Kinh doanh

Có hiện tượng đầu cơ "thổi giá" vàng

Tóm tắt:
  • Giá vàng trong nước cao hơn thế giới trên 16 triệu đồng/lượng do đầu cơ và biến động thị trường.
  • Ngân hàng Nhà nước đã can thiệp bằng cách đấu thầu và bán vàng trực tiếp để kiểm soát chênh lệch.
  • Đến cuối 2024, chênh lệch giá vàng đã giảm xuống khoảng 3-5 triệu đồng/lượng.
  • Từ đầu 2025, giá vàng thế giới tăng do bất ổn chính trị và các chính sách thuế của Mỹ.
  • Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi và phối hợp với các bộ ngành để ổn định thị trường vàng.

Chênh lệch với thế giới nới rộng do đâu?

Sáng nay (7/5), giá vàng miếng SJC niêm yết ở mức 122,7 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng hơn 16 triệu đồng/lượng. Như vậy, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lại quay về mức cao kỷ lục như trước thời điểm Ngân hàng Nhà nước tung ra các giải pháp can thiệp thị trường vàng (trong đó có giải pháp đấu thầu vàng, bán vàng cho nhóm ngân hàng quốc doanh để các ngân hàng này bán trực tiếp cho người dân…).

Trong báo cáo vừa gửi tới Quốc hội việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết năm 2024 cơ quan này triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý thị trường vàng, xử lý tình trạng chênh lệch ở mức cao giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện cung vàng miếng ra thị trường thông qua đấu thầu bán vàng miếng và bán vàng miếng trực tiếp, giúp thu hẹp đáng kể chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới. Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp các bộ, ngành chức năng thanh tra hoạt động kinh doanh vàng của một số đơn vị, doanh nghiệp để từng bước chấn chỉnh hoạt động này; chuyển thông tin về kết quả thanh tra có liên quan đến cơ quan có thẩm quyền để xác minh, điều tra, xử lý theo quy định và hiện đang hoàn thiện kết luận thanh tra.

Kết quả, đến cuối năm 2024, chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới đã được kiểm soát và duy trì ở biên độ phù hợp, từ mức chênh lệch khoảng 25% tại thời điểm cao nhất xuống còn khoảng 3-5 triệu đồng/lượng (tương đương khoảng 5-7%).

Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2025, giá vàng thế giới liên tục phá vỡ mức kỷ lục trước đó. Ngân hàng Nhà nước chỉ ra 3 nguyên nhân khiến giá vàng quốc tế tăng.

Cụ thể, bất ổn chính trị, xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược gia tăng trên phạm vi toàn cầu; nhiều ngân hàng trung ương và quỹ đầu tư đẩy mạnh mua vào vàng để bổ sung dự trữ ngoại hối cũng là lý do quan trọng khiến giá vàng tăng; Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng cao với các quốc gia trên thế giới đã tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư và tăng trưởng kinh tế thế giới, khiến dòng tiền của nhà đầu tư có xu hướng đổ vào vàng…

Có hiện tượng đầu cơ 'thổi giá' vàng ảnh 1

Nhiều người dân miệt mài xếp hàng mua vàng tại nhiều cửa hàng khi giá vàng tăng cao.

Cho tới đầu tháng 4, chênh lệch giá vàng trong nước và giá thế giới tiếp tục được kiểm soát và duy trì ở biên độ khoảng 3-5 triệu đồng/lượng (tương đương 5%-7%); có thời điểm chỉ còn trên dưới 1 triệu đồng/lượng (tương đương 1%-2%) vào đầu năm. Tuy vậy, Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận đến ngày 23/4, chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và thế giới quy đổi ở mức khoảng 14,48 triệu đồng/lượng, tương đương chênh lệch 13,62%.

Ngân hàng Nhà nước chỉ ra loạt nguyên nhân khiến chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới doãng rộng trở lại trong tháng 4.

Một là, tâm lý kỳ vọng việc giá vàng thế giới tiếp tục tăng trong bối cảnh các chính sách thuế quan của Chính quyền Tổng thống Trump dự kiến tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu; lộ trình chính sách tiền tệ khó lường của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed); diễn biến địa chính trị thế giới căng thẳng; các cú sốc giá cả hàng hóa có thể phát sinh khiến nhu cầu mua vàng tăng.

Hai là, nguồn cung vàng miếng trên thị trường chưa được tăng thêm từ đầu năm 2025 đến nay, thị trường ngoại hối và thị trường vàng tương đối ổn định nên từ đầu năm 2025 đến nay Ngân hàng Nhà nước không phải can thiệp thị trường.

Ngoài các nguyên nhân trên, Ngân hàng Nhà nước cho rằng không loại trừ nguyên nhân có một số doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng tình hình biến động của thị trường để đầu cơ, thổi giá, trục lợi.

Sẽ sửa Nghị định 24 theo trình tự rút gọn

Mặc dù giá vàng trong nước tăng cao, song Ngân hàng Nhà nước khẳng định, những biến động này trước mắt chưa ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách tiền tệ và ổn định kinh tế vĩ mô. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng trong nước và quốc tế, phối hợp với các cơ quan hữu quan để tăng cường công tác quản lý và có biện pháp ổn định thị trường vàng theo thẩm quyền.

Về thị trường vàng thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước nhận định vẫn thực sự ổn định bền vững, vẫn chịu tác động bởi yếu tố tâm lý, kỳ vọng, tiềm ẩn rủi ro tác động đến thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Ngân hàng Nhà nước cho rằng, bên cạnh các giải pháp từ phía cơ quan này, để ổn định thị trường vàng một cách bền vững cần có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Định hướng của Ngân hàng Nhà nước thời gian tới là sẽ tiếp tục làm tốt công tác truyền thông để kịp thời cung cấp các thông tin về chủ trương, giải pháp, chính sách quản lý thị trường vàng, ổn định tâm lý thị trường. Khẩn trương xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24 theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan (Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Tài chính…) để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường.

Các tin khác

Nợ xấu ngân hàng tăng vọt trong quý đầu năm

Mặc dù nợ xấu tiếp tục tăng mạnh trong quý I nhưng dự phòng rủi ro lại không tăng tương xứng khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu ngân hàng sụt giảm. Bộ đệm dự phòng rủi ro suy yếu có thể tạo ra áp lực trong những quý tiếp theo.

Giá vàng SJC giảm mạnh

Sáng nay (9/5), giá vàng trong nước giảm mạnh. Theo đó, vàng miếng SJC về quanh mốc 120 triệu đồng/lượng.

Giá vàng đồng loạt tăng

Vào lúc 9h30 sáng nay (8/5), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 120,7 - 122,7 triệu đồng/lượng, tăng nửa triệu đồng/lượng so với trước giờ mở cửa phiên giao dịch.

Giá vàng hôm nay, 7-5: Tiếp tục đi lên

Giá vàng hôm nay tiếp tục tăng khi nhu cầu từ thị trường Trung Quốc chưa hạ nhiệt, chứng khoán Mỹ giảm điểm và đồng USD mất giá.

Quy định mới nhất về tiền lương

Bộ Nội vụ có Thông tư hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/6 tới đây.

F88 chính thức trở thành công ty đại chúng

Ngày 6/5/2025, Ủy ban Chứng khóa Nhà nước có công văn xác nhận Công ty Cổ phần Đầu tư F88 (F88) đã đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng theo quy định của Luật Chứng khoán.

"Dễ chiều" nàng như trang sức DOJI

Một đôi hoa tai lấp lánh, một chiếc nhẫn kiêu sa hay một sợi dây chuyền tinh tế – tất cả đều phản chiếu phong cách, gu thẩm mỹ và phong thái của chủ nhân. Nàng yêu sự sang trọng, chuộng nét thanh lịch hay thích phá cách? Dù nàng lựa chọn phong cách nào, những bộ sưu tập trang sức đa dạng, tinh xảo và tràn đầy cảm hứng của DOJI đều có thể “chiều nàng” đúng điệu.

Miền Bắc sắp chuyển nắng nóng diện rộng, gay gắt

Hôm nay (7/5), miền Bắc tiếp tục có nắng nóng cục bộ 33-35 độ. Từ ngày mai, miền Bắc xuất hiện nắng nóng diện rộng 34-36 độ. Ngày 9/5, miền Bắc chuyển nắng nóng gay gắt, có nơi trên 37 độ. Miền Trung hôm nay tiếp tục nắng nóng gay gắt. Tây Nguyên, Nam Bộ mưa dông vào chiều tối.

Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo thời điểm miễn viện phí toàn dân

Theo kết luận của Tổng Bí thư, thống nhất thực hiện chủ trương khám sức khoẻ định kỳ cho nhân dân ít nhất mỗi năm một lần, triển khai trong thời gian sớm nhất. Tổng Bí thư cũng giao Đảng uỷ Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu xây dựng Đề án với lộ trình từng bước giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân, tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn từ 2030 - 2035.