Tại hội nghị kết nối đầu tư và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Hà Nội chiều 29/7, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa) đánh giá Hà Nội có tiềm năng để đẩy mạnh các ngành công nghệ cao, trong đó có bán dẫn, đặc biệt sau khi Luật Thủ đô sửa đổi được thông qua hồi tháng 6, xác định bán dẫn là lĩnh vực được ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược của thành phố.
"Đây là cơ sở pháp lý quan trọng. Hà Nội có hơn 10 triệu dân với sức hút đặc biệt về kinh tế, xã hội, điều quan trọng là cách tận dụng cơ hội để vươn lên trên bản đồ công nghệ và bán dẫn trong nước cũng như thế giới", ông Khoa nói.
Để tận dụng cơ hội này, theo Chủ tịch Vinasa, Hà Nội cần thực hiện việc xây dựng cơ chế riêng, đồng thời có bộ tiêu chí xác định nhà đầu tư chiến lược được hưởng chính sách ưu đãi. Ông cũng khuyến nghị Hà Nội cần lập chiến lược dài hạn trong 10 năm, học hỏi các quốc gia đi trước, nhất là nơi có hệ sinh thái đào tạo, cung ứng, sản xuất thiết bị điện tử nói chung và chip nói riêng.
Trong hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, Hà Nội hiện chiếm tỷ trọng nhỏ cả về số lượng doanh nghiệp cũng như lực lượng lao động. Nhiều doanh nghiệp lớn từ nước ngoài như Intel, Renesas, Marvell đặt trụ sở tại TP HCM, trong khi Hà Nội có các công ty thiết kế như Qorvo, CoAsia, Toshiba. Trong số hơn 5 nghìn kỹ sư thiết kế vi mạch tại Việt Nam, 85% làm việc tại TP HCM, Hà Nội 8%, Đà Nẵng 7%.
Theo chủ tịch Vinasa, Hà Nội cần dành nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ, đổi mới sáng tạo trong đó có lĩnh vực chip bán dẫn. "Sản xuất và thiết kế chip là mảnh đất rộng lớn, có doanh nghiệp lớn nhưng cũng có đơn vị quy mô rất nhỏ, vừa và nhỏ. Hà Nội cần hỗ trợ để nhiều doanh nghiệp ra đời và tạo nên hệ sinh thái rộng lớn", ông Khoa nói.
Lợi thế phát triển ngành bán dẫn của Hà Nội
Tại hội nghị, ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam NIC, đánh giá ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đã bộc lộ tiềm năng tăng trưởng mạnh với sự gia nhập của các tập đoàn hàng đầu trên thế giới và nhiều doanh nghiệp lớn trong nước. Trọng tâm phát triển thời gian tới sẽ đặt ở ba thành phố lớn gồm Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM.
Theo ông, một trong những lợi thế của Hà Nội là Luật Thủ đô sửa đổi vừa được ban hành, trong đó ưu tiên phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển các khu công nghệ cao, ưu đãi đầu tư. Ngoài ra, Hà Nội đã là nơi tiếp đón nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới khi tới Việt Nam như Nvidia, Apple, SpaceX, Qorvo.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Việt Hùng cho biết Luật thủ đô xác định công nghệ số là lĩnh vực trọng điểm về khoa học và công nghệ. Hà Nội được thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao. Các dự án phù hợp có thể nhận được ưu đãi về tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp, ưu tiên về thủ tục hải quan,...
Ngoài ra, theo ông Hùng, Hà Nội là nơi đặt nhiều trường đại học đào tạo nhân lực cho lĩnh vực bán dẫn, như Đại học Bách Khoa, Đại học Công nghệ, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Đại học FPT. Quanh thành phố có 10 khu công nghệ cao trên diện tích hơn 1,7 nghìn ha. Trong đó, khu Công nghệ cao Hòa Lạc đặt tầm nhìn trở thành trung tâm nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao và đổi mới sáng tạo trọng điểm của Hà Nội và̀ cả nước.
Thời gian tới, thành phố cho biết sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp để phát triển loại hình doanh nghiệp công nghệ số, trong đó có doanh nghiệp bán dẫn, như: đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ, tuyên truyền, phát triển hạ tầng số, tạo lập thị trường, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp.