Bộ Giao thông vận tải cho biết như vậy trong công văn gửi Thủ tướng, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về đề nghị của UBND tỉnh Bình Định về việc đầu tư xây dựng mở rộng sân bay Phù Cát.
Theo Bộ Giao thông vận tải, từ năm 1985 sân bay Phù Cát bắt đầu khai thác hoạt động hàng không dân dụng. Sân bay này có một đường băng bằng bê tông xi măng, hiện nay là tài sản thuộc quyền quản lý của Bộ Quốc phòng.
Sau khoảng 60 năm sử dụng (vượt gần 3 lần tuổi thọ thiết kế), hiện nay hầu hết các tấm bê tông của đường băng đã bị nứt, nguy cơ phát sinh mảnh vỡ gây mất an toàn khai thác.
Do vậy rất cần thiết phải sửa chữa, cải tạo, nâng cấp đường băng sân bay Phù Cát hiện nay.
Tuy nhiên để cải tạo, nâng cấp đường băng phải đóng cửa sân bay không dưới 6 tháng. Như vậy sẽ không đảm bảo tính sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị quân đội và ảnh hưởng lớn đến du lịch và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định.
Do đó quy hoạch sân bay Phù Cát thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã bổ sung đường băng thứ hai về phía tây sân bay Phù Cát để khai thác hàng không dân dụng tương đối độc lập với quân sự.
Bố trí khu hàng không dân dụng về phía nam (khu vực các công trình quân sự hiện hữu) để thuận lợi kết nối giao thông, hạn chế ảnh hưởng đến nhau giữa khu hàng không dân dụng và quân sự.
Bộ Giao thông vận tải cho biết đã nghiên cứu các phương án đầu tư đường băng thứ hai của sân bay Phù Cát.
Tuy nhiên, ngân sách trung ương được giao cho bộ theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tập trung ưu tiên các công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, nên không có khả năng cân đối vốn để đầu tư đường băng sân bay Phù Cát.
Còn Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đang tập trung nguồn vốn để đầu tư các dự án lớn, trọng điểm ngành hàng không như sân bay Long Thành, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, mở rộng nhà ga T2 sân bay Nội Bài, nâng cấp các sân bay Điện Biên, Cà Mau… nên không có khả năng tiếp tục cân đối vốn để đầu tư đường băng thứ hai sân bay Phù Cát.
Vì vậy, việc UBND tỉnh Bình Định đề nghị giai đoạn trước mắt cho phép triển khai đầu tư ngay đường băng thứ hai, các đường lăn nối và các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ của sân bay Phù Cát từ ngân sách do tỉnh quản lý là rất cần thiết và phù hợp.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã chuyển kiến nghị của UBND tỉnh Bình Định lên Thủ tướng về việc đầu tư xây dựng mở rộng sân bay Phù Cát để Bộ Giao thông vận tải xem xét, có ý kiến.
Cụ thể, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Thủ tướng chấp thuận phương án triển khai đầu tư sân bay Phù Cát bao gồm các hạng mục:
Xây dựng đường băng thứ hai, các đường lăn nối và các công trình khác thuộc khu bay; Xây dựng, di chuyển các công trình quân sự để bàn giao đất phục vụ xây dựng mở rộng khu hàng không dân dụng; Xây dựng khu hàng không dân dụng.
Trong đó giai đoạn trước mắt cho phép triển khai đầu tư ngay hạng mục xây dựng đường băng thứ hai, các đường lăn nối và các công trình khác thuộc khu bay với tổng mức đầu tư khoảng 3.013 tỉ đồng.
UBND tỉnh Bình Định đề nghị Thủ tướng trình Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù giao UBND tỉnh Bình Định tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng đường băng thứ hai và các công trình khác thuộc khu bay của sân bay Phù Cát từ nguồn vốn ngân sách do tỉnh quản lý (bao gồm nguồn vốn trung ương hỗ trợ khoảng 1.500 tỉ đồng).