Tài chính

Bí quyết thu hơn 7 tỷ đồng trong 1 năm của chàng trai 24 tuổi: Săn đồ ở siêu thị và bán lại trên trang thương mại điện tử, vừa học vừa làm vẫn "nhàn tênh"


Kade Peterson, 24 tuổi, muốn trở thành một tiểu thương trên Amazon sau khi thấy anh trai mình thành công trong lĩnh vực kinh doanh này. Anh cho biết: “Trevor luôn là hình mẫu của tôi. Tôi luôn muốn làm những việc mà anh ấy đã làm, chơi những môn thể thao anh ấy đã chơi, mặc quần áo và nghe nhạc giống anh ấy.”

Anh trai của Kade đã mua hàng hóa từ các nhà cung cấp trên Alibaba và vận chuyển đến nhà kho của Amazon. Tuy nhiên, Kade chỉ muốn bắt đầu kinh doanh ở quy mô nhỏ hơn.

Vì vậy, anh quyết định sẽ kinh doanh kiểu chênh lệch giá bán lẻ. Kade mua các sản phẩm giảm giá từ các cửa hàng hay những nhà bán lẻ lớn như Target và Walmart, rồi bán lại trên Amazon. Trong thời gian học đại học, anh vẫn có thể kiếm thêm tiền với công việc này.

Mức giá của các mặt hàng thường đắt hơn nếu mua từ nhà cung cấp nhưng Kade có thể mua ít sản phẩm hơn để bán thử. Anh cũng có thể bán những thương hiệu nổi tiếng, thay vì tạo ra một thương hiệu mới ngay từ đầu và hy vọng khách hàng sẽ đón nhận tích cực hơn.

Lần đầu tiên Kade thử kiểu kinh doanh này là vào năm 2018. Khi ấy, anh có 500 USD, số tiền mà anh đã tiết kiệm trong nhiều năm. Kade và anh trai đã đến một cửa hàng bán lẻ lớn với ứng dụng Amazon Seller. Họ bắt đầu quét mã của các sản phẩm để xem chúng được bán với giá như thế nào trên Amazon.

Đối với đồ trang điểm, Kade quét một bảng phấn tạo khối được bán với giá 2 USD trong cửa hàng, trong khi có nhà bán trên Amazon rao với giá 21 đến 24 USD. Anh quyết định nhập 10 chiếc để bán thử. Sau khi đăng lên Amazon, sản phẩm này “sold out” chỉ trong vòng 1 tuần và Kade lãi 140 USD. Vì vậy, anh quyết định quay trở lại và mua thêm, tăng dần số lượng hàng nhập vào khi tạo dựng được uy tín với khách hàng. Kade đã bán được tổng cộng 606 bảng phấn tạo khối trong khoảng thời gian vài tháng.

Bí quyết thu hơn 7 tỷ đồng trong 1 năm của chàng trai 24 tuổi: Săn đồ ở siêu thị và bán lại trên trang thương mại điện tử, vừa học vừa làm vẫn nhàn tênh - Ảnh 1.

Kade áp dụng chiến lược “chậm mà chắc” tương tự với các sản phẩm khác nhau, từ đồ chơi đến đồ thể thao. Tuy nhiên, anh cũng không thể tránh khỏi sai lầm khi nhập những loại hàng hóa có nhu cầu rất thấp và phải mất nhiều tháng để hòa vốn. Kade còn không theo dõi thời gian anh tìm mua sản phẩm ở các cửa hàng, để xem liệu những món đồ đó có thực sự xứng đáng để bỏ công sức ra hay không.

Kade nói: “Tôi mất khoảng 10-20 phút đi đến cửa hàng và sau đó là 1-2 giờ để chuẩn bị sản phẩm và đăng bán trên Amazon nhưng có những đơn chỉ kiếm được 20 USD.”

Một sai lầm khác mà Kade mắc phải đó là mua những sản phẩm không được phép bán trên Amazon. Anh lưu ý, người bán hàng mới không thể bán các thương hiệu nổi tiếng như Nike hay Barbie. Ở những trường hợp này, một là anh sẽ mất tiền, hai là chuyển sang bán trên eBay.

Vào tháng 6/2021, Kade lãi 3.000 USD. Đây cũng là tháng mà Kade kiếm được nhiều tiền nhất khi kinh doanh chênh lệch giá. Hiện tại, anh bán các sản phẩm đã mua từ các nhà sản xuất trên Alibaba. Các sản phẩm này sau đó được vận chuyển trực tiếp đến kho hàng của Amazon. Kade lựa chọn hình thức này là vì anh có thể mở rộng mà không phải mất quá nhiều thời gian để quản lý.

Theo Kade, điều khó khăn ở đây là dù có ít rủi ro nhưng công việc này cần bạn phải nỗ lực liên tục, đặc biệt là ngay khi đã bán hết hàng. Đôi khi, anh vẫn muốn bán hàng nếu nhìn thấy ở cửa hàng có một món nào đó được coi là “món hời lớn”. Từ đầu năm đến nay, doanh thu trên Amazon của Kade là 309.000 USD, hầu hết sản phẩm được vận chuyển từ 1 nhà sản xuất.

Vừa kinh doanh, Kade vẫn vừa tìm hiểu về ứng dụng dành cho người bán hàng của Amazon. Anh nói: “Amazon Seller Central có thể hơi khó hiểu và gây khó khăn cho người mới làm vì ở đó có nhiều tính năng.”

Bí quyết thu hơn 7 tỷ đồng trong 1 năm của chàng trai 24 tuổi: Săn đồ ở siêu thị và bán lại trên trang thương mại điện tử, vừa học vừa làm vẫn nhàn tênh - Ảnh 2.

Sau khi nhận thấy một số sản phẩm được bán ra ngay lập tức và những sản phẩm lại “ế”, Kade quyết định sử dụng số liệu từ Amazon, là Amazon Best Sellers Rank (BSR). Công cụ này giúp xác định mức độ phổ biến của sản phẩm dựa trên “thành tích” bán chạy của nó. Kade nói rằng, thứ hạng càng thấp thì sản phẩm bán càng chạy. Ví dụ, trong mục đồ chơi, một số sản phẩm có thứ hạng dưới 100.000 có thể sẽ bán rất chạy.

Kade cũng sử dụng một công cụ khác, là Keepa, giúp anh theo dõi dữ liệu lịch sử đối với thứ hạng bán hàng của sản phẩm. Anh lưu ý điều này rất quan trọng vì một số sản phẩm sẽ mang tính thời vụ. Ví dụ, trong dịp Giáng sinh, thứ hạng bán hàng của một số sản phẩm dành cho mùa đông sẽ rất cao còn mùa hè thì ngược lại.

Ngoài ra, Kade cũng xác định xem mình có được phép bán một số sản phẩm không trước khi quyết định mua. Anh sẽ quét sản phẩm ở cửa hàng để xem liệu có quy định hạn chế nào với việc bán sản phẩm đó hay không.

Về tỷ suất lợi nhuận, Kade cho biết mình không bao giờ mua sản phẩm có tỷ suất hoàn vốn thấp hơn 50%. Anh lưu ý rằng, trong trường hợp một đối thủ cạnh tranh khác hạ giá, bạn cũng cần phải làm theo để duy trì sự cạnh tranh. Đôi khi, bạn sẽ phải ở trong một “cuộc chiến giá cả” và biên lợi nhuận tốt sẽ giúp bạn có khả năng để điều chỉnh giá sản phẩm.

Một yếu tố quan trọng khác là phí vận chuyển, ở khoản này Kade sẽ tự chi trả khi đưa sản phẩm đến kho hàng của Amazon. Ngoài ra, phí dịch vụ hoàn tất đơn hàng (fulfillment) và phí lưu kho sẽ dựa theo trọng lượng, kích thước của sản phẩm và danh mục của sản phẩm được bán. Nhìn chung, Kade tính mức phí này bằng khoảng 35% giá sản phẩm.

Tham khảo BI 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm