Xã hội

Chủ tịch Hà Nội: Truyền thông là một phần cấu thành của quản trị nhà nước

Tóm tắt:
  • Ngày 9.5, Hà Nội khai trương Trung tâm Báo chí thủ đô tại 17 Điện Biên Phủ, Ba Đình.
  • Trung tâm là nơi tập trung thông tin chính thống, phục vụ báo chí và công chúng trong kỷ nguyên số.
  • Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh tầm quan trọng của thông tin trong quản trị nhà nước và cạnh tranh địa phương.
  • Trung tâm hoạt động theo cơ chế "mở", kết nối đa chiều, hỗ trợ truyền thông minh và liên thông dữ liệu.
  • Đây là văn phòng làm việc thứ hai cho báo chí, góp phần xây dựng chính quyền điện tử hiện đại, minh bạch, vì dân.

Chiều 9.5, UBND TP.Hà Nội khai trương Trung tâm Báo chí thủ đô tại địa chỉ số 17 Điện Biên Phủ (Q.Ba Đình). Đây là trung tâm báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, hiện đại đầu tiên của thành phố, được xây dựng nhằm phục vụ yêu cầu nâng cao chất lượng thông tin truyền thông trong kỷ nguyên số.

Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh khai trương Trung tâm Báo chí thủ đô hiện đại - Ảnh 1.

Trung tâm Báo chí thủ đô ở địa chỉ số 17 Điện Biên Phủ, Q.Ba Đình, Hà Nội

ẢNH: PHẠM LINH

Trung tâm được kỳ vọng sẽ trở thành đầu mối tập trung các hoạt động truyền thông báo chí của thành phố, là nơi tiếp nhận, tổng hợp, xử lý và cung cấp thông tin chính thống từ các sở ngành, địa phương đến báo chí và công chúng. Qua đó, góp phần xây dựng hình ảnh một chính quyền đô thị điện tử, hiện đại, thân thiện, minh bạch và vì dân.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, việc khai trương Trung tâm Báo chí thủ đô là hành động thiết thực hướng tới mục tiêu phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp và cộng đồng báo chí - truyền thông trong và ngoài nước.

Theo ông Thanh, Hà Nội xác định trong kỷ nguyên của dữ liệu lớn và kết nối số thì thông tin không còn là "một chiều" hay "tuyên truyền" mà trở thành một phần cấu thành của quản trị nhà nước, là năng lực cạnh tranh của địa phương, là "tài sản chiến lược" của quốc gia. 

Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh khai trương Trung tâm Báo chí thủ đô hiện đại - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại buổi lễ khai trương

ẢNH: PHẠM LINH

Người đứng đầu chính quyền TP.Hà Nội kỳ vọng trong thời gian tới, Trung tâm Báo chí thủ đô phải thực sự là trung tâm "mở" - nơi mọi tiếng nói được lắng nghe, mọi dữ liệu được kết nối, thông tin được chia sẻ "minh bạch - chính xác - kịp thời".

Cùng đó, các sở ngành, chính quyền địa phương phải xác định truyền thông là một phần trong công cụ quản trị. Không né tránh truyền thông, mà chủ động hợp tác, cung cấp thông tin, đối thoại và xử lý với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

"Các cơ quan báo chí T.Ư và địa phương từ nay có thể coi Trung tâm Báo chí thủ đô là "văn phòng làm việc thứ hai" của mình. Tôi mong rằng các nhà báo, phóng viên, biên tập viên sẽ tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh nghề nghiệp và tình yêu Hà Nội để đồng hành cùng thành phố xây dựng thủ đô ngày càng phát triển bền vững", ông Thanh bày tỏ.

Tại buổi lễ, Giám đốc Trung tâm truyền thông, dữ liệu và công nghệ số TP.Hà Nội Đỗ Đình Sơn nhấn mạnh, Trung tâm Báo chí thủ đô không đơn thuần chỉ là một điểm kết nối báo chí, mà quan trọng hơn là một thiết chế hạ tầng truyền thông "đa tầng - đa chiều - liên kết - thông minh".

"Đặc biệt, lần đầu tiên, Hà Nội có một thiết chế truyền thông hoạt động theo cơ chế "mở" - kết nối trực tiếp với hệ thống các điểm cầu tại các địa phương, cho phép điều phối thông tin liên thông từ cấp cơ sở đến trung tâm và ngược lại. Đây là nền tảng quan trọng để xây dựng chính quyền số - truyền thông số - phục vụ công dân số", ông Sơn nói.

Các tin khác

"Làm việc ngày đêm" thể chế hoá nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân

Bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) thông tin, hai tháng vừa qua, đội ngũ gần như làm việc không nghỉ, ngày đêm triển khai các nội dung lớn để thể chế hoá Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Panasonic sa thải 10.000 nhân viên trên toàn cầu

Tập đoàn Panasonic sẽ cắt giảm 10.000 nhân viên, tương đương hơn 4% tổng số lao động, nhằm loại bỏ các mảng kinh doanh không tăng trưởng và cải thiện lợi nhuận.