Tài chính

Cơn sốt đất lớn nhất nước Mỹ lờ mờ xuất hiện: Mọi lĩnh vực tranh nhau từng tấc đất, muốn sống xanh thì phải chấp nhận hy sinh

Nước Mỹ, quê hương của những ngọn núi hùng vĩ, những cánh đồng lúa màu hổ phách và mặt biển lấp lánh ánh sáng từ… trang trại năng lượng mặt trời?

Sau nhiều thập kỷ phủ nhận, chần chừ và tranh cãi, nước Mỹ cuối cùng cũng bắt đầu hành động để giải quyết khủng hoảng khí hậu. Chính quyền Tổng thống Biden ban hành thành công Đạo luật Giảm lạm phát bao gồm 370 tỷ USD trợ cấp để đẩy nhanh áp dụng “lưới điện xanh”.

Hàng loạt tấm pin năng lượng mặt trời, trang trại gió và đường dây diện sẽ được lắp đặt để chuyển lưới điện quốc gia từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Ngay cả người tiêu dùng cũng đang thay đổi hành vi của họ. Ngày càng nhiều người lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời và mua xe điện.

Động thái lớn này không chỉ định hình lại cách con người tiêu thụ năng lượng mà còn thay đổi cảnh quan của đất nước. Từ các trang trại năng lượng mặt trời và gió mở rộng đến các cơ sở lưu trữ chứa đầy pin, năng lượng xanh chiếm nhiều không gian hơn để tạo ra cùng một lượng năng lượng so với nhiên liệu hóa thạch.

Điều đó đồng nghĩa với việc phần lớn diện tích đất đai tại Mỹ sẽ phải được chuyển đổi để hoàn thành các mục tiêu carbon đầy tham vọng. Công nghệ xanh không chỉ đấu tranh với chính lĩnh vực năng lượng để giành lấy không gian đất đai. Khi dân số và nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng, quốc gia này cũng sẽ cần đất để xây dựng nhiều tòa nhà chung cư, nhà máy và trang trại.

Điều đó đặt ra một câu hỏi rằng liệu nước Mỹ có đủ đất để định hình lại toàn diện mạng lưới điện hay không?

Dựa trên những ước tính về không gian cần thiết, Mỹ sẽ vẫn còn đất để sử dụng. Nhưng để biến nước Mỹ “xanh 100%” sẽ đòi hỏi những lựa chọn khó khăn về nơi xây dựng những công nghệ này. Quá trình này cũng có thể gây ra một số tranh chấp.

Cơn sốt đất lớn nhất nước Mỹ lờ mờ xuất hiện: Mọi lĩnh vực tranh nhau từng tấc đất, muốn sống xanh thì phải chấp nhận hy sinh - Ảnh 1.

Ảnh: Wikipedia

Cơn sốt đất lớn nhất nước Mỹ

Rõ ràng rằng nước Mỹ không thể phủ kín California bằng tuabin gió hay bằng các tấm pin năng lượng mặt trời. Nhưng để chuyển sang sử dụng năng lượng xanh và cứu lấy hành tinh, người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ sẽ phải đánh đổi một số thứ.

48 tiểu bang khác của Mỹ có diện tích đất là khoảng 2,9 triệu dặm vuông, nên việc sử dụng năng lượng tái tạo sẽ chiếm từ 3% đến 14% tổng diện tích đất. Song với mỗi dự án mới, các công ty không thể xây dựng một nhà máy năng lượng mặt trời hoặc trang trại gió ở bất cứ đâu họ muốn.

Thứ nhất, những loại dự án này yêu cầu vị trí đất cụ thể để tiết kiệm chi phí. Vị trí lý tưởng cho các nhà máy điện xanh nên ở nơi nhiều nắng hoặc gió, trên đất rẻ, gần với người tiêu dùng cuối cùng. Nhưng có một vấn đề nảy sinh đó là ai cũng muốn sử dụng những khu vực như thế.

Điều này có nghĩa là các nhà sản xuất năng lượng xanh cần có một hành động cân bằng tinh tế, tìm kiếm các địa điểm có nhiều tiềm năng phát điện và gần với người tiêu dùng đô thị nhưng đủ xa để chi phí đất rẻ.

Khi Mỹ dự kiến sẽ có thêm 79 triệu người vào năm 2060, nhu cầu về nhà ở đô thị và ngoại ô sẽ còn tăng cao hơn nữa. Mặc dù diện tích đất đô thị là một phần tương đối nhỏ trong tổng thế, chiếm 3,6% tổng diện tích sử dụng đất, nhưng đây là lĩnh vực phát triển nhanh nhất.

Với tốc độ hiện tại, lượng không gian đô thị mới sẽ bằng diện tích đất của tiểu bang Virginia vào năm 2050. Các thành phố vốn đã phàn nàn về việc thiếu đất và các khu vực từng là ngoại ô hoặc thậm chí là nông thôn có thể bị biến thành bất động sản đắt đỏ. Khi các thành phố mở rộng, giá đất tăng ở những khu vực này sẽ càng hạn chế các lựa chọn cho các máy điện năng lượng xanh.

Việc lắp đặt tuabin gió hay tấm pin năng lượng mặt trời cũng sẽ đòi hỏi chuyển đổi đất nông nghiệp ở nông thôn. Dữ liệu từ USDA chỉ ra rằng vào năm 2012, hơn 50% diện tích đất được sử dụng cho ngành nông nghiệp và chi phí của loại đất này đang tăng cao. Việc đất nông nghiệp tăng giá khiến một số người giàu có nhất nước Mỹ, chẳng hạn như Bill Gates, đi gom những vùng đất rộng lớn như một phần trong chiến lược đầu tư của họ.

Những tranh cãi cũng sẽ ngày càng khốc liệt hơn. Người dân địa phương thường khó chịu vì tuabin gió phát ra tiếng ồn lớn và các tấm pin mặt trời khiến cảnh quan không còn đẹp như trước.

Ở các vùng khác của đất nước, việc chuyển đổi đất nông nghiệp đã gây ra phản ứng dữ dội tại địa phương và một số bang đã đưa ra các dự luật nhằm hạn chế khả năng chuyển đổi đất nông nghiệp của các nhà sản xuất năng lượng xanh.

Cơn sốt đất lớn nhất nước Mỹ lờ mờ xuất hiện: Mọi lĩnh vực tranh nhau từng tấc đất, muốn sống xanh thì phải chấp nhận hy sinh - Ảnh 2.

Ảnh: Getty Images

Giải pháp tiềm năng

Sự cạnh tranh về đất đai sẽ gây ra những tranh chấp ở địa phương. Nhưng có một số cách để giảm bớt căng thẳng cho cơn sốt đất lớn của nước Mỹ.

Cách thứ nhất đó là quy hoạch đất đai ở các thành phố lớn để có nhiều đất nhất có thể cho các gia đình, giám áp lực mở rộng thành phố. Trong khi đó, pin năng lượng mặt trời có thể được lắp đặt trên mái nhà của các căn hộ để bổ sung cho các dự án xanh.

Một cách khác để giảm nhu cầu về đất đai là làm cho các trang trải trở nên hiệu quả hơn, tăng năng suất nông nghiệp trên cùng một diện tích đất. Năng suất nông nghiệp có thể tăng theo thời gian do kiến ​​thức của nông dân được cải thiện và hạt giống mới được phát triển.

Tất nhiên, công nghệ sản xuất các tấm pin mặt trời và tuabin gió không ngừng phát triển. Diện tích đất cần thiết để lắp đặt các công nghệ này có thể thay đổi khi có những bước đột phá mới.

Nhưng rõ ràng rằng ngay cả khi công nghệ phát triển vẫn cần có những quyết định quan trọng về địa điểm và cách thức xây dựng các nhà máy sản xuất điện trong tương lai.

Cho dù có những giải pháp khả quan, các mục tiêu khí hậu tham vọng và sự phát triển không ngừng của Mỹ sẽ gây ra một cuộc tranh giành đất đai lớn. Như nhà văn Mỹ Mark Twain đã viết hơn một thế kỷ trước: “Hãy mua đất. Chúng không sinh ra thêm đâu”.

Theo BI

Cùng chuyên mục

Đọc thêm