Thị trường chứng khoán chao đảo, áp lực bán gia tăng khiến hàng loạt cổ phiếu rớt giá - Ảnh: BÔNG MAI
Vừa mở phiên giao dịch đầu tuần, áp lực bán lập tức xuất hiện trên các sàn chứng khoán chính, lan rộng ra hàng trăm cổ phiếu.
Hàng loạt cổ phiếu có vốn hóa lớn như VHM (Vinhomes), VIC (Vingroup), HPG (Hòa Phát), MSN (Masan), MWG (Thế giới di động), GVR (Công nghiệp cao su Việt Nam)… bị nhà đầu tư bán ra mạnh, gây ảnh hưởng tiêu cực lên chỉ số chứng khoán của sàn TP.HCM (HoSE).
Song song đó, nhiều mã ngành ngân hàng cũng rớt giá đồng loạt, trong đó phải kể đến các mã như CTG (VietinBank), VPB (VPBank), TCB (Techcombank), MBB (MBBank)…
Dù không chiếm ưu thế, song sắc xanh/tím hiếm hoi vẫn hiện diện ở CKG (Tập đoàn Tư vấn đầu tư xây dựng Kiên Giang), GAS (PetroVietnam Gas), CRE (Bất động sản Thế Kỷ), EVF (Công ty Tài chính cổ phần Điện lực), CSM (Công nghiệp Cao su Miền Nam)...
Trừ ngành sản xuất thiết bị - máy móc, chỉ số của tất cả các nhóm ngành còn lại như đều rơi xuống mức âm. Trong đó nhóm giảm từ 4% trở lên rơi vào nhóm tài chính khác, chứng khoán, bán lẻ, vật liệu xây dựng, sản xuất nhựa - hóa chất, bất động sản, sản xuất hàng gia dụng.
Diễn biến giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trở thành điểm sáng trong phiên khi mua ròng hơn 435 tỉ đồng.
Cung chiếm áp đảo cầu, khép phiên giao dịch hôm nay chỉ số chứng khoán VN-Idex chính thức giảm 35,13 điểm (-3,44%) lùi về mốc 985,21 điểm.
Đáng chú ý, áp lực bán diễn ra khốc liệt hơn ở rổ VN30 - top 30 cổ phiếu có vốn hóa lớn hàng đầu sàn chứng khoán TP.HCM, với mức giảm 46,36 điểm (-4,48%) xuống 987,77 điểm.
Song song đó, cả sàn HNX và rổ HNX30 cũng giảm lần lượt 6,8 điểm (-3,31%) xuống 198,5 điểm và 19,43 điểm (-5,74%) xuống còn 318,95 điểm. Cả sàn UpCOM cũng bị rớt 1,3 điểm (-1,83%) lùi xuống mốc 69,71 điểm.
Tổng giá trị mua bán cổ phiếu trên ba sàn chính đạt hơn 11.900 tỉ đồng, tăng 17% so với phiên trước.
Toàn thị trường có tổng cộng 700 mã chứng khoán bị rớt giá, nhiều hơn gần bốn lần so với số mã tăng giá, trong đó có tới 156 mã rớt sàn.
Tuần này là tuần cuối cùng của năm tài chính 2022, do đó phía Chứng khoán MB (MBS) cho rằng hoạt động chốt NAV (giá trị tài sản thuần, được tính bằng tổng giá trị các tài sản trừ đi tổng giá trị các khoản nợ phải trả) của các quỹ đang được nhà đầu tư kỳ vọng sẽ nâng đỡ thị trường.
Dù vậy, với những rủi ro tiềm ẩn, phía công ty chứng khoán cũng khuyến nghị nhà đầu tư nên hạn chế giao dịch hoặc nắm giữ với tỉ trọng cổ phiếu thấp.
Đội ngũ phân tích của Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục hạ tỉ trọng cổ phiếu và chưa nên mua mới trong giai đoạn hiện tại.
Theo đồ thị tuần, thị trường vẫn đang trong giai đoạn điều chỉnh và chỉ số VN-Index có thể hai mức hỗ trợ cho nhịp điều chỉnh này là 1.012 và 985 điểm.
Dù vậy xu hướng trung hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Nhà đầu tư trung hạn có thể tiếp tục tận dụng các nhịp điều chỉnh để gia tăng tỉ trọng cổ phiếu.