Theo Cổng TTĐT Chính phủ, chiều 8/5, trong chuyến công tác tại tỉnh Thái Bình, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh tập trung cho công tác quy hoạch, quy hoạch phải đi trước một bước, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, xác định và khai thác được các tiềm năng khác biệt.
Thủ tướng nêu rõ giao thông vẫn là nút thắt lớn nhất của tỉnh, vẫn chưa thông suốt. Do đó, phải kết nối với các sân bay, các cảng lớn, mà gần nhất là sân bay Cát Bi, cảng Lạch Huyện, cảng Cái Lân, Móng Cái…
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh Thái Bình phải tập trung mọi nguồn lực cho tuyến đường ven biển và làm càng sớm càng tốt, góp phần mở cửa ra nước ngoài, kết nối quốc tế, tạo đường ra thuận tiện cho hàng hóa và con người, thúc đẩy Khu kinh tế Thái Bình, tạo không gian phát triển mới.
Về nguồn vốn, Thủ tướng nêu rõ, tư duy đột phá sẽ tạo ra nguồn lực, trên cơ sở đẩy mạnh hợp tác công tư. “Làm con đường này chỉ mất khoảng vài nghìn tỷ đồng đầu tư, nhưng lúc hoàn thành sẽ mang lại hàng trăm nghìn tỷ đồng khi giá trị đất đai lên cao, các nhà đầu tư đưa nguồn vốn tới", Thủ tướng nói.
Cho ý kiến cụ thể về các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu, xác định những khu vực biển phải bảo tồn, những nơi có thể lấn biển, xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định về hoạt động lấn biển.
Thủ tướng đánh giá Thái Bình có tiềm năng lớn về lấn biển với các điều kiện tự nhiên sẵn có. Đồng thời, Thủ tướng bày tỏ ủng hộ việc bổ sung quy hoạch điện khí LNG tỉnh Thái Bình trong Quy hoạch điện VIII.
Ông nêu rõ, nhiều địa phương đề xuất bổ sung quy hoạch điện khí LNG, nhưng những địa phương đó có nhiều tiềm năng, lợi thế khác để phát triển, nên cần dành ưu tiên trong lĩnh vực này cho những địa phương khó khăn hơn như Thái Bình.
Tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ duyệt đầu tư tháng 3/2018 với tổng chiều dài 35,5 km. Điểm đầu tuyến tại nút giao với quốc lộ 37, điểm cuối tại điểm đấu nối với đường đầu cầu vượt sông Hồng tại xã Nam Phú, huyện Tiền Hải.
Tổng mức đầu tư dự án này là 3.872 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 1.100 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác là 1.593 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư BOT là 1.289 tỷ đồng.
Nhà đầu tư xây dựng trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ để hoàn vốn trong vòng 23 năm 3 tháng (từ năm 2022 đến 2045). Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2018 – 2021.
Mới đây, tỉnh Thái Bình đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án với nội dung là điều chỉnh tăng tổng mức vốn đầu tư và thời gian thực hiện từ năm 2018 đến ngày 30/9/2023, nguyên nhân do biến động về giá vật liệu, chi phí tư vấn…