Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là tâm điểm trong phiên giao dịch sáng 7/4 khi là nhân tố chính giúp thị trường không bị giảm quá sâu.
Dẫn đầu đà tăng sáng nay là hai ông lớn trong nhóm cổ phần là MBB và VPB. Cụ thể, MBB có thời điểm tăng vọt trên 3% trong khi VPB của VPBank cũng tăng trên dưới 2%. Thanh khoản của cả 2 cổ phiếu này cũng ở mức cao nhất ngành với hơn 15 triệu và 18 triệu đơn vị được khớp lệnh chỉ trong vòng hơn 60 phút giao dịch chính thức.
Cổ phiếu VPB thể hiện phong độ ấn tượng trong những phiên gần đây sau khi lãnh đạo VPBank cho biết lợi nhuận hợp nhất trước thuế quý I có thể đạt hơn 11.000 tỷ đồng, gấp 2,75 lần cùng kỳ năm trước. Khoản lợi nhuận này đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi và các khoản thu nhập bất thường.
Với nhịp tăng mạnh từ đầu tháng, giá trị vốn hóa của VPBank đã có lúc chạm ngưỡng 185.000 tỷ và chính thức vượt Techcombank (175.000 tỷ) trở thành ngân hàng có vốn hóa lớn thứ 3 thị trường sau Vietcombank và BIDV.
Cổ phiếu MBB cũng bước sang phiên tăng giá mạnh thứ hai liên tiếp với vốn hóa có lúc đạt trên 130.000 tỷ. Đà tăng của MBB xuất hiện trong bối cảnh MB mới đây đã công bố tại liệu họp đại hội cổ đông thường niên 2022 với kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng.
Năm 2022, MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 20.300 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2021. Ngân hàng dự kiến tổng tài sản tăng 15% lên 700.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ tăng 24% lên 46.882 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng tăng khoảng 16% lên 472.600 tỷ đồng và theo giới hạn room mà Ngân hàng Nhà nước giao cho.
Ngoài hai mã kể trên, nhiều cổ phiếu ngân hàng cũng ghi nhận xu hướng tăng tốt trong đầu phiên sáng như ACB, BID, HDB, MSB, OCB và VIB. Qua đó, đẩy vốn hóa ngành ngân hàng tăng thêm hàng chục nghìn tỷ đồng.
Trong sáng nay, OCB có lúc bật tăng hơn 1,3% và nối dài nhịp tăng giá kể từ đầu tháng 4. Trước đó, ngân hàng đã công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2022 với kế hoạch lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 7.110 tỷ đồng, tăng 29% so với năm trước. Đồng thời, OCB cũng dự kiến duy trì mức cổ tức từ 20% - 25% cho cổ đông.
HDB cũng có thời điểm tăng hơn 1,7% trong sáng nay với khối lượng giao dịch ở mức cao. Trong đại hội dự kiến tổ chức vào ngày 22/4 tới đây, HDBank sẽ trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2022 với lợi nhuận trước thuế đạt 9.770 tỷ đồng. Ngân hàng cũng dự kiến tăng vốn thêm 5.231 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu chia cổ tức bằng cổ phiếu 25% và ESOP.
Tương tự, VIB cũng bước sang phiên tăng giá thứ hai liên tiếp và tiếp tục củng cố nhịp tăng khởi phát thứ đầu tháng 4.
Liên quan đến hoạt động của VIB, Hội đồng quản trị ngân hàng mới đây đã phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ thêm hơn 5.545 tỷ đồng từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Cụ thể, VIB sẽ phát hành 554,5 triệu cổ phiếu để chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho cán bộ nhân viên. Sau phát hành, vốn điều lệ ngân hàng dự kiến tăng lên trên 21.000 tỷ đồng.Đây là năm thứ ba liên tiếp VIB trả cổ tức toàn bộ bằng cổ phiếu. Trước đó, ngân hàng đã chi trả cổ tức với tỷ lệ 20% và 40% trong năm 2020 và 2021. Bên cạnh kế hoạch chia cổ tức, cổ đông ngân hàng cũng thông qua kế hoạch kinh doanh năm với lợi nhuận mục tiêu 10.500 tỷ đồng, tăng 31% so với kết quả đạt được trong năm 2021.
Theo chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhóm ngân hàng chịu áp lực bán trong tháng 3 khi căng thẳng chính trị leo thang cùng với tâm lý tiêu cực ở các ngân hàng là chủ nợ lớn của FLC. Song, những cổ phiếu với câu chuyện xúc tác tăng vốn sẽ có diễn biến tốt trong tháng 4.
Đồng quan điểm, SSI Research cho rằng ngân hàng sẽ là ngành cần chú ý trong tháng 4 sau khoảng thời gian dài giao dịch trầm lắng. Cụ thể, ngoại trừ hai ngân hàng VietinBank (chưa tính đến banca) và Vietcombank có thể có lợi nhuận giảm từ nền so sánh cao trong cùng kỳ năm 2021, nhìn chung các ngân hàng còn lại vẫn có thể đạt kết quả kinh doanh khả quan với tăng trưởng lợi nhuận tương đối tích cực.