VIX, các CTCK còn lại như SSI, VND, TCBS, VPBankS,... lại đầu tư nhiều hơn vào trái phiếu hay chứng chỉ tiền gửi, trong khi tỷ trọng cổ phiếu tự doanh chỉ dưới 10%.

Đơn cử, danh mục tự doanh của SSI lớn nhất ngành với 31.424 tỷ đồng tại 30/6. Tuy nhiên SSI chỉ rót 5,6% vào cổ phiếu, tương ứng giá trị 1.773 tỷ đồng, tăng 22% sau 6 tháng. Còn lại, SSI phân bổ 31,6% vào trái phiếu và 62,8% mua chứng chỉ tiền gửi và gửi ngân hàng. Cổ phiếu có tỷ trọng đáng kể của ông lớn này là SGN (435 tỷ) trong tài sản FVTPL. Tại AFS, cổ phiếu chiếm hơn 688 tỷ đồng, bao gồm các mã như CTCP PAN Farm (53,4 tỷ), Concung (40 tỷ đồng),...

Tương tự, Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) ghi nhận giá trị tự doanh đang đạt 25.817 tỷ đồng, tăng 5% sau 6 tháng đầu năm và lớn thứ hai thị trường. Giá trị cổ phiếu đầu tư cổ phiếu của VNDirect đạt khoảng 1.989 tỷ đồng tại cuối tháng 6, tỷ trọng 7,7% mảng tự doanh.

Các cổ phiếu giá trị lớn nhất danh mục VNDirect gồm PTI (495 tỷ), VPB (198 tỷ), C4G (350 tỷ), HSG (160 tỷ), VCB (76 tỷ đồng),… CTCK này đang lãi nhiều nhất tại PTI (tăng 29%) và C4G (tăng 23%), ngược lại lỗ 35% đối với khoản đầu tư vào LTG.

VPBankS ra tay giải ngân, VietinBank Securities thực hiện chốt lời sau nhiều năm

Như đã đề cập, việc thị trường cổ phiếu tăng trưởng từ đầu năm mở ra nhiều cơ hội kiếm lợi nhuận từ hoạt động tự doanh. Một số đơn vị đã mạnh tay giải ngân, gia tăng giá trị đầu tư cổ phiếu trong 6 tháng đầu năm. Đáng kể nhất là Chứng khoán VPBank (VPBankS) với việc phát sinh đầu tư cổ phiếu 715 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, VPBankS cũng gia tăng 60% giá trị danh mục trái phiếu, đạt 10.081 tỷ đồng tại cuối tháng 6. và nâng lượng chứng chỉ tiền gửi gấp 6 lần, từ 225 tỷ đồng lên 1.360 tỷ đồng.

Ở diễn biến khác, lợi nhuận quý II của VietinBank Securities (Mã: CTS) gia tăng đột biến nhờ việc đánh giá lại khoản đầu tư cổ phiếu. Cụ thể, công ty báo lãi trước thuế hơn 94,5 tỷ đồng trong đó hơn 170 tỷ đồng là lợi nhuận đã thực hiện trong khi cùng kỳ năm trước chỉ lãi hơn 4 tỷ đồng. Trong quý II, việc bán cổ phiếu đem lãi hơn 140 tỷ đồng tiền lãi.

Tuy nhiên, khoản chốt lời lớn nhất của VietinBank Securities đến từ cổ phiếu chưa niêm yết. Công ty bán ra 4,7 triệu cp với giá 141 tỷ đồng và đem lại lợi nhuận hơn 116,9 tỷ đồng. So sánh với sự sụt giảm giá vốn đầu tư. Đây chính là khoản đầu tư vào cổ phiếu của CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco). Như vậy, công ty đã chốt lãi một phần cổ phiếu Thaco với giá 30.000 đồng/cp sau nhiều năm nắm giữ.

Cập nhật về danh mục cổ phiếu của Vietinbank Securities, hầu hết các mã trong danh mục đầu tư thời điểm cuối tháng 6 đều đang lỗ như EIB, TCD, VPB, DBC, HNG,… Ngược lại, các cổ phiếu Thaco, VIX,… đang lãi.

 

Tựu trung lại, giống như nhà đầu tư cá nhân, không phải khoản đầu tư cổ phiếu nào của CTCK cũng thu lãi, ngược lại có thể lỗ. Tuy nhiên, việc nắm giữ lượng lớn cổ phiếu trong bối cảnh TTCK tăng mạnh là một yếu tố đáng theo dõi, tiềm năng ghi nhận những khoản lợi nhuận lớn trong quý III hoặc quý IV tới. Lưu ý, một số trường hợp CTCK có phát sinh tài sản cơ sở cho hoạt động phòng ngừa rủi ro chứng quyềniều này không thể hiện quan điểm đầu tư của bộ phận tự doanh.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm