Tài chính

Cơn khát nới room tín dụng của các ngân hàng

 Ảnh minh hoạ: VnEconomy.

Khi nào ngân hàng được nới room tín dụng?

Đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tuy nhiên vào những ngày cuối tháng 5, nhiều ngân hàng đã gần ‘cạn’ room tín dụng, chỉ có thể cho vay cầm chừng.

Theo số liệu từ NHNN, tăng trưởng tín dụng tới ngày 27/5/2022 đạt 7,75%, mức cao nhất trong 10 năm qua, gấp đôi mức tăng trưởng trong cùng kỳ năm ngoái, cho thấy nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế là rất lớn.

"Việc các NHTM đều đã hết room tín dụng trong khi NHNN vẫn chưa thực hiện nới room đã khiến cho tín dụng không đẩy thêm được ra ngoài trong những ngày cuối tháng 5", báo cáo vĩ mô mới đây của Chứng khoán Bảo Việt cho hay.

Có thể dễ dàng nhận thấy các ngân hàng thương mại (NHTM) đang trong tình trạng mong mỏi chờ được NHNN nới ‘room’ tín dụng.

Chia sẻ tại buổi làm việc liên ngân hàng triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, các nhà băng đồng loạt đề nghị sớm được cấp thêm hạn mức tín dụng.

Tại Vietcombank, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Tùng cho biết đến hết quý I/2022 tín dụng của ngân hàng đã tăng 7% (đến 29/4 đạt 8,8%) so với mức tín dụng đã được cấp chính thức là 10%. Như vậy, chỉ riêng quý đầu năm, Vietcombank đã sử dụng gần hết room tín dụng đã được cấp. 

Trong khi đó, bà Phạm Thị Thu Hà, Phó Tổng Giám đốc MB, cho rằng nhu cầu tín dụng của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp là rất lớn khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Đề nghị NHNN nới thêm room tín dụng để có thể thực hiện được các chương trình ưu đãi lãi suất  một cách hiệu quả.

 

Vấn đề room tín dụng cũng là một trong những nội dung làm nóng nghị trường tại phiên chất vấn của đại biểu quốc hội với Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng.

Theo đó, nhiều đại biểu cho rằng việc cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng còn bất cập, mang tính hành chính xin - cho, nhìn chung chưa có tiêu chí, phương thức thống nhất, việc điều chỉnh trong năm cũng chưa linh hoạt, còn bị động.

Đồng thời, đại biểu đặt câu hỏi về khả năng nới room cho các ngân hàng trong thời gian tới như thế nào, khi nào bỏ được cơ chế cấp room? 

Trả lời chất vấn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết trước khi sử dụng biện pháp này, các ngân hàng tăng trưởng tín dụng rất cao, nhiều năm tăng trên 30%/năm, cá biệt có năm toàn hệ thống tăng tới 53,8%, kéo theo cuộc đua huy động, dẫn tới tăng mặt bằng lãi suất.

“NHNN sẽ phân bổ tín dụng tới các ngân hàng thương mại dựa trên nguyên tắc chung, nhà băng nào lành mạnh, quản trị tốt hơn thì được tăng trưởng tín dụng cao hơn”, bà Hồng nói.

Tuy nhiên, câu hỏi "khi nào các ngân hàng sẽ được nới room" vẫn còn bỏ ngỏ và các nhà băng phải tiếp tục chờ đợi. Điều đó đồng nghĩa với các doanh nghiệp, người dân có nhu cầu vay vốn tại một số ngân hàng đã cạn room phải "phanh" lại kế hoạch kinh doanh, sử dụng vốn của mình.

Ngày càng nhiều khách hàng có nhu cầu vay nhưng ngân hàng không thể giải ngân khiến cho cuộc "cạnh tranh" để được có tiền của nhóm khách hàng của ngân hàng trở nên căng thẳng hơn, nhiều người ‘tranh nhau’ để được vay.

  • TIN LIÊN QUAN
  • Techcombank có thể được nới 'room' tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác nhờ yếu tố này

Và khi cầu cao trong khi cung hạn chế, các ngân hàng cũng sẽ "lựa chọn" khách hàng để giải ngân một cách thận trọng hơn. Điều đó có thể dẫn tới một số tiêu chuẩn cho vay sẽ được nâng lên. 

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA), dù biết rất rõ tình hình các TCTD gặp khó về room tín dụng nhưng lãnh đạo NHNN phải cân nhắc rất cẩn trọng, để có giải pháp phù hợp nhất nhằm đảm bảo mục tiêuổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

NHNN sẽ phải rà soát kỹ hoạt động tín dụng cũng như tình hình tài chính của các ngân hàng, vì vậy việc nới room chắc chắn không đều. NHNN sẽ phải căn cứ vào mức độ tuân thủ của các TCTD về an toàn vốn (CAR)

Chưa được nới room, các ngân hàng sẽ ảnh hưởng ra sao?

Không chỉ người đi vay mới chật vật khi các ngân hàng cạn "room" tín dụng. Chính các nhà băng cũng phải lo lắng khi nguồn tiền vẫn dồi dào nhưng khả năng giải ngân lại nhỏ giọt. Tín dụng không đẩy được ra ngoài, lợi nhuận của các ngân hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Theo các chuyên gia của VNDirect, tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng trong quý I/2022 có phần chậm hơn so với cùng kỳ. Trong đó có VietinBank và OCB có tăng trưởng lợi nhuận giảm lần lượt là 27% và 34%.

Khảo sát cho thấy, phần lớn ngân hàng đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn mức được cấp từ đầu năm. Nếu như không sớm được nới room, việc thực hiện mục tiêu lợi nhuận của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng.

 

Tín dụng chậm lại cũng đã giảm bớt áp lực về mặt thanh khoản và giúp mặt bằng lãi suất liên ngân hàng có thể duy trì ở mức thấp, trong bối cảnh VND chịu áp lực mất giá. Diễn biến này đã khiến cho lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh, lãi suất kỳ hạn qua đêm đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021 tới nay. 

Tuy nhiên, với áp lực từ lạm phát cũng như nhu cầu tín dụng tăng mạnh trong quá trình hồi phục kinh tế, nhiều chuyên gia phân tích cùng quan điểm rằng lãi suất sẽ chịu áp lực tăng trong thời gian tới.

Các chuyên gia của chứng khoán SSI cho rằng áp lực lạm phát sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm 2022 và kỳ vọng lãi suất sẽ chạm đáy trong năm nay. Triển vọng tăng lãi suất phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế. 

Theo kịch bản cơ sở của SSI Research, lãi suất huy động sẽ tăng 0,2 - 0,25 điểm % trong nửa cuối năm 2022.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm