Tại tọa đàm, vấn đề được nhiều doanh nghiệp đưa thảo luận là về phân phối lợi nhuận. Theo đại diện Tổng công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị UDIC, quy định hiện hành quy định trích cho quỹ thưởng và phúc lợi là không quá 3 tháng lương, nhưng dự thảo Luật đang mở rộng sang doanh nghiệp có vốn đầu tư khác.
Nhưng theo thông lệ của công ty cổ phần, công ty niêm yết thì trích theo tỷ lệ của lợi nhuận sau thuế, nên việc thực hiện dự thảo Luật có thể gây khó khăn, nên cần quy định cụ thể hơn về tỷ lệ % để thống nhất cho doanh nghiệp thực hiện.
Về nguyên tắc phân phối lợi nhuận, ông Ngô Xuân Phú, Thành viên HĐTV Tổng Công ty vận tải Hà Nội đề nghị những khoản chi tiền lương cho người đại diện được cơ quan chủ sở hữu cử xuống hoặc thuê kiểm toán báo cáo tài chính… được đưa vào chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Duy Long, Trưởng phòng Chính sách tổng hợp, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) để đảm bảo mục tiêu, yêu cầu về phân công rõ, phân cấp mạnh, dự thảo Luật quy định theo hướng Nhà nước quản lý vốn đầu tư thông qua cơ quan đại diện sở hữu vốn, cơ quan đại diện sở hữu vốn chịu trách nhiệm quản lý vốn đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý vốn đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác là cần thiết.
Ông Nguyễn Duy Long cũng cho biết, dự thảo Luật không quy định các nội dung quản trị của doanh nghiệp và chỉ quy định quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư.
Về quyền của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư thì xác định chính sách tiền lương, tiền thưởng của doanh nghiệp theo nguyên tắc doanh nghiệp tự quyết định chính sách tiền lương, tiền thưởng, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương, tiền thưởng của doanh nghiệp.
Đồng thời, xác định tiền lương, tiền thưởng được gắn với nhiệm vụ, điều kiện sản xuất kinh doanh, ngành nghề, tính chất hoạt động, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm mặt bằng tiền lương trên thị trường. Trường hợp doanh nghiệp thực hiện khoán chi phí tiền lương, tiền thưởng trong quỹ lương đảm bảo nguyên tắc gắn với kết quả, hiệu quả quản lý, sử dụng và vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Mức lương cơ bản, tiền lương tăng thêm và tiền thưởng theo năm gắn với quy mô, mức độ phức tạp của quản lý và hiệu quả sản xuất kinh doanh và được điều chỉnh phù hợp theo mức lương của thị trường trong nước và khu vực…
Song nội dung này vẫn gây băn khoăn cho một số doanh nghiệp có vốn nhà nước. Theo ông Đặng Ngọc Hải, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, dự thảo đang quy định tiền lương, tiền thưởng của người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên được chi từ lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập với các quỹ, thì điều này chưa phù hợp với thực tế.
Bởi người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên thường xuyên, trực tiếp điều hành sản xuất doanh nghiệp nên theo pháp luật về thuế thì tiền lương, thù lao là một trong những chi phí hợp lý được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, nên quỹ này không nên tính chung vào quỹ lương của người lao động.
Luật dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp gồm 09 Chương và 92 Điều với nhiều quy định “cởi mở”, trong đó đã phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các doanh nghiệp nhà nước.
Phạm vi điều chỉnh của Luật là quy định việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; sắp xếp và cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; kiểm tra, giám sát việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Với nguyên tắc Nhà nước xác định là một nhà đầu tư vốn tại doanh nghiệp, không can thiệp hành chính trực tiếp vào hoạt động và quản trị của doanh nghiệp mà được thực hiện thông qua cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp để đảm bảo các quyền của nhà đầu tư vốn, góp vốn vào doanh nghiệp, việc xác định quản lý vốn nhà nước đầu tư tại tất cả các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác là cần thiết.