Bỏ phố lên rừng làm homestay “chữa lành”
Nguyễn Thị Phượng (sinh năm 2000, đến từ Hà Nội) hay còn được cộng đồng mạng biết đến với cái tên Phượng Đi Đâu với kênh TikTok hơn 500 nghìn người theo dõi.
Cô từng có kinh nghiệm làm hướng dẫn viên du lịch trong vòng 5 năm. Trong nhiều lần đến với Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang), Phượng chia sẻ bị vẻ đẹp hoang sơ, thuần tuý nơi đây “hớp hồn”.
“Điểm đến này nằm sát điểm cực Bắc của Việt Nam, cách cột cờ Lũng Cú khoảng 1,5km và vẫn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống với những căn nhà trình tường đã gắn bó với bao thế hệ của bà con dân tộc Lô Lô…” , chia sẻ của Phượng về những lần hướng dẫn du lịch cho đoàn khách đến với Lô Lô Chải.
Tuy nhiên, thời điểm năm 2019, 2020 Phượng đơn giản yêu thích thiên nhiên, con người ở đó. Ý tưởng khởi nghiệp làm homestay chưa thực sự được nhen nhóm.
Đến những năm 2021 thời điểm dịch bệnh Covid-19 xảy ra, kéo theo việc ngành du lịch bị đình trệ và Phượng cũng không tránh khỏi ảnh hưởng. Sau khi dịch bệnh đi qua, cô gái trẻ quyết tâm muốn làm một điều gì đó để “chữa lành” bản thân.
Tuy nhiên, để đi đến quyết định khởi nghiệp trên vùng đất ít người biết đến cũng đã có trở ngại níu chân cô gái trẻ.
“Bố mẹ mình là người không đồng ý đầu tiên vì sợ thân gái một mình vượt hơn 500km lên Hà Giang để khởi nghiệp thì quá vất vả. Tuy nhiên, mình lại quyết tâm làm, mình đã phải dành nhiều thời gian thuyết phục được bố mẹ sau đó mới quyết định lên Lô Lô Chải…”, Phượng chia sẻ.
"Mình nghĩ còn trẻ, nợ nần hay vất vả một chút cũng được.."
Đến năm 2023, Phượng quyết định thuê một căn nhà trình tường ở Lô Lô Chải và cải tạo làm chốn nghỉ dưỡng. 10X cho biết, thực tế căn nhà thuê đã xuống cấp, ngoại trừ phần khung được giữ nguyên, cô phải cải tạo lại toàn bộ không gian, xây thêm nhà vệ sinh, làm bếp mới và sửa sang cả khoảng sân, dựng cổng.
Trong nhà, toàn bộ vách ngăn cũ được thay mới bằng gỗ để đảm bảo cách âm tốt và tăng tính thẩm mỹ. Phượng thuê hẳn thợ từ Hà Nội lên xử lý khu vực vách ngăn và trần, với chi phí hơn 200 triệu. Ngoài ra, Phượng còn ưu tiên thiết kế nhiều cửa sổ, vừa giúp không gian thêm thoáng đãng, đón được nhiều ánh sáng tự nhiên, vừa tạo những góc nhìn ra khung cảnh cột cờ Lũng Cú.
“Nhà có tận 5 cái cửa như vậy, mỗi cái chi phí khoảng hơn 10 triệu đồng, khá tốn kém. Quá trình thiết kế cửa sổ cũng phát sinh nhiều tình huống dở khóc, dở cười. Ví dụ như thợ đục tường sai, phải xây vào rồi mới đục lại, làm tiếp được.
Vì nguồn nhân lực ở bản có hạn, tay nghề chưa cao nên 'bản vẽ một đằng, họ làm một nẻo' là chuyện không tránh khỏi” , Phượng kể.
Tuy nhiên, để cải thiện được ngôi nhà theo ý muốn cô cũng đã nhiều lần nhận được cái lắc đầu của các đội thợ thi công.
Phượng chia sẻ: “ Cửa sổ rộng phòng khách có thiết kế khá đẹp nhưng do nhà là nhà đất, trước đó đã xây dựng không được kiên cố vì thế các đội thợ đến khảo sát đều lắc đầu, không dám nhận vì sợ sập nhà. Thậm chí đến khi có đơn vị thi công chuyên nghiệp đến thực hiện, họ vẫn sợ sập nhà nên đã phải rào nhiều cây sắt kiên cố ở xung quanh”.
Cô gái trẻ cho biết thời gian cải tạo các hạng mục và hoàn thiện ngôi nhà “mơ ước” là trong vòng 50 ngày. Phượng cũng tiết lộ chi phí cải tạo thực tế lên đến con số 2 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với dự trù ban đầu.
“Chi phí đội lên vì bản thân chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng. Bên cạnh đó, việc vận chuyển nguyên vật liệu từ xuôi lên núi cũng không dễ dàng. Chưa kể thợ bản địa chuyên môn chưa cao, việc bất đồng ngôn ngữ khiến họ không hiểu hết ý tưởng của chủ nhà nên kéo dài thêm thời gian thi công…” , Phượng kể.
Chia sẻ với chúng tôi, Phượng cho biết cái tên của homestay cũng mang nét đặc trưng riêng biệt của vùng đất rẻo cao Đông Bắc.
“Thời điểm hoàn thành xong nhà, mình chưa nghĩ ra được cái tên nào phù hợp. Nhưng sau đó, một cơ duyên đã đưa cái tên Mùn Chị đến với mình. Theo tiếng nói của bà con nơi đây, Mùn Chị có nghĩa là Lô Lô vì thế mình quyết định chọn cái tên này. Như một cách gợi nhắc về vùng đất Lô Lô Chải này…”, 10X hứng thú chia sẻ về tên homestay của mình.
Đến thời điểm hiện tại, homestay có không gian nhìn thẳng ra cột cờ Lũng Cú đã hoàn thiện và Phượng nói với chúng tôi rằng bản thân hoàn toàn hài lòng với không gian “chữa lành” này.
“Trong quá trình cải tạo và làm nhà, mình cũng từng rất áp lực, nghĩ sao lại chọn công việc vất vả và tốn kém đến thế. Nhưng khi hoàn thiện xong, mình coi đó là bài học, kinh nghiệm để tích lũy thêm nhiều kiến thức thay vì chỉ tập trung làm du lịch, hướng dẫn viên như trước đây.
Giờ mình còn biết thêm cả việc xây dựng nữa. Mình nghĩ còn trẻ, nợ nần hay vất vả một chút cũng được vì cuối cùng thành quả mình tạo ra lại ngọt ngào, có một nơi nghỉ dưỡng lý tưởng mà nhiều người ao ước”, Phượng bày tỏ.