Doanh nghiệp

Chính phủ yêu cầu Vietnam Airlines chuyển Skypec sang PVN

Trong thông báo kết luận ngày 23/6 của Thường trực Chính phủ tại cuộc làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) và 19 tập đoàn, tổng công ty về sản xuất kinh doanh, Thường trực Chính phủ yêu cầu CMSC xử lý phương án chuyển nhượng Công ty Nhiên liệu hàng không (Skypec) từ Vietnam Airlines (Mã: HVN) về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Đây là nhiệm vụ đã được giao cho hai tập đoàn này vào tháng 9/2022.

Phương án chuyển Skypec về PVN nhằm hỗ trợ tái cơ cấu Vietnam Airlines và phát triển năng lực của PVN trong chuỗi sản xuất, cung ứng xăng dầu.

Trường hợp phát sinh vấn đề vượt thẩm quyền, CMSC được yêu cầu báo cáo các bộ và đề xuất hướng xử lý, báo cáo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trước ngày 15/7.

Trước đó, hồi đầu tháng 2/2023, Vietnam Airlines đã có ý định bán vốn tại Skypec và thông báo mời các đơn vị tư vấn lập và triển khai phương án chuyển nhượng vốn. Thời hạn muộn nhất để các đơn vị gửi hồ sơ tham gia chào giá cung cấp gói dịch vụ trên là 16h ngày 8/2. Tổ Triển khai chuyển nhượng vốn của Vietnam Airlines tại Skypec là đơn vị tiếp nhận hồ sơ.

Skypec được thành lập năm 1993, hiện có vốn điều lệ 800 tỷ đồng, do Vietnam Airlines sở hữu 100%. Theo giới thiệu tại website công ty, Skypec có khoảng 1.300 cán bộ công nhân viên và đang dẫn đầu trên thị trường nhiên liệu hàng không trong nước và khu vực với hệ thống kho chứa trên 210.000 m3, mạng lưới hoạt động tại 18 cảng hàng không trên toàn lãnh thổ Việt Nam và 4 sân bay quốc tế lớn của Hàn Quốc.

Theo số liệu từ báo cáo thường niên Vietnam Airlines, Skypec liên tục có lãi trong những năm gần đây. Đỉnh cao vào năm 2019, công ty nhiên liệu hàng không này đạt sản lượng tiêu thụ 1,8 triệu tấn, đáp ứng cho hơn 226.800 chuyến bay, tăng 9% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu xấp xỉ 29.400 tỷ đồng, nhích 1% so với năm trước đó. Lãi trước thuế 653 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 66%. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 65,9%.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo thường niên của Vietnam Airlines.

  Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo thường niên của Vietnam Airlines.

 

Sang hai năm 2020 và 2021 do đại dịch COVID-19, kết quả kinh doanh của Skypec đi xuống. Hiện Vietnam Airlines chưa công bố số liệu về hoạt động của Skypec năm 2022.

Tính đến nay, Vietnam Airlines đã có 13 quý liên tiếp thua lỗ tính từ quý I/2020 và chưa công bố báo cáo năm 2022 đã kiểm toán cũng như tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết khỏi sàn HOSE vì kết quả kinh doanh lỗ ba năm liên tục (2019 - 2022), lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp và vốn chủ sở hữu âm.

Nếu thương vụ thoái vốn khỏi Skypec thành công, điều này có thể giúp cải thiện kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines năm 2023.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm