Thời sự

Hà Nội nghiên cứu xây sân bay ở khu vực phía Nam thành phố

Sáng 27/4, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII tiếp tục thực hiện chương trình Hội nghị lần thứ mười hai và bế mạc.

Tổng hợp kết quả thảo luận ngày 26/4, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, có 73 lượt đại biểu phát biểu thảo luận với 147 ý kiến, cơ bản tán thành với các nội dung tờ trình, báo cáo và thống nhất với dự thảo Nghị quyết Hội nghị do Ban Thường vụ Thành ủy chuẩn bị.

Hà Nội nghiên cứu xây sân bay ở khu vực phía Nam thành phố - 1

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: PV.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn đã giải trình về các ý kiến đối với Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo ông Tuấn, thành phố sẽ rà soát tính toán cụ thể hơn về dự báo quy mô dân số, bao gồm cả tính toán số lượng sinh viên, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, người lao động không đăng ký tạm trú trên địa bàn...

Thành phố cũng sẽ nghiên cứu, làm sâu sắc hơn những nét đặc trưng văn hiến, văn minh, hiện đại; nghiên cứu tiếp trong chương trình phát triển đô thị đối với mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô; làm rõ 5 trục không gian phát triển chính của Thủ đô.

Đối với việc nghiên cứu sân bay thứ hai, ông Tuấn cho biết, sở dĩ quy hoạch đưa vào nội dung này vì Quy hoạch cảng hàng không sân bay toàn quốc có xác định Hà Nội là Thủ đô lớn, có 2 sân bay được bố trí theo trục Bắc - Nam. Vì vậy sân bay thứ hai sẽ được nghiên cứu ở khu vực phía Nam thành phố. Đây cũng là vị trí thuận lợi để kết nối với các tuyến đường sắt cao tốc Bắc- Nam, đường sắt đô thị, các tuyến đường cao tốc kết nối vùng và quốc gia khác.

Hà Nội nghiên cứu xây sân bay ở khu vực phía Nam thành phố - 2

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn tổng hợp ý kiến các đại biểu tại phiên họp tổ chiều 26/4. Ảnh: PV.

Về Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Tuấn nêu, thành phố sẽ nghiên cứu cụ thể nhận diện rõ nét hơn tư tưởng, triết lý; phân nhóm các quan điểm chủ đạo, làm rõ hơn quan điểm bảo vệ phục hồi các dòng sông trên địa bàn; lựa chọn phương án phát triển và khâu đột phá phù hợp với mục tiêu phát triển, thể hiện được khát vọng phát triển Thủ đô.

Đối với các trục phát triển, thành phố nhất trí với ý kiến đại biểu cho rằng trục sông Hồng có ý nghĩa rất quan trọng, vừa bảo tồn vừa phát triển, có ý nghĩa trong bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Ban Cán sự đảng UBND thành phố sẽ chỉ đạo các cơ quan tham mưu hoàn thiện nội dung trục phát triển bảo đảm thống nhất với Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy tiếp thu, giải trình các ý kiến tại Hội nghị Thành ủy lần thứ mười hai về nội dung Sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc số 05-QC/TU của Thành ủy khóa XVII.

Kiên định định hướng 2 thành phố trực thuộc Thủ đô

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nêu, về Định hướng nghiên cứu Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065), cần lưu ý 4 nhóm nội dung quan trọng, gồm: thống nhất thời hạn của Đồ án; yêu cầu bám sát các nghị quyết, kết luận của T.Ư; bảo đảm định hướng “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; kiên định với định hướng phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô và 5 trục phát triển.

Đối với Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Dũng cho biết, trong quá trình nghiên cứu lập Quy hoạch, Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học dưới các hình thức, lấy ý kiến các bộ, ban, ngành T.Ư và các địa phương theo quy định, đặc biệt là công bố công khai để lấy ý kiến của nhân dân Thủ đô để vừa tiếp thu tinh hoa, trí tuệ, vừa tạo sự thống nhất, đồng thuận chung trong quá trình tổ chức thực hiện Quy hoạch...

Hà Nội kiên định với định hướng phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô là: Thành phố Bắc sông Hồng (Mê Linh - Sóc Sơn - Đông Anh), thành phố phía Tây Hà Nội (Hòa Lạc - Xuân Mai) và 5 trục phát triển là:

(1). Trục không gian sông Hồng, lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, thay đổi quan điểm phát triển theo hướng quay mặt ra sông thay vì quay lưng ra sông như hiện nay;

(2). Trục không gian hồ Tây - Ba Vì kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh;

(3). Trục không gian hồ Tây - Cổ Loa xác lập không gian kiểm soát đặc biệt là tổ hợp các khu chức năng công cộng gắn với các công trình biểu tượng;

(4). Trục không gian Nhật Tân - Nội Bài là trục đô thị thông minh;

(5). Trục không gian phía Nam kết nối không gian sinh thái với cụm du lịch tâm linh tại huyện Mỹ Đức và tỉnh Hà Nam.

Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng thêm 1 sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc như tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, đồng thời đề xuất một số sân bay trên địa bàn Thủ đô chuyển thành lưỡng dụng để phục vụ nhu cầu trước mắt và lâu dài cho Thủ đô.

“Đây sẽ là tiền đề tạo cực tăng trưởng mới để phát triển kinh tế - xã hội đối với các khu vực của thành phố. Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu, tính toán định hướng phát triển Hà Nội với vai trò dẫn dắt, tạo sức mạnh lan tỏa trong vùng Thủ đô bằng việc nghiên cứu đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông kết nối liên vùng với các tỉnh như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc…, kể cả đường bộ và đường sắt”, Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ rõ.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn tổng hợp các ý kiến thảo luận của các tổ đại biểu về Báo cáo dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Theo đó, các ý kiến tập trung vào: chính sách cải cách tiền lương, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao cả lĩnh vực công và tư; phân cấp, phân quyền cao hơn đối với cấp huyện… Một số ý kiến đóng góp về lĩnh vực quy hoạch nông nghiệp, đất rừng, bố trí nhà đất tái định cư ở nơi khác cho người dân bị thu hồi đất.

Liên quan đến việc khai thác quỹ đất hai bên sông Hồng, theo ông Sơn, một số đại biểu đề xuất cho phép lập quy hoạch đê điều tại những tuyến sông có đê để quản lý khai thác hiệu quả hơn nhất là với khu vực nội đô lịch sử, tạo cảnh quan hai bên sông Hồng… để tiếp thu vào dự thảo luật. Một số đại biểu cũng nêu ý kiến về tỷ lệ đất để xây dựng công trình kiên cố trên đất nông nghiệp để làm kho bãi, nơi chế biến, bảo quản nông sản; duy trì bảo dưỡng công trình, tài sản công; đãi ngộ nghệ nhân thủ công làng nghề, trùng tu di sản văn hóa; xây dựng trung tâm y tế chất lượng cao; phát triển nhà ở xã hội...

Cùng chuyên mục

Đọc thêm