PV: Thị trường trường chứng khoán gần đây diễn biến không mấy tích cực, ông đánh giá như thế nào về triển vọng đầu tư trong quý II?
Ông Đinh Quang Hinh: Đà điều chỉnh của thị trường chứng khoán Việt Nam xuất phát từ tâm lý thận trọng của giới đầu tư trong bối cảnh rủi ro gia tăng như (1) triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới suy yếu do xung đột Nga-Ukraine và Trung Quốc theo đuổi zero-COVID, (2) sức ép lạm phát gia tăng trên thế giới và tại Việt Nam khi giá hàng hóa leo thang, (3) nhiều NHTW thế giới thắt chặt chính sách tiền tệ để đối phó với lạm phát.
Hơn nữa, dòng tiền rút mạnh khỏi nhóm cổ phiếu đầu cơ khiến nhóm cổ phiếu này giảm điểm mạnh đã kích hoạt làn sóng “margin call” trên thị trường và kéo các chỉ số chứng khoán giảm sâu hơn.
Bước sang quý II, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn sẽ phải đối mặt với ba thách thức lớn nêu trên trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, thị trường cũng sẽ được hỗ trợ bởi những yếu tố cơ bản sau: Đà phục hồi của nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện trong những quý tới. Chính phủ tiếp tục duy trì nới lỏng tài khóa và chính sách tiền tệ linh hoạt để thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong quý I/2022 duy trì ở mức cao, giúp cải thiện định giá thị trường. Bức tranh kế hoạch kinh doanh năm 2022 được công bố cho thấy đa phần doanh nghiệp niêm yết duy trì đánh giá tích cực đối với triển vọng kinh doanh năm 2022.
Về mặt định giá, P/E trailing của chỉ số VN-Index ở mức 16 lần là mức hợp lý (không rẻ, không đắt). Trong khi đó, P/E forward cuối năm 2022 ở mức 13 lần (thấp hơn P/E bình quân 3 năm gần nhất là 16 lần), cho thấy thị trường vẫn còn khá nhiều dư địa tăng trưởng.
Do đó, chúng tôi kỳ vọng đã giảm điểm của thị trường sẽ chậm lại. Thị trường có thể tích lũy để tạo đà phục hồi, quay trở lại vùng 1.500 điểm trong nửa sau của quý II.
PV: Mới đây nhất VNDirect có báo cáo phân tích lo ngại những tác động từ giá nguyên vật liệu đến hoạt động đầu tư công. Bên cạnh yếu tố trên, các yếu tố vĩ mô có phải đáng quan tâm thời điểm này không, thưa ông?
Ông Đinh Quang Hinh: Việc theo dõi các yếu tố vĩ mô luôn là cần thiết trong đầu tư chứng khoán, bởi vì các doanh nghiệp niêm yết khi hoạt động luôn chịu tác động bởi các yếu tố vĩ mô như lãi suất, tỷ giá, lạm phát.
Trong quý II, ngoài tác động từ giá nguyên vật liệu đến hoạt động đầu tư công, nhà đầu tư cần lưu ý đến các diễn biến quan trọng khác như thay đổi chính sách tiền tệ của FED, đà tăng của lạm phát, diễn biến của lãi suất (huy động, cho vay, lãi suất trái phiếu chính phủ), vì đây là những yếu tố có thể tác động tới diễn biến trên thị trường chứng khoán.
PV: VN-Index giảm rất nhanh, nhiều nhà đầu tư kì vọng thị trường sẽ sớm hồi phục như những lần trước đó. Một số cho rằng đây là cơ hội. Theo góc nhìn của ông, đây có phải là thời điểm “bắt đáy”?
Ông Đinh Quang Hinh: Về mặt phân tích kỹ thuật, một số chỉ báo đã cho thấy thị trường về vùng quá bán. Do đó, thị trường có thể sớm hồi phục kỹ thuật trong những phiên tới. Nhìn về mặt định giá, P/E forward cuối 2022 của VN-Index ở mức 13 lần, thấp hơn mức bình quân 3 năm trở lại đây là 16 lần. Với mức định giá như vậy, có thể kích thích dòng tiền nhảy vào bắt đáy.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng thị trường đã qua thời điểm “cả dòng cùng tăng” hay “nhắm mắt mua cũng thắng”. Do đó, việc lựa chọn cổ phiếu nào để mua sẽ hết sức quan trọng và “quyết định thành bại” của khoản đầu tư.
PV: Một số cổ phiếu đi ngược thị trường như nhóm dệt may, thủy sản, hóa chất… Theo ông các nhóm trên còn dư địa để đầu tư?
Ông Đinh Quang Hinh: Đánh giá trên góc độ kinh doanh, đây là những ngành có môi trường kinh doanh thuận lợi và triển vọng kinh doanh tích cực trong năm 2022. Tuy nhiên, các cổ phiếu này đã chứng kiến đà tăng giá mạnh trong thời gian qua, do đó những yếu tố tích cực đã phần nào phản ánh.
Sẽ rất khó để đưa ra ở thời điểm này là những nhóm cổ phiếu trên còn dư địa để tăng giá hay không. Điều này phụ thuộc vào việc phân tích sâu về cơ bản của từng cổ phiếu, cũng như mức định giá hợp lý cho mỗi cổ phiếu đó.
PV: Vậy với những nhà đầu tư đang nắm tỷ trọng cao cổ phiếu giai đoạn này, ông có khuyến nghị gì?
Ông Đinh Quang Hinh: Đây cũng là một câu hỏi khó có câu trả lời chung cho tất cả nhà đầu tư. Việc đưa ra khuyến nghị sẽ phụ thuộc vào khẩu vị của mỗi nhà đầu tư, cụ thể như nhà đầu tư đó theo trường phái cơ bản hay kỹ thuật, đầu tư dài hạn hay ngắn hạn, mức giá vốn của khoản đầu tư, cổ phiếu đang nắm giữ là cổ phiếu cơ bản hay đầu cơ,…
Thay vào đó, tôi cho rằng “yếu tố cơ bản sẽ quay trở lại” trong thời gian tới và nhà đầu tư nên tập trung vào những cổ phiếu cơ bản tốt, có triển vọng kinh doanh và mức định giá hấp dẫn, tránh nhóm cổ phiếu “đầu cơ”, “tăng nóng” thời gian qua mà không rõ nguyên nhân.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư nên ưu tiên quản trị rủi ro danh mục, hạn chế sử dụng margin (tỷ lệ đòn bẩy), nếu margin cao thì nên chủ động hạ margin xuống mức an toàn để tránh lâm vào tình trạng “buộc phải bán ra-margin call” dẫn tới thiệt hại không đáng có.
Xin cảm ơn ông trả lời phỏng vấn!