Tại tập 7 của Shark Tank, đại diện của Box Dance – mô hình trò chơi thể chất kết hợp với chiến thuật đến chương trình gọi vốn 10 tỷ cho 20% cổ phần để mở rộng mô hình kinh doanh.
Theo giới thiệu của anh Lê Thanh Hải – Founder kiêm Giám đốc kỹ thuật của Box Dance, Box Dance Fitness Gaming (Box Dance) là mô hình trò chơi kết hợp thể thao và yếu tố chiến thuật với hơn 40 level (cấp độ) từ đơn giản đến phức tạp, trẻ em từ 6 tuổi trở lên có thể chơi được.
Ngoài hai cơ sở tại trung tâm thương mại Royal City và Times City (Hà Nội) , startup này có một cơ sở nhượng quyền với doanh thu 600 triệu đồng trong tháng đầu tiên, mang lại lợi nhuận khoảng 60 triệu cho doanh nghiệp.
Khi nghe startup trình bày về mô hình này, Shark Bình cho biết: “Các bạn đang kinh doanh một sản phẩm theo trend thu hút trong một thời gian nhất định, chi phí thì đắt. Chi phí hiện tại các bạn thuê mặt bằng trong trung tâm thương mại khá cao. Với số tiền tương đương, tôi có thể đầu tư vào nhiều môn thể thao khác mang lại lợi nhuận cao và chắc chắn sinh lời hơn”.
Song song đó, vị cá mập công nghệ cũng không đồng ý với hướng đi nhượng quyền của startup. Ông không khuyến khích doanh nghiệp nhượng quyền khi còn chưa chắc chắn về tương lai thành công của sản phẩm. Nếu không thành công, đối tượng chịu thiệt hại nhất là những người mua nhượng quyền.
Chung quan điểm với Shark Bình, Shark Hưng và Shark Minh cũng cho rằng mô hình đầu tư này có thể “thoái trào nhanh”.
Giải thích thêm về quan điểm của các Shark, theo startup, đặc điểm của mô hình khởi nghiệp Box Dance có thể điều chỉnh được những hiệu ứng và luật chơi. Ngoài hiệu ứng chân dẫm, Box Dance cũng đã nghiên cứu được sử dụng tay hoặc laser để người chơi cúi người xuống hoặc nhảy lên để chạm trần.
Bên cạnh mở rộng mô hình kinh doanh, Box Dance cũng đánh mạnh truyền thông về fitness (sức khỏe thể chất) và đốt calo, đó là yếu tố khiến người chơi quay lại nhiều hơn và bền vững hơn. Ngoài ra, startup cũng cho biết mô hình này ở Mỹ đã thành lập 6 năm rồi và vẫn đang phát triển, cho thấy tiềm năng lâu dài của nó.
Tuy nhiên, Shark Minh vẫn cảm thấy chưa thấy thuyết phục và bảo lưu quan điểm “6 năm còn quá mới, một trend (trào lưu) có thể kéo dài 10-15 năm là bình thường” .
Trước đó, trong một video được đăng tải trên kênh Youtube cá nhân, Shark Liên cũng từng đưa quan điểm về khởi nghiệp theo trào lưu.
Theo vị cá mập từng nhiều năm ngồi ghế nóng Shark Tank, khởi nghiệp theo trào lưu là việc các nhà kinh doanh nắm bắt các cơ hội đang thịnh hành, để đưa ra các sản phẩm đánh trúng thị hiếu nhằm thu được lợi nhuận như bánh đồng xu, trà sữa nướng hay mỳ cay… Với sự nhạy bén, mô hình kinh doanh này mang đến cho các bạn trẻ cơ hội kiếm tiền nhanh.
"Kinh doanh theo trào lưu có đáng làm không? Có chứ. Chạy theo trào lưu có thể là cách khởi nghiệp thông minh nếu startup mang đến được giá trị thật cho khách hàng và thị trường" , Shark Liên nói.
Tuy nhiên, doanh nhân này cũng nhận định không phải trào lưu nào cũng đem đến thành công. Bà phân tích, kinh doanh theo trào lưu tuổi đời thường ngắn. Lợi ích của hình thức này là chi phí đầu tư thấp, khả năng sinh lời cao và có kinh nghiệm học hỏi. Tuy nhiên, rủi ro cũng vì thế cao hơn. Startup dễ mất vốn khi trào lưu qua đi.
"Các bạn nên đảm bảo có đủ kiến thức, năng lực để thực hiện ý tưởng kinh doanh theo trào lưu để đạt được thành công bền vững. Điều quan trọng là chúng ta cần thực hiện nghiên cứu kỹ lưỡng, có kế hoạch dự phòng và hợp tác với các đối tác có kinh nghiệm để tối ưu hóa cơ hội thành công và giảm thiểu rủi ro", Shark Liên nhấn mạnh.
Đồng thời, bà cũng cho rằng, các ý tưởng khởi nghiệp luôn phản ánh mong muốn làm chủ, nhưng không phải lúc nào cũng phù hợp cho tất cả các bạn trẻ. Vị doanh nhân này cho rằng, để khởi nghiệp thành công luôn cần phải có đủ nỗ lực, đam mê và cả may mắn.