1. Vai trò của chế độ ăn uống với bệnh thận
Ở người mắc bệnh thận, thận bị tổn thương và không thể lọc máu đúng cách như bình thường. Điều này có thể dẫn đến sự tích tụ chất lỏng và chất thải trong cơ thể, gây ra các vấn đề sức khỏe khác như bệnh tim và đột quỵ.
Những người bị bệnh thận mạn tính thường cần thay đổi chế độ ăn uống để tránh làm tổn thương thêm thận. Chế độ ăn uống thích hợp có thể giúp bảo tồn chức năng thận và có thể giúp giảm một số triệu chứng của bệnh thận như: mệt mỏi, chán ăn, các vấn đề về tiểu tiện và đau thận.
Chế độ ăn uống lành mạnh cho thận cũng có thể giúp cung cấp năng lượng, duy trì cân nặng hợp lý, giảm nhiễm trùng và ngăn ngừa mất khối lượng cơ cho người bệnh.
Tùy thuộc vào mức độ tổn thương thận, bác sĩ có thể đề xuất các mức hạn chế ăn kiêng khác nhau. Một số người trong giai đoạn đầu của bệnh thận có thể không cần thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với chế độ ăn uống của họ.
Tuy nhiên, khi thận bị tổn thương càng nặng thì người bệnh càng cần phải thực hiện nghiêm ngặt chế độ ăn uống của mình.
Nguyên tắc chung để phòng bệnh thận: cần uống đủ nước mỗi ngày; thực hiện chế độ ăn hợp lý và cân bằng để tránh bị tăng trọng lượng và bị thừa cholesterol; hạn chế dùng muối; không hút thuốc lá vì hút thuốc làm bệnh thận tiến triển nhanh hơn; tập thể dục thể thao mỗi ngày; không dùng thuốc khi không có hướng dẫn cuả thầy thuốc.
2. Người mắc bệnh thận nên kiêng gì?
Những người mắc bệnh thận có thể cần thay đổi lượng chất lỏng và các chất dinh dưỡng sau trong chế độ ăn uống như: natri, kali, phốt pho, chất đạm (protein).
Ăn đúng lượng các chất dinh dưỡng này có thể giúp kiểm soát sự tích tụ của chất lỏng và chất thải trong cơ thể, giúp thận không phải làm việc nhiều để lọc chất thải và chất lỏng thừa ra khỏi máu.
Chế độ ăn uống thích hợp có thể giúp bảo tồn chức năng thận và giảm triệu chứng của bệnh.
2.1. Hạn chế thực phẩm chứa nhiều muối
Lượng chất lỏng trong cơ thể có thể ảnh hưởng đến lượng natri trong máu. Ngoài ra, thận hoạt động để kiểm soát lượng natri trong cơ thể. Nếu thận không thể thực hiện công việc của mình, chất lỏng và natri có thể tích tụ trong cơ thể, gây ra các vấn đề sức khỏe như: sưng tấy, huyết áp cao, khó thở và các vấn đề về tim.
Thực phẩm giàu natri bao gồm: đồ ăn đóng hộp sẵn hoặc đông lạnh, muối, nước tương, nước sốt thịt nướng, nước sốt bít tết, đồ ăn nhẹ có muối như bánh quy giòn, khoai tây chiên, thịt đã chế biến hoặc đã qua xử lý, pho mát, bánh mì, các loại rau ngâm chua...
Vì vậy, khi mua sắm cần chú ý lựa chọn thực phẩm có hàm lượng natri thấp hoặc ghi nhãn "không thêm muối" là một cách tốt để giảm lượng muối trong chế độ ăn uống.
Ngoài ra, cũng có thể hạn chế muối bằng cách sử dụng gia vị thảo mộc. Tuy nhiên cần cẩn trọng nếu người bệnh cũng cần hạn chế kali, vì một số chất thay thế muối có chứa kali.
Người mắc bệnh thận nên hạn chế ăn muối.
2.2. Hạn chế hấp thụ kali
Kali là một khoáng chất có tác dụng hỗ trợ điều phối chức năng cơ, bao gồm cả tim. Nếu thận khỏe mạnh sẽ điều chỉnh lượng kali trong cơ thể, vì vậy kali có thể tăng lên mức cao nguy hiểm khi thận bị tổn thương.
Các triệu chứng của nồng độ kali cao bao gồm: cảm thấy yếu, tê hoặc ngứa ran hoặc nhịp tim không đều…
Kali được tìm thấy trong rất nhiều loại thực phẩm, vì vậy sẽ rất khó để loại bỏ hoàn toàn kali ra khỏi chế độ ăn uống. Tuy nhiên, người bệnh nên hạn chế thực phẩm giàu kali có thể giúp ngăn ngừa sự tích tụ kali trong cơ thể.
Thực phẩm giàu kali bao gồm: các loại hạt, sữa, sữa chua, muối, chất thay thế muối, cám, sô cô la, quả mơ, quả bơ, atisô, chà là, dưa đỏ, kiwi, xoài, lựu, dưa, cam, trái cây sấy khô, cà rốt, khoai tây, chuối, cà chua, rau bina, đậu…
Cần hạn chế thực phẩm giàu kali.
2.3. Hạn chế thực phẩm giàu phốt pho
Phốt pho là một khoáng chất được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm giúp giữ cho các mô, cơ và các tế bào khác của cơ thể khỏe mạnh. Phốt pho cũng hoạt động với canxi và vitamin D để giữ cho xương chắc khỏe.
Thận bị tổn thương không có khả năng lọc thêm phốt pho trong máu. Quá nhiều phốt pho trong cơ thể có thể khiến canxi bị loại bỏ khỏi xương, dẫn đến xương yếu, cũng như canxi lắng đọng trong mạch máu, phổi, mắt và tim. Theo thời gian, điều này làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Phốt pho được tìm thấy tự nhiên trong các loại thực phẩm giàu protein như: thịt, gia cầm, cá, các loại hạt, đậu và các sản phẩm từ sữa. Phốt pho từ nguồn động vật dễ hấp thụ hơn từ nguồn thực vật.
Thực phẩm giàu phốt pho bao gồm: sô cô la, sữa, pho mát, sữa chua, kem, thịt nội tạng, hàu, cá mòi, thịt chế biến, cám, bánh mì nguyên cám, các loại hạt, đậu, bia, co ca…
2.4. Kiểm soát lượng protein
Khi chúng ta ăn thực phẩm có protein, protein sẽ được phân hủy và tiêu hóa. Là một phần của quá trình tiêu hóa protein, chất thải được tạo ra thận sẽ làm việc để loại bỏ khỏi cơ thể. Ăn nhiều protein hơn mức cần thiết có thể tạo thêm áp lực cho thận của người bệnh, đặc biệt nếu bị bệnh thận giai đoạn cuối, thận sẽ càng hoạt động khó khăn hơn.
Protein đến từ cả nguồn thực vật và động vật. Nguồn protein động vật bao gồm: thịt đỏ, thịt gia cầm, cá, trứng và thực phẩm từ sữa. Các nguồn protein từ thực vật bao gồm: đậu, các loại đậu, quả hạch, hạt, thực phẩm từ đậu nành và ngũ cốc nguyên hạt.
Nếu bị bệnh thận và không phải chạy thận nhân tạo, người bệnh có thể được khuyến nghị một chế độ ăn ít protein hơn. Nghiên cứu cho thấy, hạn chế lượng protein và ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật có thể giúp làm chậm tiến triển bệnh thận và bảo tồn chức năng thận.
Tuy nhiên, nếu người bệnh đang chạy thận nhân tạo rất có thể sẽ cần phải tăng lượng protein nạp vào cơ thể.
Kiểm soát lượng protein để không tăng áp lực cho thận.
2.5. Hạn chế chất lỏng nếu bị bệnh thận nặng
Nước rất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu bị bệnh thận giai đoạn nặng, người bệnh có thể cần hạn chế lượng chất lỏng nạp vào cơ thể mỗi ngày. Điều này là do thận bị tổn thương không thể loại bỏ hiệu quả chất lỏng thừa như bình thường.
Sự tích tụ chất lỏng dư thừa trong cơ thể có thể dẫn đến huyết áp cao, sưng tấy (đặc biệt là ở các chi như bàn chân, mắt cá chân, ngón tay và bàn tay), khó thở hoặc hụt hơi và suy tim (tim không hoạt động để bơm đủ máu).
Giống như tất cả các chất dinh dưỡng trong chế độ ăn kiêng của người mắc bệnh thận, mức độ hạn chế nước sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Những người bị bệnh thận giai đoạn 1 và 2 thường không cần hạn chế uống nước và có thể được khuyến khích uống đủ nước mỗi ngày để giữ cho thận đủ nước và hoạt động tốt.
3. Một số thực phẩm nên ăn
Người mắc bệnh thận nên ăn các loại thực phẩm chứa ít natri, kali hoặc phốt pho như:
- Cá
- Gà
- Thịt lợn thăn
- Đậu phụ
- Bỏng ngô không muối
- Lòng trắng trứng
- Táo
- Quả việt quất
- Quả nho
- Quả dứa
- Quả mâm xôi
- Dâu tây
- Bắp cải
- Súp lơ trắng
- Tỏi
- Hành
- Ớt chuông
- Củ cải
- Rau xà lách
- Dầu ô liu…
4. Thực phẩm người mắc bệnh thận nên tránh
Các loại thực phẩm này có nhiều natri, kali, phốt pho có thể được khuyến cáo hạn chế hoặc tránh trong chế độ ăn kiêng của người bệnh thận:
- Quả bơ
- Quả mơ
- Chuối
- Dưa
- Cam
- Nho khô
- Atisô
- Rau bina (nấu chín)
- Khoai tây
- Cà chua
- Gạo lứt
- Bánh mì nguyên cám
- Cám ngũ cốc
- Yến mạch
- Hầu hết các loại hạt
- Thịt chế biến
- Dưa chua và ô liu
- Bánh quy, khoai tây chiên và bánh quy giòn
- Đậu
- Sữa và các sản phẩm từ sữa khác
- Thực phẩm đóng hộp và chế biến nhiều có chứa thêm muối…
Chuối chứa nhiều kali không tốt cho người bệnh thận.
Tóm lại, thận khỏe mạnh hoạt động để lọc chất lỏng dư thừa và chất thải ra khỏi máu của chúng ta. Ở những người bị bệnh thận mạn tính, thận đã suy giảm chức năng và không thể loại bỏ chất thải và chất lỏng thừa này một cách hợp lý. Điều này gây ra sự tích tụ chất lỏng, chất thải và một số chất dinh dưỡng trong máu, có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Các chất dinh dưỡng được khuyên nên hạn chế trong chế độ ăn kiêng của người mắc bệnh thận bao gồm: natri, kali, phot pho, protein và chất lỏng (nếu mắc bệnh thận tiến triển). Người bệnh nên thực hiện theo các khuyến nghị về chế độ ăn uống sẽ giúp duy trì chức năng thận và ngăn ngừa tổn thương thận trở nên trầm trọng hơn.