Thời sự

"Siêu đầu bếp" bỏ việc về quê trồng loại sen nghìn cánh, hái ra tiền từ cây sen

Anh chàng đầu bếp khởi nghiệp với sen

Từng làm phụ hồ để lấy tiền trang trải cho việc học nghề đầu bếp tại Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, năm 2007, Nguyễn Đức Duy, chàng trai sinh năm 1987 quê ở huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, tốt nghiệp và trở thành đầu bếp.

Với ý chí vươn lên và quyết tâm đã làm gì là phải làm bằng được, anh chàng đầu bếp trẻ nhanh chóng được một số nhà hàng, khách sạn nổi tiếng tại Hà Nội, Phú Quốc, Nha Trang để mắt tới và mời mời về đầu quân cùng chế độ đãi ngộ đáng mơ ước.

Tuy nhiên, năm 2016, khi đang là “siêu đầu bếp” với thu nhập cao hơn hẳn so với bạn bè đồng trang lứa, Nguyễn Đức Duy bất ngờ bỏ việc, về quê nhà Vĩnh Phúc để thực hiện hoài bão của mình, đó là khởi nghiệp với lĩnh vực nông nghiệp.

Điều kiện thuận lợi đối với Duy là gia đình anh không có gì ngoài… đất đai rộng lớn với những đồi gò bỏ hoang, đầm lầy một lúa không đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Cho đến nay, chàng trai này đã sở hữu 1ha vườn cây ăn trái với 500 gốc mít, 50 gốc bưởi, 100 cây na một số cây khác tạo sự đa dạng sinh thái cho khu vườn rừng canh tác hướng thuận tự nhiên. Đặc biệt, điểm nhấn trong startup của Duy là 30ha ao đầm trồng sen các loại.

Siêu đầu bếp bỏ việc về quê trồng loại sen nghìn cánh, hái ra tiền từ cây sen - Ảnh 1.

Nguyễn Đức Duy sở hữu 30ha ao đầm trồng sen các loại.


“Bản thân mình xuất thân trong gia đình có bố mẹ làm tiểu thương nên từ nhỏ đã nung nấu ý chí sau này sẽ làm kinh doanh. Quá trình học tập và làm việc, nhờ quan sát thực tiễn và học hỏi thông qua những cuốn sách đã hun đúc cho mình một ý chí quyết tâm làm giàu”, Nguyễn Đức Duy hé lộ ước mơ làm giàu từ khi còn nhỏ.

Từ đó Duy quyết tâm khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và nghỉ hẳn công việc đầu bếp. “Tôi nhận ra mình có tình yêu đặc biệt với nông nghiệp, trong đó có tình yêu đặc biệt đối với cây mít và hoa sen. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến tôi khởi nghiệp với mít và sen”, Duy nói.

Diện tích trồng sen này được anh Duy và các bên đối tác cùng hợp tác đầu tư thông qua việc thành lập Công ty TNHH Sen Vàng Vĩnh Phúc vào năm 2019. Ngoài ra, Sen Vàng Vĩnh Phúc còn liên kết với các đối tác trồng sen với tổng diện tích hơn 500ha trên cả nước để thu mua hạt sen.

“Với niềm đam mê dành cho hoa sen – quốc hoa của Việt Nam, tôi luôn mong mỏi đem cái đẹp thanh tao ấy đến với công chúng", Nguyễn Đức Duy chia sẻ.

Siêu đầu bếp bỏ việc về quê trồng loại sen nghìn cánh, hái ra tiền từ cây sen - Ảnh 2.

Nguyễn Đức Duy hướng dẫn một bạn nhỏ cách trồng sen trong chậu.


Bước ngoặt đến với hành trình khởi nghiệp của anh Duy khi năm 2020 anh gửi hồ sơ kêu gọi đầu tư từ chương trình Shark Tank. Dù không được BTC chọn lựa vào vòng thi chính thức, nhưng may mắn đã bất ngờ đến với Duy. Sau khi Shark Tank mùa 3 kết thúc, hồ sơ kêu gọi đầu tư của anh đã vượt qua hàng trăm startup khác để lọt vào mắt xanh của Shark Đỗ Liên.

Ngày 17/7/2020, lễ ký kết đầu tư giữa Shark Đỗ Liên với các công ty khởi nghiệp bên ngoài chương trình Shark Tank đã được triển khai, trong đó có dự án trồng sen của Công ty Sen Vàng Vĩnh Phúc. Theo tiết lộ của anh Duy, tổng số tiền Shark Đỗ Liên cam kết rót vào dự án của anh có thể lên tới 5-6 triệu USD. Cho đến thời điểm này, dự án trồng sen đã nhận được 1,5 tỷ đồng từ Shark Đỗ Liên.

Siêu đầu bếp bỏ việc về quê trồng loại sen nghìn cánh, hái ra tiền từ cây sen - Ảnh 3.

Nguyễn Đức Duy, Giám đốc Công ty Sen Vàng Vĩnh Phúc. Ảnh: VTV.


Hái ra tiền từ cây sen

Tình yêu đối với hoa sen khiến Nguyễn Đức Duy luôn hào hứng, say mê khi nói về loài hoa này. Theo chia sẻ của anh, cây sen sau khi cho thu hoạch hoa, tất cả những bộ phận còn lại đều có thể “hái ra tiền”. Từ củ sen, lá sen, ngó sen, hạt sen, và nhị sen,...

Trong đó, lá sen dùng để làm trà và ép khô làm đĩa, hoặc ép làm khung tranh thêu. Củ sen ngoài việc làm tinh bột, còn được các nhà hàng chay dùng để hầm, chế biến món ăn.

“Củ sen chất lượng sẽ cho tinh bột còn chất lượng hơn cả bột sắn dây. Loại củ này dùng chế biến món ăn và được dùng kết hợp với các loại bột làm bánh. Lá sen dùng để làm trà, ngoài ra những chiếc lá bánh tẻ được ép khô để làm đĩa đựng thức ăn (loại dùng một lần, thay thế cho những chiếc đĩa nhựa), hoặc ép làm khung tranh sau khi được xử lý bằng nước vôi trong và một số kỹ thuật bí quyết nhà nghề”, anh Nguyễn Đức Duy cho hay.

Thời điểm hiện tại đang là mùa hoa sen nở rộ, tuy nhiên chỉ 20% số hoa sen trong đầm của anh Duy theo chân những gánh hàng hoa xuống phố, số còn lại được giữ lại để ướp trà và lấy hạt.

Siêu đầu bếp bỏ việc về quê trồng loại sen nghìn cánh, hái ra tiền từ cây sen - Ảnh 4.
Chỉ khoảng 20% số lượng hoa sen được bán trực tiếp ra thị trường cho người chơi hoa.

Hạt sen sau khi thu hoạch được bán trực tiếp cho các đầu mối, hoặc được nghiền làm tinh bột, thành phẩm ăn sẵn. Trà sen được chế biến bao gồm lá, hoa sen, tâm sen và một số loại thảo dược khác. Trà sen được ướp lạnh theo quy trình bảo quản đạt tiêu chuẩn khép kín và đồng bộ hóa.

“Trồng sen cho thu nhập ổn định với lợi nhuận từ 8-12% so với số vốn đầu tư. Tuy nhiên, cũng như bao loài cây nông nghiệp khác, nếu gặp thời tiết không thuận lợi, người trồng sen cũng gặp rủi ro và có thể mất trắng nếu gặp trời mưa lớn, hoặc sương muối, gió bão làm gãy cây, hỏng hoa., anh Duy cho hay.

Mùa hoa sen chỉ rộ lên trong khoảng 5 tháng, cao điểm là mùa hè. Nhưng thực tế việc thu hoạch các sản phẩm từ sen diễn ra trong suốt 10 tháng trong năm. Hàng năm, cứ đến đầu mùa Đông, Xuân là thu hoạch củ sen, tháng Hai thu hoạch ngó sen. Từ tháng 3 đến tháng 8 thu hoạch hoa, tháng 6 đến tháng 9 thu hoạch hạt.

“Có tới hơn 60 loài sen, nhưng sau khi tìm hiểu và nghiên cứu kỹ, mình chỉ trồng từ 20-35 loài phù hợp nhất với thổ nhưỡng quê mình. Đây là những giống sen ra nhiều hoa nhất và được khách hàng yêu thích nhất”, Nguyễn Đức Duy cho hay.

Siêu đầu bếp bỏ việc về quê trồng loại sen nghìn cánh, hái ra tiền từ cây sen - Ảnh 5.

Hoa sen được chế biến làm trà sen.


Đặc biệt, tại Sen Vàng Vĩnh Phúc, có những loài sen cho ra bông “khủng”, số cánh hoa lên tới 1.000 cánh/bông. Giống hoa này thường được bán cho các khách hàng ở phân khúc trung, cao cấp, họ mua về trang trí cho các villa, biệt thự, nhà vườn, resort.

Riêng giống sen “nghìn cánh” này được anh Duy trồng chủ yếu trong chậu lớn có đường kính từ 90-110cm. Giá bán cho mỗi chậu hoa như thế này, bao gồm công vận chuyển là 4 triệu đồng/chậu.

Thông thường khách sẽ mua theo cặp chứ không mấy ai mua đơn lẻ một chậu, do vậy để sở hữu một cặp chậu sen quý này, khách sẽ phải chi ra số tiền là 8 triệu đồng.

Siêu đầu bếp bỏ việc về quê trồng loại sen nghìn cánh, hái ra tiền từ cây sen - Ảnh 6.

Tuy nhiên, mỗi chậu hoa có thể nở hàng chục, thậm chí cả trăm bông vào mỗi vụ trong suốt từ tháng 2 đến tháng 11 âm lịch.

“Đây đang là sản phẩm bán chạy nhất của Sen Vàng Vĩnh Phúc. Giá bán nghe thì có vẻ cao nhưng thật ra chúng tôi còn phải thuê xe nâng, xe cẩu để chở đến cho khách, rồi dịch vụ chăm sóc hậu mãi trong một mùa hoa sen được công ty chăm bón miễn phí. Chúng tôi đến chăm sóc cho sen nếu khách hàng có yêu cầu như diệt rêu, bón phân, tỉa lá, phòng trừ sâu bệnh, để có cây và những bông hoa sen đẹp nhất”, anh Duy nói.

Siêu đầu bếp bỏ việc về quê trồng loại sen nghìn cánh, hái ra tiền từ cây sen - Ảnh 7.

"Siêu sen" nghìn cánh thu hút sự quan tâm của người chơi sen.


Ngoài thu nhập từ sen, Nguyễn Đức Duy chia sẻ, anh còn một nguồn thu đáng kể khác từ vườn mít và bưởi. Chỉ riêng 500 gốc mít, mỗi năm cho thu hoạch từ 7-10 tấn trái, giá bán tại vườn dao động từ 11.000 – 15.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó anh Duy còn là cố vấn của nhiều farmstay và homestays khắp cả nước, trong liên minh những nhà phát triển và vận hành nông nghiệp du lịch song song bền vững.

Siêu đầu bếp bỏ việc về quê trồng loại sen nghìn cánh, hái ra tiền từ cây sen - Ảnh 8.

Khu vực ươm sen chậu của Sen Vàng Vĩnh Phúc.


Siêu đầu bếp bỏ việc về quê trồng loại sen nghìn cánh, hái ra tiền từ cây sen - Ảnh 9.

Sen vàng, một trong số những giống sen được trồng tại đây.


Siêu đầu bếp bỏ việc về quê trồng loại sen nghìn cánh, hái ra tiền từ cây sen - Ảnh 10.
Siêu đầu bếp bỏ việc về quê trồng loại sen nghìn cánh, hái ra tiền từ cây sen - Ảnh 11.

Nguyễn Đức Duy bên vườn cây ăn trái của mình


Cùng chuyên mục

Đọc thêm