Tài chính

Chuyên gia tiết lộ sốc: Giá đất đường Đồng Khởi lên tới 1,1 tỷ đồng/m2, cao gấp nhiều lần khung giá Nhà nước

Ngày 11/3, Ban Kinh tế trung ương và Đại học Quốc gia TP.HCM đã phối hợp tổ chức hội thảo “Phát triển bền vững thị trường bất động sản trong bối cảnh mới” với sự tham dự của các nhà khoa học, chuyên gia và doanh nghiệp bất động sản.

Tại đây, các chuyên gia, doanh nghiệp trong ngành đã đóng góp nhiều giải pháp nhằm đưa thị trường bất động sản phát triển bền vững, đặc biệt là vấn đề về giải phóng mặt bằng, trường hợp đấu giá đất ở khu đô thị Thủ Thiêm hay việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản..

Phát biểu tại hội thảo, GS-TS Nguyễn Thị Cành, Trường ĐH Kinh tế - Luật cho rằng các nguồn thu từ đất đai hiện đang có xu hướng sụt giảm dần, như thu tiền sử dụng đất hay thu lệ phí trước bạ nhà, đất cũng có tốc độ đi xuống. Bên cạnh đó, quy định về giá đất để tính nghĩa vụ tài chính mà các tổ chức, cá nhân phải nộp ngân sách nhà nước là giá đất do nhà nước ban hành và giá thị trường.

Việc quy định thời kỳ áp dụng bảng giá đất của các địa phương là 5 năm/lần. Trong khi đó, giá thị trường có thể thay đổi theo từng ngày, thậm chí là từng giờ đã khiến nguyên tắc này hoàn toàn không thể thực thi được trên thực tế.

Chuyên gia: Giá đất đường Đồng Khởi chạm mức 1,1 tỷ đồng/m2, gấp gần 3 lần giá nhà nước - Ảnh 1.

Thanh Niên dẫn lại ví dụ của bà Cành, giá đất trên đường Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) cuối năm 2014 do thành phố ban hành là 59,8 triệu đồng/m2 thì đến quyết định ngày 16.1.2020 con đường này cũng giữ nguyên mức giá trên. Trong khi đó, từ tháng 8.2019 đến nay, TP.HCM có áp dụng hệ số điều chỉnh (hệ số K) nhưng gần như tương tự nhau đối với các trường hợp. Đồng thời, khoảng cách về hệ số điều chỉnh giữa các giai đoạn khá nhỏ so với mức tăng của thị trường.

Cụ thể, giá đất trên đường Đồng Khởi được công bố là 162 triệu đồng/m2. Nếu nhân với hệ số K cao nhất là 2,5 lần thì tương đương giá đất tại đường Đồng Khởi là 405 triệu đồng/m2. Nhưng thực tế giá đất thị trường khu vực này hiện ở mức 1,1 tỉ đồng/m2.

Do đó, vị chuyên gia và nhóm nghiên cứu kiến nghị cần rà soát và điều chỉnh định kỳ hoặc đột xuất khung giá đất của nhà nước, bám sát diễn biến quan hệ cung cầu của thị trường. Cần điều chỉnh cơ cấu thu từ sử dụng đất theo hướng áp dụng phương thức thu nhiều lần, bỏ hình thức trả tiền thuê đất một lần khi giá đất, chính sách thuế thay đổi. Ngoài ra, cần thống nhất trong vấn đề phân cấp, phân quyền trong quy hoạch, quản lý sử dụng đất, tài sản nhà nước giữa trung ương và địa phương và giữa các cấp của chính quyền địa phương, tránh lãng phí do quy hoạch treo, quản lý tài sản kém hiệu quả, gây tiêu cực từ cơ chế "xin cho".

Theo GS Nguyễn Thị Cành, về ngắn hạn, có thể đưa ra đề xuất về hoàn thiện quy định về giá đất nhà nước. Về dài hạn, cần xem xét và cân nhắc việc bỏ hẳn quy định về giá đất nhà nước và tất cả chỉ còn dựa vào giá đất thị trường...

Cùng chuyên mục

Đọc thêm