Sau sự kiện hủy 9 đợt trái phiếu trị giá hơn 10.000 tỷ đồng của nhóm Tân Hoàng Mình do thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động trái phiếu riêng lẻ, câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp lại nóng lên. Nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra nhằm kiểm soát thị trường trái phiếu vốn tăng trưởng rất nóng trong 2 năm trở lại đây. Câu hỏi được đặt ra là siết chặt hay buông lỏng?
Tại Toạ đàm “Góp phần lành mạnh hoá thị trường chứng khoán Việt Nam” hôm nay, chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa đã đưa ra những phân tích cá nhân dựa trên thông lệ quốc tế.
Nói về khía cạnh tài sản đảm bảo khi phát hành trái phiếu, ông Nghĩa cho rằng bảo lãnh bằng cổ phiếu hoặc bất động sản không giải quyết được vấn đề bởi vì người mua trái phiếu là cá nhân, người phát hành là tổ chức. Xử lý tài sản đảm bảo lấy ra để bảo lãnh vô cùng phức tạp. Bởi vậy các nước không đưa ra quy định trong một số trường hợp nào đó phát hành trái phiếu phải có tài sản bảo đảm.
Liên quan đến việc giám sát mục đích sử dụng vốn khi phát hành trái phiếu, chuyên gia Nghĩa khẳng định “càng không thể làm được”. Vị này lấy vị dụ việc cho vay vốn ngân hàng, các nhà băng không hoàn toàn giám sát được mục đích vay vốn dù áp dụng các công cụ như giải ngân theo tiến độ, thậm chí cử cán bộ xuống giám sát doanh nghiệp. Trong khi hiện nay có hàng triệu người mua trái phiếu, câu hỏi đặt ra là ai sẽ là người giám sát?
“Cho nên thông lệ quốc tế cũng không đặt vấn đề vốn đó được sử dụng thế nào. Người ta có cách tiếp cận trái phiếu hoàn toàn khác với chúng ta. Tức là người có công ty xếp hạng xếp hạng doanh nghiệp. Doanh nghiệp được xếp hạng A phải trải qua vô số tiêu chí”, ông Nghĩa nói.
Ví dụ, hệ thống xếp hạng đối với các ngân hàng - CAMELS bao gồm 6 tiêu chí. Các tiêu chí đều phải tính toán rất cẩn thận.
Trước những phân tích tích trên, ông Nghĩa cho biết đang kiến nghị, “nếu mà chúng ta xông vào loay hoay để giám sát mục đích sử dụng vốn thì chúng ta sẽ sa lầy. Thứ hai là loay hoay căn ke tài sản đảm bảo thì chúng ta cũng sa lầy, làm thị trường trái phiếu Việt Nam khác đi so với các thông lệ quốc tế”.
Giải pháp dúng đắn nhất lúc này là đẩy nhanh các công ty xếp hạng. Quan điểm từ TS. Lê Xuân Nghĩa, Việt Nam đã có hai công ty xếp hạng nhưng mà đang hoạt động hạn chế do chưa có đủ kinh nghiệm cũng như tín nhiệm để mở rộng phạm vi hoạt động.
“Chúng tôi đang kiến nghị chính phủ cấp phép đặc biệt cho các công ty xếp hạng, cho họ nhân danh công ty xếp hạng quốc tế để xếp hạng côn ty tại Việt Nam trong phát hành trái phiếu, làm tiền đề phát triển thị trường trái phiếu trong tương lai”.
Ông Nghĩa nói thêm, “nếu mà chúng ta nay mở mai đóng, nay nay thả ra, mai giám sát thì thị trường trái phiếu không thể phát triển nổi. Hiện nay chúng ta thấy thị trường trái phiếu có ai phát hành đâu, mỗi doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng”.
Trong hoạt động phát hành trái phiếu, nhiều doanh nghiệp bất động sản sử dụng vốn phát hành để phát triển dự án, số khác có thể là để đảo nợ bất động sản.
Góc nhìn cá nhân, TS. Nghĩa cho rằng thời hạn ngắn (3 năm) mà lãi suất cao như vậy chỉ có kinh doanh lợi vốn cao như bất động sản mới chịu nổi. Doanh nghiệp bình thường như dệt may mà “nhảy vào” phát hành trái phiếu thì “toi” không phát triển nổi.
“Nếu chúng ta tiếp tục để thị trường trái phiếu phát triển èo uột trong một khuôn khổ pháp lý chật hẹp như này thì làm gì có doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển được. Bây giờ yêu cầu tài sản đảm bảo thì doanh nghiệp khởi nghiệp sao đảm bảo, lãi suất thế này doanh nghiệp khởi nghiệp chịu sao nổi, rồi là kỳ hạn. Cho nên cần phải có những quy định thoáng, đừng vì một vài sự cố vừa rồi mà chúng ta nghĩ thị trường trái phiếu đang có vấn đề ghê gớm”, TS. Lê Xuân Nghĩa nêu quan điểm.