Đóng cửa, VN-Index giảm 21,73 điểm (1,55%) còn 1.384,72 điểm, HNX-Index giảm 12,65 điểm (3,22%) xuống 380,04 điểm, UPCoM-Index giảm 1,92 điểm (1,77%) về 106,4 điểm.
Lại một phiên hồi phục bất thành của VN-Index. Thị trường chứng khoán giảm sang phiên thứ năm liên tiếp, đây là chuỗi giảm giá dài từ hai từ đầu năm nhưng mức độ khốc liệt hơn khi VN-Index hôm nay đã thủng mốc 1.400 điểm.
Ngay phiên trước đó chỉ số chính đã đánh mất ngưỡng MA200, lần gần nhất chỉ số này đánh mất ngưỡng MA200 là cuối tháng 1/2020. Trên sàn HOSE có tới 99 cổ phiếu đóng cửa ở mức giá sàn, trong đó nhiều mã đã nằm sàn 3 phiên liên tiếp. Mức giảm mạnh vẫn tập trung ở nhóm midcap & penny.
Diễn biến theo nhóm ngành, sắc đỏ gần như phủ kín toàn bộ thị trường với đà giảm mạnh nhất đến từ nhóm bất động sản, theo sau là phân bón, dầu khí, ngân hàng, xây dựng & vật liệu.
Ngay cả dòng thủy sản cũng diễn biến phân hóa hơn khi đóng cửa, loạt mã chốt phiên dưới ngưỡng tham chiếu như ABT, IDI, FMC, MPC, CMX. Trong khi đó, ANV, ACL vẫn đóng cửa trong sắc tím trần, VHC tăng 4,3% lên 106.400 đồng/cp.
Nhịp giảm 5 phiên liên tiếp trong chuỗi giảm 8/9 phiên vừa qua rất khốc liệt, đã lấy đi của thị trường gần 140 điểm. Nhà đầu tư dường như đang trải qua những chuỗi ngày giao dịch vô cùng bi quan khi không biết khi nào chuỗi giảm này mới có thể dừng lại, cổ phiếu tưởng đã về vùng đáy nhưng hôm sau lại giảm về ngưỡng thấp hơn.
Tính đến 14h00, VN-Index giảm 4,58 điểm (0,32%) còn 1.401,87 điểm, VN30-Index tăng 6,38 điểm (0,44%) đạt 1.446,99 điểm
Lực bán bất ngờ dâng cao sau 60 phút giao dịch đầu phiên chiều. VN-Index lại lần nữa tiến về gần mốc 1.400 điểm. Đà giảm của VN-Index được hãm lại nhờ sắc xanh của nhóm vốn hóa lớn, tuy nhiên áp lực bán từ nhóm vốn hóa vừa và nhỏ lại lần nữa khiến thị trường lao đao.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 2,32 điểm (0,16%) lên 1.408,77 điểm, HNX-Index giảm 0,38 điểm (0,1%) còn 392,31 điểm, UPCoM-Index giảm 0,44 điểm (0,41%) về 107,88 điểm.
Thị trường có lực hồi phục nhưng chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu VN30 khi tăng mạnh gần 11 điểm. Sắc xanh chiếm ưu thế trong rổ VN30 với 23 mã xanh/4 mã giảm. Dòng tiền nhen nhóm ở nhóm ngân hàng trong khi cổ phiếu địa ốc cũng ghi nhận đà bán giảm nhẹ.
Mặc dù VN-Index bớt tiêu cực hơn nhờ lực kéo từ nhóm VN30, tuy nhiên sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế trên bảng điện tự, trong đó loạt mã đầu cơ vẫn giảm kịch sàn. Lực đỡ chính của thị trường đến từ các bluechips như HPG, CTG, PLX, ACB, CTG, SSI,...
Ngược dòng thị trường chung, hàng loạt cổ phiếu thuộc nhóm thủy sản biến động tích cực, trong đó, ACL và ANV tăng trần, VHC tăng 5,2%.
Thanh khoản thị trường tăng so với phiên sáng hôm qua. Tổng giá trị giao dịch đạt 13.242 tỷ đồng, trong đí giá trị sàn HOSE tăng 8% lên gần 11.110 tỷ đồng.
Tính đến 11h00, VN-Index tăng 0,18 điểm (0,01%) lên 1.406,63 điểm, VN30-Index tăng 8,88 điểm (0,62%) đạt 1.449,49 điểm.
VN-Index bất ngờ được kéo xanh nhẹ về cuối phiên sáng nhờ lực cầu từ nhóm vốn hóa lớn. Thị trường cũng dần cân bằng trở lại sau khi nhóm midcap hồi phục sau đợt bán giải chấp. VNMidcap thậm chí quay đầu tăng gần 5 điểm.
Tính đến 10h15, VN-Index giảm 10,26 điểm (0,73%) xuống 1.396,19 điểm, VN30-Index giảm 2,29 điểm (0,16%) còn 1.438,32 điểm.
Thị trường đồng loạt chuyển đỏ dưới áp lực bán dâng cao ở hầu khắp các nhóm ngành, ngoại trừ cổ phiếu thép, du lịch giải trí vẫn giữ được sắc xanh nhẹ. Việc bán giải chấp xảy ra ở các midcap cũng khiến tâm lý giao dịch của nhà đầu tư trở nên bi quan. Về kỹ thuật, RSI của VN-Index đã về vùng quá bán.
Tính đến 9h40, VN-Index giảm 1,43 điểm (0,1%) còn 1.405,02 điểm, HNX-Index giảm 1,59 điểm (0,4%) xuống 391,11 điểm, UPCoM-Index giảm 0,5 điểm (0,46%) về 107,82 điểm.
VN-Index biến động mạnh ngay đầu phiên sáng. Áp lực bán dâng cao có thời điểm khiến chỉ số chính lùi về mốc 1.395 điểm nhưng lực cầu bắt đáy đang giúp chỉ số dần cân bằng trở lại.
Đà giảm của thị trường chủ yếu được níu lại bởi động lực tăng từ nhóm vốn hóa lớn như MSN, HPG, TPB, VNM, CTG, PLX, trong khi trụ VHM, GAS, MWG, DGC đang bị bán mạnh và là những lực cản chính trên thị trường.
Tại thị trường quốc tế, chứng khoán Mỹ ngày 19/4 hồi phục mạnh sau hai phiên giảm liên tiếp. Nhà đầu tư đón nhận kết quả kinh doanh của hàng chục doanh nghiệp và theo dõi diễn biến lãi suất. Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 499,5 điểm, tương đương 1,45%, và kết phiên ở 34.911 điểm. S&P 500 và Nasdaq Composite đi lên mạnh mẽ hơn với tỷ lệ tương ứng 1,61% và 2,15%.