Theo đó, tính đến thời điểm chốt quyền, số cổ đông có quyền tham dự đại hội là hơn 21.000 cổ đông. Tuy nhiên, số cổ đông tham dự và ủy quyền tham dự là 20 cổ đông, chiếm tỷ lệ 15,11% số cổ phần có quyền biểu quyết của Chứng khoán SBS. Do tỷ lệ tham dự thấp hơn 50%, đại hội tổ chức bất thành lần 1.
Theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông 2023 công bố của công ty, SBS trình đại hội đồng cổ đông kế hoạch doanh thu năm 2023 đi lùi đạt khoảng 100 – 120 tỷ đồng, lợi nhuận đạt khoảng 6 – 8 tỷ đồng.
Trong năm 2022, doanh thu SBS đạt gần 138 tỷ đồng, cùng chiều, chi phí hoạt động tăng cao do Ban điều hành xử lý các khoản nợ phải thu tồn đọng, tiến hành trích lập dự phòng với giá trị 55 tỷ đồng. Kết quả, công ty chứng khoán này lỗ sau thuế hơn 70,6 tỷ đồng trong năm 2022.
Ngoài ra, tại đại hội lần này, công ty cũng sẽ không chia cổ tức và phân phối các quỹ năm 2023.
Để tăng quy mô vốn chủ sở hữu để bổ sung vốn đầu tư cho hoạt động kinh doanh của công ty, đồng thời nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh và phù hợp với chiến lược phát triển của công ty, SBS muốn chào bán riêng lẻ 50 triệu cổ phiếu với mức giá chào bán không thấp hơn 10.000 đồng/cp (giá chào bán cụ thể sẽ giao cho HĐQT quyết định).
Đối tượng tham gia gồm nhà đầu tư chiến lược và/hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (tổng số lượng tham gia dưới 100 nhà đầu tư). Việc chuyển nhượng cổ phiếu chào bán riêng lẻ bị hạn chế tối thiểu là ba năm đối với nhà đầu tư chiến lược và tối thiểu một năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Thời gian chào bán dự kiến từ năm 2023 đến chậm nhất trong năm 2025, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.Dự kiến sau chào bán, vốn điều lệ công ty sẽ tăng từ 1.466 tỷ đồng lên 1.966 tỷ đồng.