Tứ Xuyên (Trung Quốc) là vùng đất cư trú của nhiều dân tộc. Đồng thời, mỗi dân tộc đều có văn hóa và phong tục sinh hoạt khác nhau nên vùng đất Ba Thục này vẫn giữ được một màu sắc văn hóa vô cùng phong phú.
Chỉ cách huyện Bình Vũ (thành phố Miên Dương) 2,5 giờ lái xe, Bát Tích Gia Cổ Trại là một bộ tộc cổ xưa đã bị lãng quên trong vùng đất Tứ Xuyên phát triển và trù phú.
Bát Tích Gia Cổ Trại - nơi cư ngụ của tộc người Bạch Mã cổ xưa
Bát Tích Gia Cổ Trại nằm bên hồ Thiên Mụ êm đềm, tĩnh lặng, là nơi sinh sống của tộc người Bạch Mã đôn hậu và chân chất. Hồ Thiên Mụ phẳng lặng như một tấm gương khổng lồ nằm lặng lẽ giữa những dãy núi cao, như một báu vật quý giá được cất giấu trong rừng sâu bạt ngàn.
Đến nơi đây, bạn có thể trải nghiệm những phong tục dân gian và khám phá cội nguồn lâu đời của tộc người Bạch Mã.
Nói người dân nơi đây là tộc người cổ xưa vậy thôi, nhưng khi đến thăm thú, bạn sẽ thấy được họ nhiệt tình và cởi mở đến mức nào!
Ở Hồ Thiên Mụ, bốn mùa khác nhau rõ rệt, cảnh vật xung quanh cũng thay đổi để thích ứng với thời tiết, mỗi mùa mang một vẻ đẹp đặc trưng. Đến đây, bạn có thể phát hiện mặt hồ thay đổi liên tục quanh năm dưới ánh sáng mặt trời.
Màu của hồ nước chính là hình ảnh phản chiếu của phong cảnh xung quanh. Xuân đến, trời trong và cao vời vời; rừng lá xanh mướt một màu. Hè về, trời nhiều mây trắng, lá cây có chút ngã vàng vì nắng. Thu sang, rừng lá đổi màu, sắc vàng, sắc xanh, sắc đỏ đều có đủ. Đông đến, mặt hồ như tấm gương trắng xóa in bóng núi rừng phủ đầy tuyết như chốn bồng lai.
Bát Tích Gia Cổ Trại có phong tục dân gian giản dị và những nét văn hóa dân tộc đặc sắc. Đây chính là bộ tộc mang dáng vẻ nguyên thủy hòa mình trong tự nhiên, sống nhờ vào trời và đất. Cổ trại nằm gọn bên một góc hồ Thiên Mụ, dựa vào chân núi cao. Những ngôi nhà gỗ đơn sơ đậm chất dân tộc, ngói đen rêu phong mang màu thời gian.
Khi bước chân vào Bát Tích Gia Cổ Trại bên bờ hồ Thiên Mụ, bạn có thể cảm nhận được nét văn hóa dân tộc cổ xưa từ hàng nghìn năm trước. Người Bạch Mã sinh sống ở đây không còn nhiều. Ngoài những ngôi nhà gỗ được xây dựng thống nhất một kiểu, du khách có thể phát hiện nơi đây có một vài căn nhà đã được trát xi măng theo kiểu hiện đại.
Niềm tin trong tinh thần và nét sống bình dị
Gà được xem là vị thần ban ơn và phúc lành của tộc người Bạch Mã.
Truyền thuyết kể rằng trong cuộc chiến giữa vua Thổ Phiên và nhà Đường, người Bạch Mã không thể chống chọi lại sức mạnh của binh lính nhà Đường. Khi người dân nơi đây kiệt sức và hôn mê, binh lính nhà Đường đã nhân cơ hội đó mở một cuộc tấn công lén lút.
Thời điểm đó, tất cả chim trĩ trong thôn cùng đồng loạt kêu vang, đánh thức người dân tỉnh dậy và thành công đánh tan cuộc tấn công của quân Đường. Từ đó, để nhớ ơn chim trĩ cứu mạng, tổ tiên của tộc người Bạch Mã đã đội mũ được kết từ lông chim trĩ.
Phía sau là núi rừng, trước mặt là hồ nước. Bát Tích Gia Cổ Trại như tách biệt khỏi thế giới ngoài kia. Sống chậm rãi và mộc mạc. Mỗi hộ dân nơi đây đều tự trồng rau và cây ăn quả để tự cung tự cấp. Đôi khi họ cũng lên rừng bẫy các loài thú nhỏ, nhưng chủ yếu sống nhờ vào tôm cá dưới hồ.
Nói như vậy không có nghĩa là cổ trại hoàn toàn lạc hậu so với thời đại. Phát triển du lịch đã mang hơi thở hiện đại đến với nơi đây. Trong nhà vẫn có một vài thiết bị gia dụng hiện đại, đôi khi còn xuất hiện những mẫu đồ nội thất như bàn ghế được thiết kế từ kim loại và nhựa, chứ không hẳn hoàn toàn đều sử dụng chất liệu gỗ.
Bát Tích Gia Cổ Trại được bao bọc bởi Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Vương Lãng và Cửu Trại Câu. Người Bạch Mã cổ đại sống ở đây, gìn giữ văn hóa dân tộc và lối sống truyền thống, sở hữu ngôn ngữ và phong tục riêng biệt.
Tộc người Bạch Mã ở Bát Tích Gia Cổ Trại chính là viên ngọc trai lấp lánh trong văn hóa truyền thống dân tộc Trung Hoa.
(Nguồn: Sohu, QQ, Tibet3)