Ngân hàng là nhóm giảm mạnh nhất trong phiên VN-Index rơi tự do
VN-Index trải qua 5 tuần giảm điểm liên tục khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên bi quan, cũng chính điều này khiến cho thị trường mở phiên giao dịch đầu tuần chìm trong sắc đỏ. Xuyên suốt phiên giao dịch, chỉ số giao dịch theo một chiều đi xuống. Đến cuối phiên, tâm lý bi quan tăng mạnh khiến nhà đầu tư bán tháo hàng loạt, các mã giảm sàn la liệt và chỉ số giảm sâu.
Kết phiên, VN-Index đóng cửa tại 1.269 điểm, rơi sâu 59,6 điểm, tương ứng 4,5% so với phiên giao dịch ngày hôm trước. Trước phiên bán tháo dữ dội như hôm nay, không một nhóm ngành nào trụ vững hay ngược dòng thị trường như những phiên trước đó.
Trong đó, nhóm cổ phiếu “vua” tiếp tục là nhóm tác động tiêu cực nhất lên VN-Index với mức ảnh hưởng giảm hơn 13 điểm. Top10 mã chứng khoán là lực cản lớn nhất của VN-Index có tới 6 đại diện từ các nhà băng.
Theo quan sát, gần một nửa cổ phiếu ngân hàng giảm kịch sàn trên HOSE, điển hình như TCB, OCB, CTG, BID, VPB, MSB, STB và LPB. Ngoại trừ NVB giữ được sắc xanh, 26/27 mã còn lại đều kết phiên đều chịu áp lực điều chỉnh.
Kỳ vọng nào cho nhóm ngân hàng trong dài hạn?
Dễ thấy rằng, với việc chiếm vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tăng trưởng của VN-Index không thể thiếu sự đóng góp của nhóm ngân hàng, đặc biệt là những cổ phiếu thuộc top đầu ngành như VCB, CTG hay BID. Thế nhưng hi vọng lớn lại càng khiến nhà đầu tư thất vọng nhiều, nhóm ngân hàng dường như vẫn tiếp tục ngủ đông sau kỳ đại hội, bất chấp những thông tin tích cực về triển vọng kinh doanh, tăng trưởng quý I, thậm chí là việc báo lãi khủng trong quý đầu năm.
Chia sẻ về nhóm vốn hóa lớn nhất thị trường, bà Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc Tự doanh DNSE cho biết câu chuyện về ngành ngân đang nằm trong một câu chuyện ngắn hạn là bị ảnh hưởng bởi việc siết nguồn vốn tín dụng vào các nơi tương đối nóng bao gồm bất động sản hay thị trường chứng khoán. Đây chính là yếu tố tác động đến xu hướng ngắn hạn của nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Theo bà Linh, nếu tham gia vào nhóm cổ phiếu ngân hàng ngay thời điểm hiện tại với mục tiêu ngắn hạn thì sẽ phải chịu nhiều gánh nặng tâm lý, tuy nhiên, nếu ta nắm giữ với tầm nhìn dài hạn thì việc duy trì cổ phiếu này trong danh mục lại là điều nên được cân nhắc. Mỗi người nên phân bổ tỷ trọng vào những nhóm ngành mà đang thuộc xu thế và khó có thể thay đổi ở tương lai.
Ngành ngân hàng vẫn còn nhiều tiềm năng vì vậy việc giữ một tỷ lệ trong danh mục cũng không hoàn toàn là điều xấu. Ngoài ra, ta cũng có thể chờ đợi một cú giảm sâu rồi đi vào để cân bằng giá xuống từ đó giúp giảm áp lực về giá vốn.
Thời điểm này chính là cơ hội để các nhà đầu tư quản lý, cân đối lại danh mục của bản thân, tìm hiểu kỹ hơn về từng mã cổ phiếu và sau đó sẽ lựa chọn cắt bỏ hay tiếp tục giữ.
Đối với những gì mang tính dự báo và mình khó có thể có tính chính xác 100% thì ta nên chuẩn bị kịch bản hành động vào lúc đấy. Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư rất hiệu quả ngay cả trong bối cảnh khó khăn như hiện tại, ta nên tận dụng những cơ hội này để tích luỹ bài học, tích luỹ kinh nghiệm cũng như đưa ra các kịch bản nhằm ứng xử một cách khôn ngoan.
Đồng quan điểm với bà Linh, ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích và Tư vấn Đầu tư, CTCP Chứng khoán Tân Việt cho rằng ngành ngân hàng nhìn chung là vô cùng tiềm năng bởi dân số Việt Nam đang ở độ tuổi vàng, lao động, thu nhập sẽ tăng theo thời gian. Điều quan trọng là ta phải biết mua ở giá nào và để bao lâu chứ cũng không có quá nhiều đáng ngại.
Ở thời điểm hiện tại, tốc độ tăng trưởng của một vài cổ phiếu ngân hàng tốt có thể chậm hơn trước tuy nhiên khi giá giảm thì định giá sẽ trở nên hấp dẫn hơn.