Công ty cổ phần Rạng Đông Holding (Mã: RDP) đang chứng kiến những biến động lớn về nhân sự và cơ cấu cổ đông, có thể làm thay đổi căn bản các hoạt động của doanh nghiệp ngành nhựa này.
Ngày 5/8, ông Hà Thanh Thiên đã gửi đơn xin từ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật cho công ty, với lý do công việc gia đình. Ông Thiên được bổ nhiệm từ 31/5/2022 cho đến khi bị miễn nhiệm.
Phân phối gần 60% vốn
Ngay sau đó, Hội đồng quản trị ra quyết định chấp thuận đơn từ nhiệm của ông Thanh và đồng thời bầu ông Huỳnh Kim Ngân vào vị trí thay thế. Ông Ngân sinh năm 1976, chưa từng giữ chức vụ nào tại Rạng Đông Holdings được nhận nhiệm vụ mới từ ngày 5/8.
Ông Ngân cũng đang là Giám đốc của Công ty Luật TNHH Doanh nhân Việt Nam và Công ty TNHH Thương mại Hưng Đại Sanh. Ông và các bên liên quan không nắm giữ cổ phần RDP.
Trong năm nay, công ty còn biến động ở vị trí Kế toán trưởng khi ông Nguyễn Việt Hà được bổ nhiệm thay thế ông Đỗ Minh Luân vào tháng 2/2024 và đến tháng 4/2024 lại tiếp tục thay thế bằng người mới là ông Nguyễn Thanh Tùng.
Không chỉ có biến động về mặt nhân sự cấp cao, công ty còn chứng kiến sự thay đổi căn bản về cơ cấu cổ đông, nhất là việc Chủ tịch HĐQT Hồ Đức Lam liên tục bán chủ động và bị bán giải chấp cổ phiếu trong thời gian dài.
Mới nhất vào ngày 1/8, ông Lam bị công ty chứng khoán bán giải chấp 1,17 triệu cổ phiếu RDP, theo đó bị hạ tỷ lệ sở hữu từ mức 8,48% xuống còn 6,09% (tương đương còn nắm giữ 2,9 triệu cổ phiếu RDP).
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, ông đăng ký bán và bị bán giải chấp tổng cộng khoảng hơn 19 triệu cổ phiếu RDP, qua đó giảm sở hữu từ 45% vốn điều lệ xuống chỉ còn 6,09%. Dù vậy, ông vẫn là cổ đông lớn nhất tại doanh nghiệp.
Trong quá khứ, tại thời điểm đầu năm 2022, người đứng đầu HĐQT công ty từng sở hữu đến 64,15% vốn Rạng Đông Holding. Như vậy, trong thời gian chưa đầy 3 năm, ông Lam đã để mất hơn 58% vốn công ty vào tay các cổ đông nhỏ lẻ khác.
Đây là tỷ lệ cổ phần rất lớn được phân phối cho các nhà đầu tư riêng lẻ (hiện không có cổ đông lớn khác ngoài ông Lam). Thị trường chứng khoán từng ghi nhận những đợt bán giải chấp mạnh của các ông chủ doanh nghiệp như Hải Phát, Phát Đạt, Novaland nhưng cũng không quá 30% vốn.
Đà bán mạnh mẽ của ông Lam góp phần đẩy cổ phiếu RDP lao dốc. Thị giá hiện nay quanh vùng đáy lịch sử 2.250 đồng/cp, mất 76% giá trị so với đầu năm. Giá trị vốn hóa thị trường chỉ còn hơn 110 tỷ đồng.
Kinh doanh lao dốc
Cổ phiếu RDP không chỉ ảnh hưởng bởi việc Chủ tịch Rạng Đông Holding phân phối quá nửa vốn doanh nghiệp, mà còn đến từ bối cảnh kết quả kinh doanh không thuận lợi, doanh nghiệp chìm trong thua lỗ và nguồn vốn yếu kém.
Bước ngoặt kinh doanh từ việc Rạng động Holding thua kiện đối tác ngoại Tập đoàn Sojitz và phải trả lại gần 157 tỷ đồng cùng các chi phí liên quan. Vụ thua kiện này khiến chi phí dự phòng của công ty tăng vọt, dẫn đến kết quả thua lỗ.
Thực tế vào tháng 9/2017, công ty ký hợp đồng bán 20% cổ phần công ty con là Nhựa Rạng Đông Long An cho Sojitz với giá hơn 174 tỷ đồng. Đến tháng 3/2020, hai bên xảy ra xung đột và Sojitz quyết định hoàn trả lại cổ phần để đòi lại 90% số tiền (tức 157 tỷ đồng).
Những ảnh hưởng này tiếp tục kéo dài trong nửa đầu năm 2024. Công ty ghi nhận doanh thu bán niên giảm 45% so với cùng kỳ còn 753 tỷ đồng và qua đó lỗ tiếp 65 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 11 tỷ đồng).
So với kế hoạch 2024, doanh nghiệp ngành nhựa mới thực hiện được gần 28% mục tiêu doanh thu và còn khoảng cách xa mới đạt được mục tiêu có lãi sau thuế cả năm 23 tỷ đồng.
Sức khỏe tài chính cũng yếu hơn khi tổng tài sản giảm 7% so với đầu năm về dưới mốc 2.000 tỷ đồng. Trong đó, lượng hàng tồn kho giảm 7% còn 78 tỷ đồng; lượng tiền mặt và tiền gửi nắm giữ giảm 36% xuống mức 62 tỷ đồng.
Công ty chịu áp lực lớn về nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ tới hạn, khi tổng giá trị vay nợ ngắn và dài hạn là 1.232 tỷ đồng, chiếm đến 62% tổng nguồn vốn (chưa kể áp lực trả nợ cho Sojitz vẫn chưa thực hiện). Lỗ lũy kế đã lên đến 266 tỷ đồng.
Trong văn bản giải trình tình trạng chứng khoán bị cảnh báo, ban lãnh đạo cho biết sẽ mở rộng thị trường để tăng doanh thu trong các mảng bao bì, giả da, màng mỏng, mở rộng thị trường xuất khẩu, tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược... để kỳ vọng đến cuối 2025 sẽ khắc phục xong tình trạng lỗ lũy kế.
Đầu tháng 7, Rạng Đông Holding quyết định tạm ngưng hoạt động 2 chi nhánh trong vòng một năm nhưng không nêu lý do cụ thể, gồm chi nhánh tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) và chi nhánh nhà máy bao bì nhựa số 1 tại huyện Củ Chi (TPHCM), lần lượt đến hết ngày 12/7/2025 và 19/7/2025.
Rạng Đông Holding được thành lập từ sau 1975 đến nay, là một trong những doanh nghiệp nhựa đầu tiên tại Việt Nam. Năm 2005, công ty được cổ phần hóa với tên gọi Nhựa Rạng Đông và đến tháng 2009 đưa cổ phiếu lên HOSE. Công ty hiện có vốn điều lệ 491 tỷ đồng.
Ông Hồ Đức Lam là anh em ruột với ông Hồ Quỳnh Hưng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện Quang (Mã: DQC). Ông Hồ Đức Dũng (con ông Lam) cũng là thành viên HĐQT của RDP.