Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố 26 bị can liên quan đến bê bối về điện lực, xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Tuấn Ân (Tập đoàn Tuấn Ân) và Công ty Điện lực Bình Thuận (PC Bình Thuận).
Trong số này, ông Huỳnh Tuấn Ân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tuấn Ân, bị truy tố tội đưa hối lộ và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Các ông Trần Ngọc Linh và Nguyễn Thành Ngôn, 2 cựu Giám đốc PC Bình Thuận, cùng bị truy tố tội nhận hối lộ.

Bị can Huỳnh Tuấn Ân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tuấn Ân
ẢNH: BCA
Hồ sơ vụ án cho thấy, từ 2017 - 2023, ông Ân thống nhất với ông Linh và Ngôn tạo điều kiện cho Công ty CP Thiết bị điện Tuấn Ân (cũng do ông Ân đại diện theo pháp luật) trúng các gói thầu cung cấp vật tư, thiết bị cho PC Bình Thuận. Đổi lại, công ty sẽ chi tiền ngoài hợp đồng cho PC Bình Thuận.
Hậu quả là các công ty của ông Ân đã "thâu tóm" 25 gói thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 50 tỉ đồng. Ông Ân đã chỉ đạo đưa hối lộ số tiền cho các bị can tại PC Bình Thuận tổng số hơn 9 tỉ đồng.
Ngoài ra, để che giấu lợi nhuận thực tế, hợp thức cho việc nâng khống giá và rút tiền để chi ngoài hợp đồng, ông Ân lập và chỉ đạo các công ty trong Tập đoàn Tuấn Ân sử dụng 2 hệ thống sổ kế toán; đồng thời mua 1.163 hóa đơn khống, gây thiệt hại về thuế hơn 156 tỉ đồng.
Hối lộ tiền tỉ để "thâu tóm" đấu thầu
Cụ thể, cuối năm 2016, Chủ tịch Tập đoàn Tuấn Ân gặp, thống nhất với Giám đốc PC Bình Thuận Trần Ngọc Linh sẽ ưu ái cho doanh nghiệp này khi tham gia đấu thầu. Ông Ân hứa hẹn chi tiền ngoài hợp đồng từ 5 - 6% cho PC Bình Thuận, đồng thời cho ông Linh góp vốn 500 triệu đồng vào tập đoàn làm cổ đông chiến lược hàng năm.
Sau này, khi ông Linh nghỉ hưu, ông Ân chỉ đạo cấp dưới tiếp tục đưa ra yêu sách nêu trên với giám đốc mới của PC Bình Thuận là Nguyễn Thành Ngôn.
Hai cựu giám đốc đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới thông đồng với các nhân viên của Tập đoàn Tuấn Ân, nhằm giúp Công ty CP Thiết bị điện Tuấn Ân trúng 25 gói thầu.
Trong đó, với 10 gói thầu mua sắm trực tiếp và 2 gói thầu tổ chức theo hình thức chào hàng cạnh tranh, nhân viên PC Bình Thuận tiết lộ thông tin về nhu cầu mua sắm, danh mục hàng hóa và hồ sơ đặc tính kỹ thuật của các gói thầu để tạo lợi thế cho Tập đoàn Tuấn Ân.
Các bị can còn sử dụng báo giá do Công ty CP Thiết bị điện Tuấn Ân và các công ty trong hệ thống của Tập đoàn Tuấn Ân cung cấp để xây dựng dự toán với giá đã được tập đoàn này nâng khống; đồng thời cài đặt thông số, đặc tính kỹ thuật điển hình chỉ có trên các sản phẩm của Tập đoàn Tuấn Ân…
Với 13 gói thầu tổ chức đấu thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi, các bị can tiếp tục sử dụng chiêu trò như đã nêu. Ngoài ra, các bị can còn có hành vi thông thầu bằng việc sử dụng "quân xanh" của Tập đoàn Tuấn Ân.
Sau khi trúng thầu, Chủ tịch Tập đoàn Tuấn Ân chỉ đạo nhân viên chi tiền cho các cá nhân tại PC Bình Thuận. Trong đó, ông Linh nhận hơn 2,3 tỉ đồng, ông Ngôn nhận hơn 1,3 tỉ đồng, ông Trương Tấn Đạt (cựu Phó giám đốc PC Bình Thuận) nhận 4,1 tỉ đồng…

Bị can Trần Ngọc Linh (trái) và Nguyễn Thành Ngôn, 2 cựu giám đốc PC Bình Thuận
ẢNH: BCA
Che giấu lợi nhuận khủng
Vẫn theo cáo trạng, Tập đoàn Tuấn Ân gồm 26 công ty thành viên, hoạt động theo chuỗi sản xuất, phân phối, kinh doanh.
Quá trình đấu thầu, cung cấp hàng hóa cho các công ty điện lực, bị can Huỳnh Tuấn Ân chỉ đạo các công ty thành viên thực hiện phương thức như sau:
Giá vốn các mặt hàng được ông Ân ấn định 10% lợi nhuận (giá gốc + 10%). Trước khi bán cho PC Bình Thuận và các khách hàng khác, Công ty Tuấn Ân Long An phải bán qua đại lý của Tập đoàn Tuấn Ân và giá vốn được kê lên từ 20 - 40%. Sau đó, đại lý bán cho Công ty Thiết bị điện Tuấn Ân rồi công ty này bán cho PC Bình Thuận và các khách hàng khác theo giá trúng thầu.
Thủ đoạn trên giúp Tập đoàn Tuấn Ân thu được một khoản lợi nhuận rất cao đối với các mặt hàng do Tuấn Ân sản xuất, trung bình hơn 40%. Riêng các gói thầu tại PC Bình Thuận, lợi nhuận lên tới 45%.
Để che giấu lợi nhuận thực tế, ông Ân tự thiết lập phần mềm kế toán nội bộ hoạt động song song với phần mềm sử dụng để báo cáo thuế. Một phần mềm phản ánh doanh thu, chi phí, lợi nhuận theo hóa đơn phát sinh với giá trị trên hóa đơn; phần mềm còn lại phản ánh trung thực doanh thu, chi phí lợi nhuận của tập đoàn.
Ông Ân còn chỉ đạo mua 1.163 hóa đơn khống nguyên liệu đầu vào, sau đó hạch toán 2 hệ thống sổ kế toán với mục đích tăng chi phí đầu vào, từ đó làm giảm lợi nhuận để giảm thuế phải nộp.
Với việc lập 2 sổ kế toán, từ 2018 - 2023, 26 công ty thuộc hệ thống Tập đoàn Tuấn Ân đã hạch toán số lợi nhuận để ngoài sổ kế toán hơn 544 tỉ đồng, trái quy định tại luật Kế toán năm 2013.
Theo kết luận giám định, hành vi của các bị can gây thiệt hại về thuế là hơn 156 tỉ đồng.