Năm 2022, nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19. Tăng trưởng GDP cả năm 2022 ước đạt 8%, trong khi lạm phát vẫn được kiểm soát tốt bất chấp lạm phát toàn cầu tăng nhanh.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn đối diện với nhiều thách thức, như rủi ro từ bên ngoài vẫn hiện hữu, thu hẹp thị trường xuất khẩu, FDI và rủi ro dịch chuyển dòng vốn đầu tư gián tiếp; áp lực lên lãi suất, tỷ giá còn cao trong khi dư địa chính sách tiền tệ bị thu hẹp; thị trường chứng khoán và bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; nợ xấu tiềm ẩn tăng lên...
Năm 2023, kinh tế toàn cầu được dự báo chỉ tăng trưởng khoảng 2,2-2,5%. Tại Việt Nam, IMF và WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6,7% hay 6-6,5%. Lạm phát cũng sẽ cao hơn, CPI bình quân dự báo tăng 4-4,5. Trong bối cảnh đó, các kênh đầu tư cũng sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể, bài viết sau đây đánh giá nhanh về kết quả của các kênh đầu tư năm 2022 và triển vọng của một số kênh đầu tư trong năm 2023.
Lợi suất của các kênh đầu tư năm 2022
Kênh tiền gửi tiết kiệm ngân hàng:
Trong bối cảnh kinh tế bất ổn, kênh đầu tư an toàn như tiền gửi tiết kiệm nên được xem xét, quan tâm hơn. Trong quý 1 và quý 2 năm 2022, lãi suất huy động được duy trì ở mức thấp để hỗ trợ cho việc giảm lãi suất cho vay, giúp tăng tốc phục hồi kinh tế.
Từ quý 3/2022, tiền gửi vào hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng rất chậm, đến hết tháng 11 mới đạt 5,5% (cả năm 2021 đạt 9%), chỉ bằng gần một nửa so với tốc độ tăng trưởng của tín dụng (12,2%). Do đó, để đảm bảo thanh khoản, các ngân hàng thương mại (NHTM) bắt đầu tăng lãi suất huy động.
Tính đến cuối tháng 12/2022, lãi suất huy động cá nhân trung bình kỳ hạn 12 tháng của 4 NHTM Nhà nước là 7,4%, tăng 1,83 điểm % so với đầu năm; còn lãi suất huy động tổ chức trung bình kỳ hạn 12 tháng là 6,4%, tăng 1,43 điểm % so với đầu năm.
Do việc tăng lãi suất chỉ diễn ra từ quý 3/2022, nên chưa tác động nhiều đến thu từ tiền gửi tiết kiệm của người gửi tiền cả năm 2022. Nếu loại trừ đi yếu tố lạm phát, thì người gửi tiết kiệm từ đầu năm 2022 được hưởng lãi suất thực dương vào khoảng 4-5%.
Đối với thị trường chứng khoán (TTCK):
Với thị trường chứng khoán, kể từ đầu năm đến hết ngày 21/12/2022, VNIndex giảm từ mức khoảng 1.500 điểm xuống 1.018,88 điểm (giảm gần 32%). Ngoài sự suy giảm về quy mô, thị trường cổ phiếu cũng không còn giữ được sự sôi động như cuối năm 2021. Thanh khoản của thị trường đã sụt giảm đáng kể, giá trị giao dịch bình quân trên sàn HOSE trong tháng 11 chỉ còn 11,4 nghìn tỷ VND/phiên, giảm 42% so với cuối năm 2021.
Trên thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP), đến hết tháng 11, Kho bạc Nhà nước đã phát hành tổng cộng 182.222 tỷ đồng TPCP, tương ứng 46% kế hoạch năm 2022 và đạt 85% kế hoạch điều chỉnh dự kiến năm 2022 (215.000 tỷ đồng).
Số lượng giao dịch trên thị trường cũng ảm đạm hơn: giá trị giao dịch trung bình/ngày của giao dịch Outright ở mức 1.367 tỷ đồng/ngày, giảm 42,4% so với tháng trước và Repo là 1.864 tỷ đồng/ngày, giảm 23,7% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, khối lượng giao dịch Outright tháng 11 giảm 83,5% và khối lượng giao dịch Repo giảm 68,7%.
Về thị trường trái phiếu:
Đối với trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, tổng quy mô phát hành TPDN 11 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt khoảng 336 nghìn tỷ đồng, giảm hơn 57% so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó phát hành ra công chúng giảm 60%, phát hành riêng lẻ giảm 56%).
Không chỉ giảm mạnh về giá trị phát hành, nhiều doanh nghiệp đang chủ động mua lại trái phiếu đã phát hành, tổng giá trị mua lại khoảng 163 nghìn tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ. Đặc biệt, sau sự việc Vạn Thịnh Phát, việc mua lại trái phiếu trước hạn càng tăng mạnh do niềm tin suy giảm mạnh. Điều này cho thấy kênh đầu tư TPDN có thể hưởng lãi suất khoảng 8-9%/năm nhưng rủi ro là khá lớn.
Đối với kênh đầu tư bất động sản (BĐS):
Các chuyên gia nhận định rằng, khó khăn của thị trường hiện tại xuất phát từ khủng hoảng niềm tin do tác động của những vụ việc sai phạm của các tập đoàn lớn. Ngoài ra, vần đề vướng mắc về pháp lý, vốn và giá BĐS còn cao vẫn đang là rào cản lớn.
Tuy nhiên, với triển vọng phát triển kinh tế tương đối tích cực, cùng với việc các cơ quan quản lý đang quyết liệt xử lý các vi phạm, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ phục hồi từ giữa quý III hoặc đầu quý IV/2023.
Trong năm 2022, BĐS tiếp tục là một kênh đầu tư được quan tâm. Trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường BĐS Việt Nam diễn biến khá tích cực, song bắt đầu từ quý 3, thị trường có dấu hiệu chững lại, phân hóa.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tới thời điểm hết Quý III/2022, giá các chung cư tăng nhẹ, chủ yếu do không còn nguồn cung căn hộ với mức giá dưới 25 triệu VND/m2 tại khu vực gần trung tâm Hà Nội và TP HCM, trong khi giá nhà ở thương mại cấp cao và cấp trung, đất nền, nhà cho thuê lại có xu hướng giảm, trong khi BĐS du lịch, nghỉ dưỡng cho thuê chủ yếu phục vụ du lịch nội địa, giao dịch mua – bán gần như đóng băng.
Theo thống kê của Batdongsan.com.vn, lợi suất cho thuê nhà phố bình quân tại Hà Nội đạt 3%/năm trong 9 tháng đầu năm, ở TP HCM là 2,9%/năm, mức này điều thấp hơn mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm, cho thấy lợi nhuận khi đầu tư vào thị trường BĐS hiện không cao do giá BĐS đang có dấu hiệu chững lại và giảm nhẹ từ Quý III, còn thu nhập từ cho thuê tăng không đáng kể. Sang năm 2023, thị trường BĐS được dự báo phải đến giữa quý III hoặc đầu quý IV mới có thể phục hồi.
Đối với thị trường vàng
Với thị trường vàng, năm 2022 giá vàng SJC đã lập đỉnh mới, đạt hơn 73 triệu đồng/lượng vào tháng 3/2022, sau đó giảm nhẹ và tại thời điểm 21/12/2022 đạt 67,2 triệu đồng/lượng.
Lợi nhuận trong năm qua từ đầu tư vàng SJC ở khoảng 6-8%, cho thấy vàng là một kênh đầu tư an toàn, ổn định, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, mức sinh lời ở mức trung bình và thanh khoản thị trường không nhộn nhịp như giai đoạn trước năm 2015.
2023: Tiền gửi là đáng để xem xét
Trong bối cảnh kinh tế đối mặt với nhiều rủi ro, bất ổn, tiền gửi tiết kiệm sẽ là một kênh đầu tư đáng để xem xét. Việc Fed được dự báo sẽ tiếp tục tăng lãi suất đến đến hết Quý I/2023, từ đó còn ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất tại Việt Nam ít nhất là hết quý II/2023 và còn duy trì ở mức cao.
Nguyên nhân là do lạm phát của Việt Nam có độ trễ và dự báo tăng cao hơn trong năm 2023; bài toán cân bằng lãi suất và tỷ giá đã được đặt ra, và đây là các yếu tố ảnh hưởng tới lãi suất trong năm 2023.
Tuy nhiên, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu ngành ngân hàng phấn đấu giảm lãi suất cho vay, dự kiến NHNN sẽ có các điều chỉnh về chính sách tiền tệ để hỗ trợ các ngân hàng về mặt thanh khoản, qua đó sẽ khiến lãi suất huy động vốn khó có thể tiếp tục tăng, song sẽ vẫn ở mức hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác.
VN Index có thể tăng 10-15% trong năm 2023
Đối với kênh TTCK, về tổng thể, triển vọng của thị trường cổ phiếu Việt Nam vẫn ở mức khả quan, khi tăng trưởng GDP năm 2023, dù có giảm, vẫn dự báo ở mức cao so với thế giới, lạm phát tiếp tục được kiểm soát.
Đợt điều chỉnh này cũng khiến cho mức định giá của các cổ phiếu trở về mức hấp dẫn với các nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư dài hạn. P/E của VN Index đãgiảm xuống khoảng 10 lần, trong tháng 11/2022, mức mà thị trường mới chỉ hai lần chạm phải vào năm 2008 và 2012).
Trên thực tế, các nhận định này đã phần nào được thể hiện qua việc tổng giao dịch của khối ngoại trên sàn giao dịch HOSE đạt hơn 64 nghìn tỷ VND trong tháng 11, tăng 5% so với tháng 12/2021.
Trong đó, quan trọng nhất là việc khối này đã mua ròng hơn gần 15.000 tỷ VND trong tháng 11, làm đảo chiều quy mô giao dịch tính từ đầu năm thành mua ròng với tổng số tiền khoảng gần 25.000 tỷ VND trong 11 tháng đầu năm.
Các hành vi sai phạm như thao túng thị trường bị xử lý cũng giúp thị trường trở nên lành mạnh hơn. Do đó, thị trường cổ phiếu hiện nay có thể phù hợp với các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao hơn và theo giá trị, dài hạn. Nhiều khả năng chỉ số chứng khoán VN Index sẽ phục hồi nhẹ, tăng khoảng 10-15% trong năm 2023.
TPDN, bất động sản đòi hỏi dài hạn hơn
Về thị trường trái phiếu, việc Chính phủ ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP phần nào giúp thị trường trở nên an toàn và phát triển bền vững hơn, nhưng cũng cần có điều chỉnh với lộ trình phù hợp hơn. Bên cạnh đó, trong năm 2022, các cơ quan quản lý đã quyết liệt xử lý các vi phạm liên quan đến phát hành TPDN, qua đó giúp thị trường phát triển bền vững hơn trong dài hạn.
Tuy nhiên, do Nghị định 65 đã siết chặt hơn hoạt động phát hành TPDN riêng lẻ. Để tháo gỡ khó khăn hiện tại và năm tới, dự kiến Nghị định 65 được sửa đổi theo hướng cởi mở hơn sẽ tạo điều kiện khôi phục thị trường TPDN trong 1-2 năm tới.
TPDN vẫn là một thị trường có nhiều rủi ro, không phù hợp với phần đông các nhà đầu tư cá nhân, thiếu chuyên nghiệp.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia
Thời điểm hiện nay, kênh đầu tư này phù hợp hơn đối với những nhà đầu tư có kiến thức về thị trường tài chính, có khả năng phân tích tình trạng hoạt động của doanh nghiệp và dùng ít đòn bẩy tài chính, đa dạng hóa, nhất là nhà đầu tư tổ chức.
Đối với thị trường BĐS, triển vọng phát triển kinh tế tương đối tích cực, cùng với việc các cơ quan quản lý đang quyết liệt xử lý các vi phạm, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ phục hồi từ giữa quý III hoặc đầu quý IV/2023.
Nguyên nhân chính là do lực cầu thị trường, nhất là các phân khúc như BĐS nhà ở, khu công nghiệp... vẫn khá tốt; các vụ việc vi phạm và vấn đề TPDN đáo hạn đến thời điểm đó cơ bản được giải quyết, văn bản sửa đổi Nghị định 65 góp phần khơi thông dòng vốn cho các chủ đầu tư, doanh nghiệp BĐS để tiếp tục thực hiện các dự án, qua đó tạo ra thêm nguồn cung cho thị trường,…
Đối với thị trường vàng, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều bất định, rủi ro, đầu tư vàng sẽ trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư bởi tính an toàn, ổn định. Tuy nhiên, như trên đã nêu, mức sinh lời chỉ ở mức trung bình và thanh khoản thị trường vừa phải do Chính phủ, NHNN kiên định chính sách ổn định thị trường vàng và giảm tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế.
Ba xu hướng đầu tư mới đã và đang xuất hiện trên toàn cầu và tại Việt Nam; đó là: (i) tỷ suất sinh lợi mong đợi cao hơn (do rủi ro hơn, lãi suất cao); (ii) muốn đầu tư ngắn hạn hơn (trừ các nhà đầu tư trường vốn, chiến lược đầu tư lâu dài lâu nay); (iii) chiến lược đầu tư thay đổi (tập trung nhiều hơn vào tài sản ít rủi ro và đa dạng hóa).
Theo đó, phân chia theo khẩu vị rủi ro từ thấp tới cao, kênh tiền gửi tiết kiệm và vàng vẫn được coi là an toàn, nhất là kênh gửi tiết kiệm vẫn hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư trong bối cảnh lãi suất huy động được dự báo sẽ vẫn duy trì ở mức cao trong năm 2023.
Bất động sản, chứng khoán có thể tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn, nhưng ứng với mức độ rủi ro cao hơn và đòi hỏi dài hạn hơn. Nhà đầu tư nên quyết định theo khẩu vị rủi ro, năng lực tài chính và mức độ hiểu biết, kinh nghiệm của mình, trên nguyên tắc “đa dạng hóa, đòn bẩy tài chính vừa phải và đầu tư qua tổ chức chuyên nghiệp nhiều hơn”.
TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tài chính - Tiền tệ Quốc gia và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV