Tài chính

[LIVE] ĐHĐCĐ SHB: Tỷ lệ cho vay BĐS chiếm 6,7% tổng dư nợ, ngân hàng sở hữu 6.600 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp

 Ban điều hành đại hội đồng cổ đông thường niên SHB năm 2022. (Ảnh: Diệp Bình) 

Chiều nay (20/4), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB - Mã: SHB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 với nhiều kế hoạch quan trọng sẽ được đưa ra thảo luận và xin ý kiến cổ đông.

Phát biểu tại đại hội, ông Thái Quốc Minh, Thành viên Hội đồng quản trị, chia sẻ trong nhiệm kỳ 5 năm 2017 - 2021, ngân hàng đã ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận đạt 40,2%; tốc độ tăng tài sản bình quân đạt 16%/năm; tốc độ tăng vốn điều lệ đạt 19%/năm,...

Đến hết năm 2021, SHB đã hoàn tất xử lý hết nợ tồn đọng của Vinashin, trích lập hơn 4.200 tỷ đồng dự phòng để tất toán 100% nợ xấu tại VAMC, tỷ lệ nợ xấu giảm.

Trong năm, ngân hàng đã hoàn tất việc chuyển niêm yết cổ phiếu SHB lên sàn HOSE, chốt xong thoả thuận bán công ty tài chính SHB Finance cho đối tác ngoại là Ngân hàng Krungsri của Thái Lan, thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG (Nhật Bản) mang lại thặng dư đáng kể cho cổ đông. Hiện nay các bên đang tiếp tục triển khai các thủ tục theo lộ trình được thống nhất. 

Chi sẻ về kế hoạch kinh doanh năm 2022, ông Võ Đức Tiến, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm phụ trách điều hành ngân hàng, cho biết với cơ sở tăng trưởng mạnh mẽ năm 2021, SHB đặt mục tiêu lãi trước thuế tối thiểu 11.686 tỷ đồng trong năm 2022, tăng gần 87% so với năm trước và dự kiến chia cổ tức năm 2022 từ 18%.

Tổng tài sản ngân hàng dự kiến tăng 12,4% lên 567.610 tỷ đồng trong đó dư nợ tín dụng tăng 14,4% đạt 421.715 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm về 1,3%.

 Kế hoạch kinh doanh năm 2022 của SHB. (Nguồn: Tài liệu đại hội SHB).

Cùng với đó, ngân hàng cũng xác định định hướng phát triển cho tới năm 2026 với mục tiêu vươn lên Top 3 ngân hàng tư nhân về lợi nhuận, vốn điều lệ, tổng tài sản và tổng dư nợ tín dụng.

  • TIN LIÊN QUAN
  • Con trai bầu Hiển được đề cử vào Hội đồng quản trị ngân hàng SHB

Theo tài liệu đại hội công bố, ngân hàng trình đại hội thông qua kế hoạch chi trả cổ tức tỷ lệ 15% bằng cổ phiếu (hơn 400 triệu cổ phiếu) cho cổ đông. 

Cùng với phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu, SHB sẽ phát hành thêm hơn 533 triệu cổ phiếu sẽ được chào bán cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100:20 (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được quyền mua thêm 20 cổ phiếu mới) với mức giá ưu đãi là 12.500 đồng/cp. Thị giá hiện tại của cổ phiếu SHB kết thúc phiên sáng ngày 20/4 là 18.050 đồng/cp.

Qua đó, ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ từ 26.673 tỷ đồng lên hơn 36.007 tỷ đồng, tương đương tăng 35%. Kế hoạch thực hiện các phương án dự kiến trong quý III/2022. 

Bên cạnh đó, SHB dự kiến chào bán hơn 45 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với mức giá dự kiến là 10.000 đồng/cp. Cố phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 18 tháng kể từ ngày kết thúc đợt phát hành và sẽ góp phần tăng thêm vốn điều lệ cho SHB.

Cũng tại đại hội, SHB sẽ trình cổ đông phương án chào bán không quá 20% số lượng cổ phiếu đã phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, đây là kế hoạch có ý nghĩa quan trọng với SHB.

Đại hội đồng cổ đông thực hiện bầu Hội đồng quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ 2022 - 2027 với sự góp mặt của một số gương mặt mới như ông Đỗ Quang Vinh (con trai ông Đỗ Quang Hiển, tức bầu Hiển) và ông Đỗ Văn Sinh. Đây cũng là thời điểm mà bầu Hiển phải lựa chọn giữa vị trí "ghế nóng" chủ tịch HĐQT của SHB hay Tập đoàn T&T. 

Thảo luận

Cổ đông: Trước những rủi ro của nền kinh tế, nên chăng hạ thấp mục tiêu TOP 3 tới năm 2026 để lường trước những biến động khó lường. Việc trả cổ tức của các năm trước là hơi chậm, đề nghị năm nay cần phải trả cổ tức nhanh  và sớm hơn.

Ông Đỗ Quang Hiển: Mục tiêu của SHB là nhấn mạnh về hiệu quả với vị trí Top 3 về lợi nhuận trong nhóm ngân hàng tư nhân và quy mô sẽ tăng trưởng song hành. Trong chiến lược của SHB, đến năm 2025, SHB đứng thứ ba về hiệu quả.

Việc chia cổ tức năm 2019 và 2020 có sự chậm trễ nhưng năm 2021 sẽ nhanh hơn nếu được chấp thuận sớm của NHNN.

Cổ đông: Cơ sở nào để đặt lợi nhuận tăng hơn 87% trong năm 2022?

Ông Đỗ Quang Hiển: Khi đặt kế hoạch kinh doanh, SHB đã phải tính toán đến cáccăn cứ cơ sở và dựa trên các phương pháp tính toán hợp lý để đưa ra được một con số cuối cùng. Trong chiến lược phát triển của SHB có tư vấn BCG, IFC,… đồng hành với mục tiêu phát triển tệp khách hàng hệ sinh thái, chuỗi cung ứng. Trước đây, chúng tôi chưa khai thác hết được các tiềm năng chiến lược mà SHB đang có, SHB sẽ tiếp tục tăng CASA, dịch vụ,… Trên cơ sở đó thì kế hoạch kinh doanh là khả thi.

Ông Võ Đức Tiến, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm phụ trách điều hành: Năm ngoái SHB trích lập hơn 4.700 tỷ đồng để xử lý nợ VAMC, năm nay SHB dự kiến trích lập 4.700 tỷ đồng, giảm hơn 3.000 tỷ so với năm ngoái, do đó khả năng đạt được con số lợi nhuận là khả thi.

Cổ đông: Hiện nay TPDN và cho vay BĐS đang khá nóng, xin ông chia sẻ về tỷ lệ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và tỷ lệ cho vay BĐS của SHB?

Ông Võ Đức Tiến, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm phụ trách điều hành: Hiện nay, dư nợ cho vay BĐS của SHB chiếm 6,75% trên tổng dư nợ và lượng trái phiếu doanh nghiệp sở hữu là 6.600 tỷ đồng trong đó có 4.100 tỷ đồng là trái phiếu của doanh nghiệp BĐS. Đây đều là những trái phiếu của các doanh nghiệp, dự án có tài chính và thanh khoản tốt.

"Về việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tôi khẳng định các khoản đầu tư của SHB là an toàn tuyệt đối và thanh khoản cao", Chủ tịch Đỗ Quang Hiển cho biết.

Cổ đông: Xin ông chia sẻ thêm về kế hoạch thoái vốn của SHB tại công ty con Lào và Campuchia? Trong phương án bán vốn cho đối tác ngoại có nêu giá bán cho cổ đông chiến lược không thấp hơn mệnh giá 10.000đ trong khi với phương án chào bán năm nay giá dự kiến đã là 12.500 đồng/cp. Đề nghị ban lãnh đạo ngân hàng xem xét lại mức giá bán cho cổ đông chiến lược là giá trung bình 30 phiên liên tiếp để tránh thiệt hại cho cổ đông.

Ông Đỗ Quang Hiển: Chúng tôi đang xúc tiến việc thoái vốn tại SHB Lào, Campuchia và đã có một số đối tác mà ban điều hành SHB đang làm việc.

Về giá bán cho cổ đông chiến lược, theo tờ trình thì là đề xuất khiêm tốn, đề xuất để đảm bảo cổ đông yên tâm, chúng tôi sẽ đàm phán trên cơ sở đối tác có uy tín, có thương hiệu giúp SHB quản trị điều hành và phát triển.

Ban điều hành SHB  đang đàm phán với một số đối tác trên tinh thần là họ tham gia vào quản trị điều hành với SHB một cách công khai minh bạch, lâu dài. Về giá, chúng tôi sẽ đàm phán mức giá cao nhất có lợi cho SHB và cổ đông.

(Tiếp tục cập nhật)...

Cùng chuyên mục

Đọc thêm