Tổng hợp thị trường chứng khoán phiên 20/9
Trong phiên cuối tuần (20/9), VN-Index bật tăng ngay từ lúc mở cửa về ngưỡng 1.280. Tuy nhiên, áp lực chốt lời tại đây đã đẩy chỉ số giảm một mạch xuống ngưỡng 1.260 trước khi trở về đóng cửa tại mốc 1.272,04 điểm, gần như không thay đổi so với phiên trước đó.
Độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với 9/18 ngành tăng điểm, trong đó nhóm dầu khí dẫn đầu đà tăng, theo sau là ngành tài nguyên cơ bản, … Về giao dịch của khối ngoại, họ bán ròng trên sàn HOSE và mua ròng nhẹ trên sàn HNX.
Nhận định thị trường chứng khoán ngày 23/9
Nhận định chứng khoán cơ sở
Chứng khoán BIDV (BSC)
Thị trường đang trong giai đoạn giằng co tại ngưỡng 1.270 sau một đợt phục hồi ngắn hạn.
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Áp lực bán đột ngột gia tăng về cuối phiên khiến cho VN-Index xóa đi hầu hết thành quả tăng điểm trong ngày. Việc tạo bóng nến trên dài đi kèm khối lượng giao dịch lớn đang bỏ ngỏ rủi ro tạo bull-trap và đảo chiều chỉ số. Mặc dù vậy, phiên giao dịch trùng với thời điểm cơ cấu danh mục quỹ nên dòng tiền không hoàn toàn phản ánh đúng diễn biến cung-cầu trên thị trường.
Do đó, nhóm phân tích vẫn nghiêng về một kịch bản tăng cho VN-Index khi xu hướng tăng điểm vẫn đang được bảo toàn. Ngoài các vị thế nắm giữ theo xu hướng, nhà đầu tư có thể linh hoạt bán bớt một phần tỷ trọng, đã mua gối đầu tại hỗ trợ, để cân bằng lại vị thế khi chỉ số hoặc các mã mục tiêu tiếp cận vùng cản gần.
Chứng khoán TPBank (TPS)
Xu hướng tăng của VN-Index gặp khó khi chạm đường trendline và giá lùi về ngưỡng 1.272 điểm (ngưỡng giá thấp nhất phiên giao dịch). Thanh khoản dù tăng lên nhưng điểm số lại không tăng tương ứng, việc này cho thấy áp lực bán vẫn duy trì ở phía trên chờ đợi thị trường khi tăng điểm.
Việc điều chỉnh nhẹ có thể xẩy ra trong đầu tuần sau, VN-Index có thể lùi về vùng 1.260 và 1.240 điểm. Tại những điểm hỗ trợ này, nhà đầu tư có thể giải ngân mua vào cổ phiếu hoặc chờ đợi thị trường có phiên bật tăng khỏi ngưỡng 1.280 điểm để tham gia mua.
Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS)
Chốt phiên tại mức thấp nhất phiên có thể tạo ra tâm lý lo ngại đối với nhà đầu tư trong ngắn hạn nhưng việc thanh khoản liên tục cải thiện trong tuần đang cho thấy dòng tiền đang trở lại mạnh mẽ.
Dòng tiền là yếu tố hỗ trợ quan trọng việc duy trì xu hướng tăng ngắn hạn, do đó VN-Index sẽ sớm trở lại kiểm định mốc 1.280 lần nữa. Mốc hỗ trợ ngắn hạn của chỉ số là vùng 1.270. Điểm số kỹ thuật ngắn hạn đang ở mức +2 điểm (trung tính). Hệ số P/E của VN-Index hiện đang duy trì ở mức 15,3x.
Nhận định chứng khoán phái sinh
Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)
VN30F2410 đạt mức cao nhất phiên gần mức 1.339 điểm đang hội tụ nhiều yếu tố kỹ thuật như đường Bollinger, Kelner Channel và đường trendline. Mẫu hình nến Gravestone Doji cho thấy sự lưỡng lự của giá và chỉ báo RSI tạo phân kỳ giảm cho thấy giá sẽ chưa vượt được vùng 1.339 điểm và rủi ro điều chỉnh trở lại.
Trong khi đó, xu hướng ngắn hạn khung daily của HĐ VN30F2410 đang ở mức tăng với trailing stoploss tương ứng ngưỡng 1.306 điểm. Nhà đầu tư có thể xem xét chiến lược bán (short) tại vùng 1.333 - 1.335 điểm, dừng lỗ 1.341 và chốt lời 1.316 điểm.
Chứng khoán MB (MBS)
Kết thúc tuần giao dịch với nhiều sự kiện lớn như thông tin giảm lãi suất của Fed, ngày đáo hạn phái sinh, ngày cơ cấu cuối tuần của 2 quỹ ETF, thị trường phái sinh đóng cửa tăng 2,8% tương ứng với 35,9 điểm lên 1.330 điểm. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 13.100 hợp đồng.
Tâm lý chốt lời trên thị trường cơ sở có ảnh hưởng tới phái sinh khi lực kéo không giữ được đà tăng mạnh, từ đỉnh giảm hơn 8 điểm lúc đóng cửa. Phiên đầu tuần rung lắc có thể tiếp tục kéo phái sinh quay trở lại lấp gap vùng 1.320 điểm. Chiến lược giao dịch mua (long) tại vùng 1.320 – 1.325, cắt lỗ khi giảm qua 1.317 điểm; bán (short) tại vùng cản 1.330 – 1.335 điểm, cắt lỗ khi vượt qua 1.340 điểm.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trường.