Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) vừa công bố thông tin về cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Theo đó, tính đến ngày 19/7, có tổng cộng 13 cổ đông cá nhân và 4 cổ đông tổ chức sở hữu tổng cộng gần 5,1 tỷ cổ phiếu, tương đương 64,2% vốn điều lệ của VPBank.
Trong đó, danh sách cổ đông cá nhân bao gồm nhóm liên quan tới ông Ngô Chí Dũng (Chủ tịch VPBank, nắm 328,5 triệu cổ phiếu, tương đương 4,141% vốn) là bà Hoàng Anh Minh (vợ ông Dũng, nắm 326,8 triệu cổ phiếu, tương đương 4,118% vốn), bà Vũ Thị Quyên (mẹ ông Dũng, nắm 325,9 triệu cổ phiếu, tương được 4,107% vốn).
Tổng cộng ông Dũng và người liên quan sở hữu 33,648% vốn của VPBank. Tỷ lệ này trước đó vào cuối năm 2023 chỉ là hơn 14%, theo số liệu từ báo cáo quản trị của ngân hàng.
Nhóm liên quan tới ông Bùi Hải Quân (Phó Chủ tịch, nắm 156,3 triệu cổ phiếu, tương đương 1,97% vốn điều lệ) bao gồm bà Kim Ngọc Cẩm Ly (vợ ông Quân, nắm 286,6 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,61% vốn). Tổng cộng hai người sở hữu 5,59% vốn của VPBank.
Nhóm cổ đông liên quan tới ông Lô Bằng Giang (Phó Chủ tịch) gồm có bà Lý Thị Thu Hà (mẹ ông Giang, nắm 282,1 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,61% vốn) và bà Nguyễn Thu Thủy (vợ ông Giang, nắm 203,3 triệu cổ phiếu, tương ứng 2,56% vốn). Ông Giang nắm chưa tới 1% và không xuất hiện trong danh sách.
Ngoài ra, trong danh sách này còn có cái tên quen thuộc là ông Nguyễn Đức Vinh (Tổng Giám đốc, nắm 104,9 triệu cổ phiếu, tương ứng 1,32% vốn điều lệ). Tổng số cổ phiếu mà ông Vinh và người liên quan nắm tương ứng 2,88% vốn của VPBank.
Những cái tên không xuất hiện trong HĐQT, Ban Điều hành hay Ban Kiểm soát của VPBank bao gồm ông Trần Ngọc Trung (nắm 305,1 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,85% vốn), bà Trần Ngọc Lan (năm 309,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,9% vốn), ông Lê Việt Anh (nắm 280 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,53% vốn), bà Lê Minh Anh (nắm 214,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 2,71% vốn) và ông Nguyễn Mạnh Cường (nắm 111,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 1,45% vốn).
Tổng cộng, các cổ đông cá nhân sở hữu 3,24 tỷ cổ phiếu, hay 40,8% vốn điều lệ của VPBank.
Dẫn đầu về sở hữu của nhóm cổ đông tổ chức là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) là cổ đông chiến lược của VPBank, nắm gần 1,2 tỷ cổ phiếu, tương đương 15% vốn điều lệ. Ngoài ra, CTCP DIERA (có liên quan tới Chủ tịch VPBank) đang nắm 348,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,39% vốn điều lệ.
Ngoài ra, hai quỹ đầu tư là Composite Capital Master Fund và Vietnam Enterprise Investments lần lượt nắm 216,6 triệu cổ phiếu và 101 triệu cổ phiếu VPBank, tương ứng 2,73% và 1,28% vốn ngân hàng này.
Theo quy định tại Điều 63 Luật Các TCTD 2024, cổ đông cá nhân không nắm quá 5% vốn điều lệ của ngân hàng; cổ đông tổ chức không nắm quá 10% vốn; cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn. Cổ đông và người liên sở hữu vượt trần sẽ không thể tăng tỷ lệ sở hữu cho tới khi tuần thủ quy định.
Điều 63. Tỷ lệ sở hữu cổ phần
1. Một cổ đông là cá nhân không được sở hữu cổ phần vượt quá 05% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.
2. Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.
3. Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 05% vốn điều lệ trở lên của một tổ chức tín dụng khác.
4. Quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này không áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
a) Sở hữu cổ phần tại công ty con, công ty liên kết là tổ chức tín dụng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 111 của Luật này;
b) Sở hữu cổ phần nhà nước tại tổ chức tín dụng cổ phần hóa;
c) Sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài quy định tại khoản 7 Điều này.
5. Tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này bao gồm cả số cổ phần sở hữu gián tiếp. Tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại khoản 3 Điều này bao gồm cả cổ phần do cổ đông ủy thác cho tổ chức, cá nhân khác mua cổ phần và không bao gồm sở hữu cổ phần theo quy định tại điểm a khoản 9 Điều 4 của Luật này.
6. Trong thời hạn 05 năm kể từ ngày tổ chức tín dụng được cấp Giấy phép, các cổ đông sáng lập phải nắm giữ số cổ phần tối thiểu bằng 50% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; các cổ đông sáng lập là pháp nhân phải nắm giữ số cổ phần tối thiểu bằng 50% tổng số cổ phần do các cổ đông sáng lập nắm giữ.
7. Nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam. Chính phủ quy định tổng mức sở hữu cổ phần tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài, tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức, tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư đó tại một tổ chức tín dụng Việt Nam; điều kiện, thủ tục nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam; điều kiện đối với tổ chức tín dụng Việt Nam bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.
(Trích Luật các TCTD năm 2024)