Ngưỡng cân bằng 1.200 đã bị xuyên thủng ngay phiên đầu tuần, đáng chú ý khi áp lực bán đã tăng mạnh khi VN-Index mất 1.200 kéo phiên đầu tuần giảm gần 37 điểm. Chỉ số tiếp tục giảm điểm trong 2 phiên tiếp theo và kiểm định vùng đáy cũ tại 1.156 – 1.160.
Điểm tích cực trong tuần là diễn biến hồi phục của VN-Index tại vùng đáy cũ, nhịp hồi phục đã giúp chỉ số chốt tuần tại 1.185,48. So với cuối tuần trước VN-Index để mất 31,82 điểm, tương đương 2,61%.
Theo quan sát, GAS là cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến đà giảm của VN-Index khi giảm 14,9% kéo chỉ số giảm 10 điểm. Tiếp theo là VIC và VHM với mức ảnh hưởng 3,5 điểm và 3,1 điểm đến VN-Index. Trong Top10 ảnh hưởng tiêu cực, 2 cổ phiếu ngành điện là POW và REE cũng ghi nhận mức giảm mạnh lần lượt 15,5% và 13,1%. Chiều tăng điểm VNM với mức tăng 7,6% trong tuần đã giúp VN-Index tăng 2,8 điểm.
Liên quan đến giao dịch của NĐT nước ngoài, khối ngoại tiếp tục mua ròng gần 300 tỷ đồng trong tuần 20 - 24/6.
Theo thống kê, mặc dù dòng tiền NĐT nước ngoài rút khỏi phần lớn các nhóm ngành như tài nguyên cơ bản (415 tỷ đồng), bán lẻ (214 tỷ đồng), hóa chất (156 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (134 tỷ đồng), bất động sản (111 tỷ đồng),... nhưng vẫn ghi nhận lực cầu hướng đến cổ phiếu ngân hàng (272 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (212 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (209 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (199 tỷ đồng),...
Trên sàn HOSE, GAS dù giảm mạnh nhưng là mã được khối ngoại mua vào hơn 210 tỷ đồng và trở thành cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất, tiếp theo là STB với giá trị mua ròng hơn 186 tỷ đồng. Bên phía bán ròng, HPG là cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất với giá trị 441 tỷ đồng.
Trái ngược với sàn HOSE, khối ngoại bán ròng 15,32 tỷ đồng trên sàn HNX tuần này. Hoạt động mua vào tiếp tục xuất hiện ở các cổ phiếu đã có dòng tiền ngoại gia nhập những tuần trước đó như TNG (15 tỷ đồng) và KLF (5 tỷ đồng). Các cổ phiếu khác được mua dưới 5 tỷ đồng như PVI, IDC và SD5.
Ở chiều bán, cổ phiếu SHS của Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội dẫn đầu với 19 tỷ đồng, theo sau là PVS (8 tỷ đồng) và HUT (5 tỷ đồng). Hai mã còn lại bị bán quanh 3 tỷ đồng là VCS và CEO.
Khởi sắc hơn so với HNX, NĐT nước ngoài mua vào hơn 200,68 tỷ đồng trên thị trường UPCoM. Giá trị mua vào và bán ra lần lượt là 440,38 tỷ đồng và 239,7 tỷ đồng.
Điểm qua giao dịch cho thấy cổ phiếu BSR của Lọc Hóa dầu Bình Sơn tiếp tục dẫn đầu danh sách thu hút dòng vốn ngoại với giá trị vào ròng lên tới 133 tỷ đồng. Tuần qua, dưới sức ép điều chỉnh từ thị trường chung, cổ phiếu BSR có nhịp giảm hơn 14% xuống 28.000 đồng/cp và là mã tác động tiêu cực nhất lên UPCoM-Index.
Cùng chiều khối ngoại lần lượt mua vào các cổ phiếu ngành điện như GEE (59 tỷ đồng) vầ VTP (8 tỷ đồng). Mặt khác, FOC và ACV được gom ròng với giá trị thấp hơn.
Ngược lại, dòng tiền rút khỏi các mã VEA (9 tỷ đồng), LTG (2 tỷ đồng), CSI (2 tỷ đồng). Tương tự, KHB và BDT mua ròng với giá trị thấp hơn.