CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC - mã BSI) đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2022 với doanh thu hoạt động tăng 24% so với cùng kỳ lên 332,6 tỷ đồng.
Trong kỳ, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng 33% so với cùng kỳ lên 97,2 tỷ đồng. Lãi từ cho vay và phải thu cũng tăng 46% lên 88,7 tỷ đồng. Trong khi đó, hoạt động môi giới đóng góp lớn nhất với 117 tỷ đồng, chỉ nhích nhẹ 4% so với cùng kỳ.
Chi phí hoạt động không biến động nhiều trong khi chi phí tài chính và chi phí quản lý công ty chứng khoán đều tăng mạnh, lần lượt 81% và 34% so với cùng kỳ. Kết quả, BSC lãi trước và sau thuế lần lượt 95,7 tỷ đồng và 83,3 tỷ đồng, đều tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn: BCTC BSC
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2022, BSC dự báo chỉ số VN-Index đạt 1.720 điểm tăng 15%, giá trị giao dịch thị trường bình quân 28.500 tỷ đồng/phiên. Do đó, CTCK này đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 465 tỷ đồng, tăng 6,7% so với thực hiện 2021. Tỷ lệ cổ tức dự kiến 10%. Với kết quả đạt được quý đầu năm, BSC đã hoàn thành 20,5% kế hoạch đề ra cả năm.
Thời điểm 31/3, danh mục tự doanh của BSC có giá trị hợp lý lên đến 1.282 tỷ đồng, tăng gần 240 tỷ đồng so với đầu năm. CTCK này gia tăng nắm giữ cổ phiếu niêm yết và trái phiếu chưa niêm yết trong khi giảm khoản mục trái phiếu niêm yết.
Các cổ phiếu niêm yết có tỷ trọng lớn trong danh mục của BSC bao gồm STB, TCB, VIB, PET, TDP, MIG trong đó TCB, VIB và PET là những cái tên được mua mạnh trong quý 1 vừa qua bên cạnh cổ phiếu MCM đang giao dịch trên UpCOM. PET là khoản đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất danh mục, tạm thời ghi lãi 21 tỷ đồng trong khi giá gốc chỉ hơn 28 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC BSC
Tính đến cuối quý 1, các khoản cho vay và phải thu của BSC lên đến gần 3.700 tỷ đồng, tăng gần 400 tỷ so với đầu năm. Trong đó, dư nợ margin tăng đến 470 tỷ lên mức 3.130 tỷ đồng, gấp 1,7 lần vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm.
Ngoài ra, BSC còn có khoản 920 tỷ đồng các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn bao gồm tiền gửi có kỳ hạn, chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn (690 tỷ đồng) và trái phiếu chưa niêm yết của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp (230 tỷ đồng).