Doanh nghiệp

CEO PVOIL: Chúng tôi có kế hoạch mua lại các cây xăng thua lỗ

Tại đại hội cổ đông thường niên của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL, mã cổ phiếu: OIL), ngày 27/4, kế hoạch mua bán sáp nhập cửa hàng xăng đầu để mở rộng mạng lưới, được các cổ đông khá quan tâm.

Trải qua một năm khó khăn với nhiều biến động của thị trường xăng dầu thế giới và trong nước, không ít doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ tư nhân gặp khó, phải thoái vốn hoặc bán lại cửa hàng. "Công ty có kế hoạch mua lại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tư nhân nhỏ lẻ, hoạt động cầm chừng hay đóng cửa để phát triển hệ thống không?", một cổ đông hỏi.

Ông Đoàn Văn Nhuộm, Tổng giám đốc PVOIL cho biết bên cạnh việc mở mới cây xăng, vừa qua doanh nghiệp này đã mua lại khoảng 30 cửa hàng xăng dầu của các đơn vị tư nhân bị thua lỗ để mở rộng mạng lưới kinh doanh trên cả nước. "Chúng tôi đã mua lại những cửa hàng như vậy và sẽ tiếp tục mua nếu có cơ hội", ông Nhuộm chia sẻ.

Ông nói thêm, ban lãnh đạo đã xin chủ trương từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - đơn vị chiếm 83% vốn, uỷ quyền cho PVOIL được mua toàn bộ công ty nào có hệ thống cửa hàng xăng dầu mà họ muốn bán hoặc thoái vốn 100%.

Năm ngoái doanh nghiệp này mở mới 54 cửa hàng xăng dầu và năm nay dự kiến mở thêm 58 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng lên 700.

Ban lãnh đạo PVOIL trả lời các câu hỏi của cổ đông tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, ngày 26/4. Ảnh chụp màn hình

Ban lãnh đạo PVOIL trả lời các câu hỏi của cổ đông tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, ngày 27/4. Ảnh chụp màn hình

Cuối tháng 3, cổ phiếu OIL của Tổng công ty Dầu Việt Nam bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa vào diện cảnh báo, với lý do báo cáo tài chính năm bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ từ 3 năm liên tiếp trở lên.

Các cổ đông hôm nay cũng bày tỏ lo ngại cổ phiếu bị cảnh báo sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp. Họ đề nghị ban lãnh đạo cung cấp thông tin về phương án khắc phục.

Ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch HĐQT PVOIL cho hay cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo do những vấn đề tồn tại trước khi doanh nghiệp này cổ phần hoá, chuyển sang công ty cổ phần (tháng 8/2018). Ông khẳng định việc này không ảnh hưởng tới phát triển, sản xuất, kinh doanh hiện tại của doanh nghiệp, cũng như tồn tại và giao dịch cổ phiếu OIL trên sàn UpCom.

Chủ tịch PVOIL nói thêm, doanh nghiệp đang tích cực cùng các bên liên quan xử lý, khắc phục sớm nhất các tồn tại.

Giải thích về ba điểm ngoại trừ trên báo cáo tài chính 2022, ông Lê Văn Nghĩa, thành viên HĐQT PVOIL nói khoản đầu tư gần 273 tỷ đồng của PVOIL và Công ty cổ phần hoá dầu và nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB) vào dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ đã phát sinh trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá.

Dự án này đã dừng thi công năm 2013 nhưng chưa được nghiệm thu, quyết toán nên chưa ghi nhận về tài sản. Hiện doanh nghiệp này cùng phía PVB xem xét, quyết định phương án phá sản PVB. Hội đồng quản trị PVOIL hy vọng khi phương án này được giải quyết sẽ xử lý xong khoản tài chính tại dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ.

Với khoản phải thu khác từ PVN, gần 170 tỷ đồng, đây là khoản lỗ tại Tổng công ty thương mại kỹ thuật Dầu khí (PETEC) trước khi sáp nhập vào PVOIL (năm 2011). Hồ sơ quyết toán cổ phần hoá PETEC đã được doanh nghiệp này gửi Bộ Công Thương, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, nhưng theo ông Nghĩa, đến nay chưa được duyệt.

Về giá trị 6 lô đất gần 30 tỷ đồng của Công ty cổ phần Xăng dầu Dầu khí Sài Gòn (PVOIL Sài Gòn - công ty con của PVOIL) đầu tư để xây dựng các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, ông Lê Văn Nghĩa cho hay do vướng thủ tục, cơ quan quản lý địa phương chậm giải quyết, đến giờ doanh nghiệp chưa hoàn thiện được thủ tục chuyển nhượng, gia hạn thời gian thuê đất. Ông hy vọng năm nay sẽ xử lý xong tồn tại này.

Liên quan tới kế hoạch phát triển các trạm sạc xe điện của Vinfast tại các cây xăng, Chủ tịch PVOIL Cao Hoài Dương cho biết đến nay đã có gần 300 cây xăng trên toàn quốc của doanh nghiệp này có các trạm sạc xe điện Vinfast. Không tiết lộ con số cụ thể, nhưng ông Dương nói, doanh thu và lợi nhuận từ hợp tác với Vinfast chiếm phần quan trọng trong lợi nhuận bán lẻ hệ thống cây xăng của PVOIL.

"Với kế hoạch mở mới thêm 40-60 cây xăng mỗi năm, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác để lắp trạm sạc điện. Việc này giúp khách hàng đi xe xăng hay điện đều được phục vụ", ông Dương nói.

Năm ngoái, PVOIL ghi nhận doanh thu 104.833 tỷ đồng, tăng 233% so với kế hoạch và tăng trưởng 80% cùng kỳ 2021. Doanh thu tăng chủ yếu từ hai lĩnh vực chính là kinh doanh xăng dầu và dầu thô quốc tế. Lãi trước thuế hợp nhất 912 tỷ đồng, gấp 1,8 lần kế hoạch và lợi nhuận trước thuế công ty mẹ là 657 tỷ đồng, gấp 1,6 lần kế hoạch. Tỷ lệ chia cổ tức là 2%.

Năm nay, doanh nghiệp này đặt kế hoạch doanh thu, lợi nhuận lần lượt là 50.000 tỷ đồng và 600 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu và lãi trước thuế công ty mẹ là 33.000 tỷ đồng và 500 tỷ đồng. Tỷ lệ chia cổ tức vẫn duy trì mức 2%.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm