Thời gian qua, lợi dụng tình hình sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều chiêu trò lừa gạt, lôi kéo, mời gọi tham gia đầu tư tài chính trên không gian mạng, sau đó chiếm đoạt tiền của nạn nhân.
Các đối tượng tạo lập và sử dụng nhiều tài khoản ảo trên mạng xã hội (facebook, telegram…), sử dụng các thông tin, hình ảnh của nhiều cá nhân là người thành đạt, uy tín trong xã hội với mục đích tiếp cận, làm quen, kết bạn với nhiều người. Sau khi tiếp cận, tạo được sự tin tưởng, chúng sẽ sử dụng thông tin gian dối, lôi kéo, mời gọi tham gia đầu tư tài chính (quỹ tài chính, chứng khoán, tiền điện tử…), sau đó chiếm đoạt tiền đầu tư của các nạn nhân.
Mới đây, Công an TP Hà Nội đã triệt phá đường dây lừa đảo đầu tư tiền ảo do nhóm đối tượng Thân Văn Thoại (40 tuổi, trú tại Hà Nội) - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BBA Toàn Cầu, cầm đầu. Các đối tượng đã tạo ra cộng đồng đầu tư với hàng trăm ngàn tài khoản tham gia, giá trị các gói đầu tư được thể hiện trên hệ thống lên đến hàng chục tỷ USD.
Theo điều tra, từ năm 2019, Thoại đã mua lại dự án đồng tiền ảo Cashback pro (CBP) từ nước ngoài về Việt Nam với mục đích kinh doanh tạo lợi nhuận. Thông qua các đối tượng người nước ngoài, Thoại tạo các giao dịch ảo đồng thời quảng bá đồng tiền ảo được giao dịch trên một số trang web về tiền ảo trên thế giới.
Sau khi quảng bá đồng tiền ảo trên một số trang web, Thoại tạo lập ứng dụng mua bán hàng hóa được thưởng hoa hồng bằng tiền ảo Cashback pro và trang web ứng dụng Speeding.vip (kêu gọi đầu tư, phát triển hệ thống để hưởng hoa hồng quy đổi ra tiền ảo), CBP Wallet (ví tiền ảo) để cung ứng đồng tiền kỹ thuật số CBP theo phương thức đa cấp.
Theo cơ quan công an, thông qua mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng trực tiếp và tiền trả thưởng nếu kết nối được cộng đồng hoặc tự mở tài khoản tham gia vào gói đầu tư trong mạng lưới do bản thân mình xây dựng.
Để phát triển hệ thống, thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia, Thoại chia các nhóm, cấp các tài khoản tiền ảo và chỉ đạo, hướng dẫn các đối tượng là thủ lĩnh lãnh đạo (leader) các nhánh (team) gồm: Vũ Phong; Đinh Văn Tuệ; Lê Thị Xiềm... đi lôi kéo, thu hút người tham gia.
Thoại cũng thành lập Công ty cổ phần BBA Toàn Cầu để tổ chức các sự kiện đào tạo quảng bá, lấy trụ sở công ty. Mặc dù Công ty cổ phần BBA Toàn Cầu và bản thân Thân Văn Thoại không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh bán hàng đa cấp, nhưng Thoại chỉ đạo Tuệ, Xiềm, Phong, Yến… tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm tại trụ sở địa chỉ Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội để rao giảng về quản lý tài chính, học làm giàu, từ đó quảng bá, giới thiệu về lợi ích của đồng coin CBP và việc tham gia cộng đồng Speeding.vip.
Theo cơ quan công an, trong khoảng thời gian từ tháng 3/2021 đến 11/6/2024, thông qua trang web ứng dụng Speeding.vip, Thân Văn Thoại cùng các leader đã tạo ra cộng đồng đầu tư với hàng trăm ngàn tài khoản tham gia với giá trị các gói đầu tư được thể hiện trên hệ thống lên đến hàng chục tỷ đô la, xây dựng được nhiều tầng, mỗi tầng có nhiều nhánh nhỏ, kết nối hệ thống và hưởng lợi số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại cho nhiều nhà đầu tư.
Trước đó, ngày 17/6/2024, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Nam Định đã đấu tranh làm rõ, khởi tố, bắt tạm giam 02 đối tượng là B.Q.V, sinh năm 1999, trú tại xã Liêm Hải, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định và L.V.T, sinh năm 1988, trú tại xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội về hành vi "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản".
Bước đầu làm rõ, bằng thủ đoạn dụ dỗ, mời gọi, lôi kéo khách hàng tham gia đầu tư đồng tiền số WTO và PAI (tiền ảo) trên sàn giao dịch Binance và Robinhood, các đối tượng lừa đảo đã chiếm đoạt tổng số tiền trên 30 tỷ đồng của các nạn nhân tham gia đầu tư, trong đó B.Q.V và L.V.T chiếm hưởng trên 650 triệu đồng. Công an tỉnh đang tiếp tục điều tra mở rộng.
Một trong những thủ đoạn lừa đảo khác nhắm vào các nạn nhân có nhu cầu đổi tiền Việt Nam lấy USDT, đối tượng sẽ chuyển tiền USDT vào ví điện tử cho nạn nhân, chụp lại bill chuyển tiền ảo đã chỉnh sửa bằng các ứng dụng chỉnh sửa ảnh, nạn nhân sẽ chuyển tiền Việt Nam vào tài khoản ngân hàng mà đối tượng chỉ định. Tuy nhiên sau đó, nạn nhân kiểm tra tài khoản ví điện tử của mình mới phát hiện số tiền đã nhận không đúng với số tiền trong các bill mà đối tượng đã gửi, nạn nhân liên lạc nhưng đã bị đối tượng chặn cuộc gọi.
Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh đã phá thành công Chuyên án, ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với nhóm 4 đối tượng ở tỉnh Nghệ An và tỉnh Thanh Hóa về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" qua hình thức truy cập trái phép tài khoản của người dùng ứng dụng Binance.
Theo Công an Bắc Ninh, chủ mưu, cầm đầu nhóm đối tượng này là Nguyễn Đức Hùng, 25 tuổi, ở huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Bước đầu đấu tranh, cơ quan Công an làm rõ: Nguyễn Đức Hùng học được cách thức truy cập trái phép tài khoản của người dùng trên sàn giao dịch tiền điện tử Binance.com trên mạng xã hội, rồi mua những tài khoản Binance sau đó gắn thông tin số điện thoại (sim rác) để làm phương thức liên lạc và cài đặt liên kết với tài khoản ngân hàng (không chính chủ) để làm phương thức thanh toán. Sau khi hoàn thiện tài khoản này, nhóm của Hùng truy cập vào website: Binance.com, đặt lệnh mua một lượng tiền điện tử (USDT) nhất định rồi nhanh chóng chào bán trên sàn này với giá rẻ nhằm thu hút người mua.
Khi có người mua USDT do Hùng rao bán, Hùng gửi tin nhắn không xác nhận mã lệnh giao dịch chuyển USDT để người mua lầm tưởng là giao dịch bị có lỗi. Từ đó yêu cầu người mua quét vào mã QR do Hùng cung cấp để hỗ trợ cài đặt lệnh chuyển USDT thủ công. Khi người mua click vào tài khoản QR, ngay lập tức bị nhóm Hùng chiếm quyền điều khiển tài khoản rồi vào rút tất cả tiền điện tử trong ví của tài khoản và đặt lệnh bán toàn bộ số USDT đó.
Cùng thực hiện hành vi với Hùng có Hoàng Đình Tài, 27 tuổi, ở huyện Nghĩa Đàn; Nguyễn Phùng Hoàng, 22 tuổi, ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An và Nguyễn Anh Tuấn, 26 tuổi, ở huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Từ đầu năm 2024 đến nay, với thủ đoạn trên, bước đầu các đối tượng khai nhận đã thực hiện trót lọt hơn 50 vụ, chiếm đoạt khoảng 10 tỷ đồng của nhiều bị hại ở các tỉnh, thành trên toàn quốc, trong đó có 1 bị hại ở tỉnh Bắc Ninh. Số tiền chiếm đoạt được, các các đối tượng đặt cọc mua ô tô, nạp tiền Game và chi tiêu cá nhân .