Đánh giá về những tồn tại khiến Việt Nam chưa thu hút được nhiều dự án FDI công nghệ cao tại Tọa đàm: "Doanh nghiệp FDI trong tăng trưởng xanh của Việt Nam" diễn ra sáng 27/4, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho hay, Việt Nam vẫn đang gặp những thách thức trong thu hút FDI chất lượng cao.
"Trong những năm gần đây, hệ thống chính sách thu hút FDI của chúng ta được đưa ra theo hướng rất cởi mở, hiện đại, thông qua đó môi trường đầu tư kinh doanh đã được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một vài nguyên nhân khiến thu hút các dự án FDI công nghệ cao còn kém", ông Toàn nói.
Nâng tầm doanh nghiệp Việt để "bắt tay" được với FDI
Nguyên nhân đầu tiên là do khả năng hấp thụ dự án FDI công nghệ vào Việt Nam còn yếu khi môi trường đầu tư của Việt Nam còn chưa ổn. Ngoài những vấn đề tồn tại về về nguồn nhân lực, môi trường đầu tư,… còn một điểm yếu là sự hợp tác, lan toả giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI còn rất lỏng lẻo, Phó Chủ tịch VAFIE đánh giá.
Điều này đem lại bất lợi cho Việt Nam khi chúng ta không tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu, không học tập được công nghệ cao công nghệ nguồn từ các quốc gia phát triển vào Việt Nam, nguồn nhân lực cũng không được nâng lên.
Theo ông, song song với việc thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao, cần phải xây dựng các doanh nghiệp Việt Nam để “bắt tay” được với các tập đoàn quốc tế theo các hình thức khác nhau như: Liên doanh, cung cấp nguồn nguyên liệu bán thành phẩm hoặc các sản phẩm hỗ trợ cho các doanh nghiệp FDI.
Điển hình như Samsung, họ cũng rất tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, chủ yếu doanh nghiệp Việt cung cấp cho Samsung mới chỉ ở trình độ công nghệ thấp chứ chưa cung cấp được những sản phẩm công nghệ cao để hoàn thiện sản phẩm xuất khẩu của họ, ông Toàn chia sẻ.
"Trung Quốc là một quốc gia tận dụng rất tốt cơ hội từ FDI mà chúng ta nên học tập, khi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc, họ tận dụng những cơ hội của FDI để phát triển nội địa rất tốt", vị chuyên gia này cho hay.
Cần nâng tầm doanh nghiệp Việt để chúng ta bắt tay được với doanh nghiệp FDI một cách bình đẳng. Khi đó, chúng ta mới được hưởng lợi nhiều từ thu hút đầu tư FDI.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch VAFIE
Cần triệt để hai việc để tăng trưởng xanh
Vấn đề thứ hai để tăng trưởng xanh theo Phó Chủ tịch VAFIE cần làm rất triệt để hai việc. Đó là muốn tăng trưởng xanh thì cần xanh từ khâu sản xuất, lưu thông, tiêu dùng và cuối cùng là hậu tiêu dùng.
"Chúng ta phải làm đồng bộ tất cả thì xã hội mới tăng trưởng xanh được, nếu chúng ta chỉ làm một khâu thì sẽ đứt gãy chuỗi. Cả chuỗi phải xuyên suốt thì mới có kinh tế tuần hoàn, mới có việc xử lý các vấn đề chung", chuyên gia cho hay.
Quay lại câu chuyện hành động quốc gia, Chính phủ đã có những chính sách rất tốt, nhưng vấn đề là vận hành. Cần có kế hoạch vận hành từ tỉnh, huyện, xã và kế hoạch vận hành từ doanh nghiệp. Việt Nam muốn năm 2050 có phát thải ròng bằng 0 thì tất cả các doanh nghiệp đều phải có mục tiêu như vậy. Tất cả các huyện, các xã đều phải có giải pháp về xử lý nước thải, kinh tế tuần hoàn,…mới có thể đạt mục tiêu quốc gia.
Đầu năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. Tất cả hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam cũng như hàng hóa Việt Nam sản xuất ra phải chịu trách nhiệm đến cùng về bao bì, chất thải. Ví dụ, một chai nước, nhà sản xuất không chỉ chịu trách nhiệm về chai nhựa mà cả giấy nylon dán chai nhà sản xuất cũng phải bảo đảm.
Có nhiều cách khác nhau, doanh nghiệp phải tự thu hồi ít nhất 20%. Cách thứ hai, doanh nghiệp nếu không muốn làm hay không có năng lực làm thì đóng quỹ. Vấn đề đặt ra là Chính phủ xử lý quỹ như thế nào, vì chúng ta thấy các quỹ của Việt Nam hiện nay hoạt động chưa hiệu quả. Tất cả những việc đó chúng ta phải làm hết sức đồng bộ, ông Toàn cho hay.
Còn theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế xanh là một cuộc đua khốc liệt diễn ra âm thầm từ nhiều năm nay và có vẻ như cuộc đua này đang tăng tốc hơn nữa trong thời gian gần đây và trong thời gian tiếp theo nữa.
Một cuộc đua xanh đã âm ỉ kéo dài hai, ba thập kỷ ở châu Á và châu Âu, mà ở châu Á nổi lên là Hàn Quốc, Nhật Bản cùng những nước khác. Đặc biệt là Trung Quốc, sau khi đã trả giá bằng những bài học rất đắt về tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá.
Hiện nay Trung Quốc là nước đứng đầu thế giới về đầu tư vào tăng trưởng xanh, tài chính xanh, công nghệ xanh và nhiều nguồn khác nữa. Đây là một cuộc đua màu xanh, trong đó doanh nghiệp đóng một vai trò hết sức quan trọng, ông Vinh cho hay.