Trong sự kiện Viet Nam Data Summit 2022 ngày 24/6 tại TP HCM, ông Toni Kristian Eliasz, chuyên gia cao cấp về kỹ thuật số của World Bank, nhận định Việt Nam đang có nhiều tham vọng về tiến trình chuyển đổi số. Chính phủ đã đặt ra mục tiêu rõ ràng, xác định đây là trụ cột để quốc gia phát triển, nâng tầm kinh tế.
"Tuy nhiên, chuyển đổi số không phải bức tranh màu hồng, chỉ toàn lợi ích tốt đẹp. Bản thân tiến trình này tồn tại nhiều rủi ro, đặc biệt vấn đề an toàn, quyền riêng tư dữ liệu và an ninh mạng. Những vấn đề này nên được hiểu một cách đúng đắn để quá trình chuyển đổi số diễn ra bền vững và hiệu quả", ông nói.
Theo chuyên gia này, nói đến chuyển đổi số, nhiều người thường nghĩ đến việc thu thập dữ liệu của các tổ chức và sử dụng một cách độc lập. Nhưng nếu nhìn ở quy mô quốc gia, chuyển đổi số chỉ thật sự thành công khi xây dựng được một kho dữ liệu mở, cho phép cả cộng đồng sử dụng nguồn tài nguyên chung đó.
Kinh nghiệm khi tư vấn và làm việc trên khắp thế giới của World Bank cho thấy trong quá trình chuyển đổi số, nhiều quốc gia thường chỉ tập trung vào việc thu thập, xử lý dữ liệu mà quên vấn đề luật định. "Cần có luật rõ ràng để vừa giúp cộng đồng tiếp cận kho dữ liệu chung dễ dàng vừa tránh rủi ro về an ninh là một trong những tiền đề đầu tiên để tiến hành chuyển đổi số", ông Eliasz nói.
Trong khi đó, ông Albert Antoine, chuyên gia cố vấn ngành khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, đồng sáng lập Avaiga, chỉ ra một sai lầm khác của người lãnh đạo: "Họ thường hiểu sai rằng chuyển đổi số là mua phần mềm về chạy là xong. Người bán phần mềm nói với họ trong phần mềm có AI, Big Data, blockchain là chuyển đổi số. Đó là sai lầm nghiêm trọng. Chuyển đổi số nên được hiểu là việc thay đổi về cơ cấu tổ chức, mô hình kinh doanh để phù hợp với những thay đổi của thị trường".
Theo ông Antoine, sai lầm thường thấy là cách tổ chức đội ngũ nhân sự chuyển đổi số. "Ở Việt Nam, khi nói đến chuyển đổi số, các công ty thường giao luôn việc này cho đội ngũ IT. Chuyên viên IT không phải người làm dữ liệu, họ chỉ nên là 'đối tác' để giúp các chuyên gia thu thập, tìm kiếm dữ liệu. Việc xử lý và hiểu dữ liệu cần kiến thức chuyên sâu hơn. Ở các nước phát triển, ngoài CTO, còn có một vị trí đặc biệt là CDO - Giám đốc dữ liệu", ông nói.
Từ trải nghiệm thực tế, ông cho biết để chuyển đổi số thành công, CDO không thể làm việc một mình. Họ phải ngồi lại với đội ngũ IT để tìm kiếm, sắp xếp dữ liệu, sau đó trao đổi với đội ngũ vận hành, kinh doanh để hiểu mô hình tổ chức, bán hàng của công ty, cùng nhau đưa ra những quy trình tối ưu.
"Chuyển đổi số không phải việc một kỹ sư IT, ngồi tự động hóa quy trình rồi bắt mọi người làm theo", nhà đồng sáng lập Avaiga cho hay.
Theo các chuyên gia, khi nhắc đến chuyển đổi số, nhiều người nghĩ đến việc thu thập dữ liệu thật nhiều. Nhưng đây chỉ là một trong những bước rất nhỏ để thực hiện tiến trình. "Nên nhớ 80% thời gian của chuyển đổi số là làm sạch dữ liệu. Nếu dữ liệu không sạch, kết quả cho ra không chính xác, có thể gây nguy hiểm cho cả quá trình ra quyết định", ông lưu ý.
Còn ông Eliasz đánh giá việc thu thập, xử lý dữ liệu tại Việt Nam vẫn manh mún, phân mảnh. Ông hy trong trong tương lai, khi xác định lộ trình chuyển đổi số rõ ràng, cơ quan chức năng cũng sẽ lưu ý đến vấn đề hạn chế chắp vá dữ liệu.
Đồng ý với nhận định của các chuyên gia, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội tin học TP HCM (HCA), nói: "Thống kê tại Internet Day 2021 cho thấy Việt Nam nằm trong top 20 quốc gia có người dùng Internet cao nhất thế giới. Tỷ lệ trung bình đạt 70,3%, trong khi tỷ lệ trung bình của thế giới là 51,4%. Tuy nhiên việc khai thác dữ liệu chưa tương xứng với tiềm năng và chỉ mới tập trung ở các công ty công nghệ".
Theo người đứng đầu HCA, dữ liệu là thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số. Một khi tận dụng được tối đa nguồn dữ liệu, cơ hội thành công sẽ lớn hơn nhiều lần. Tuy nhiên, thực tế là không phải doanh nghiệp nào cũng biết cách xử lý để dữ liệu trở nên hữu ích trong tiến trình chuyển đổi số.