Giới phân tích nhận định, doanh nghiệp sẽ vẫn tiếp tục phải “đương đầu” với nhiều khó khăn, thách thức trong trong thời gian tới khi nhu cầu thấp đối với các sản phẩm may mặc do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu và mức tồn kho cao ở các nhà bán lẻ lớn nước ngoài.
Bên cạnh đó, dù lãi suất từ đầu năm giảm dần nhưng vẫn ở mặt bằng cao gây áp lực lớn về chi phí với doanh nghiệp. Trước các khó khăn, doanh nghiệp dệt may đang tận dụng các cơ hội nhằm cải thiện biên lợi nhuận.
Theo nhóm phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS), nhu cầu thế giới về các sản phẩm ngành dệt may năm 2023 sẽ giảm khoảng 5% so với năm 2022.
Thực tế, không chỉ Việt Nam mà kể cả các quốc gia đang làm may mặc xuất khẩu đều có tín hiệu giảm sút về đơn hàng. Lý do lớn nhất hiện nay chính là giảm cầu tiêu thụ, xuất phát từ lạm phát tăng quá cao. Khi giá cả tăng quá cao thì khách hàng lại tập trung vào những mặt hàng thiết yếu nhiều hơn những mặt hàng tiêu dùng khác điều này đã khiến rất nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất.
Trong nước, quý II/2023, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với khó khăn do sức mua từ các thị trường lớn như Mỹ, EU giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp chưa có đơn hàng trong các tháng gần đây, SBS cho biết.
Mặc dù năng lực chủ động nguồn cung trong nước đang tăng dần tỷ trọng qua từng năm tuy nhiên nguyên phụ liệu kỹ thuật cao vẫn đang phải nhập khẩu. Ngoài ra, thách thức còn đến từ các tiêu chuẩn kép của nhãn hàng và các nhà nhập khẩu, cạnh tranh về giá với các nước có chi phí tiền lương thấp.
SBS cũng cho rằng, mặt bằng lãi suất đã có chiều hướng hạ nhiệt hơn, lãi suất phát sinh mới có xu hướng giảm dần, nhưng hiện mặt bằng lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại còn cao.
Trong ngắn hạn, nhu cầu vốn của ngành dệt may là rất lớn, để có thể chuyển đổi xanh, phát triển năng lượng tái tạo, kinh doanh tuần hoàn, truy soát nguồn gốc về lao động và môi trường để đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu như thị trường EU hay Mỹ.
Lãi suất cao không chỉ khiến doanh nghiệp phải dừng các dự án mở rộng thị trường mà còn hạn chế đầu tư, nâng cấp máy móc và trang thiết bị hiện có ở nhà xưởng. Có thể nói, đây là một trong những nguyên nhân chính làm chậm quá trình hiện đại hóa, tự động hóa, giảm tốc độ tăng trưởng và chất lượng sản phẩm.
Từ đó khiến doanh nghiệp mất sức cạnh tranh với thị trường quốc tế, không tạo ra công ăn việc làm cho người lao động và hạn chế cơ hội đón đầu các đơn hàng mới vì công suất có giới hạn.
Thực trạng với nhiều doanh nghiệp hiện nay là lợi nhuận các đơn hàng hiện rất thấp do thị trường đang khó khăn dẫn đến biên lợi nhuận rất nhỏ, doanh nghiệp chỉ đủ đóng tiền lãi, nhiều khi doanh nghiệp phải chịu lỗ để duy trì sản xuất, giữ chân lao động, SBS nhận định.
Bên cạnh đó, đội ngũ nhân lực quản lý và kỹ thuật trong ngành dệt và nhuộm còn thiếu cũng làm hạn chế việc nâng cao năng suất và cải tiến chất lượng sản phẩm.
Mặc dù chi phí lao động rẻ, nhưng chi phí bình quân cho một đơn vị sản phẩm của Việt Nam vẫn cao hơn một số nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia khoảng 30 - 40%, trong khi năng suất lao động thấp và chỉ bằng 2/3 so với các nước trong khu vực.
Trung bình mỗi tháng, Việt Nam phải chi hơn 2 tỷ USD để nhập nguyên liệu, bao gồm: Bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu cho các ngành dệt, may, da, giày... chủ yếu nhập từ Trung Quốc.
Đứng trước bài toán khó về nguồn nguyên liệu, một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đang đầu tư nghiên cứu phát triển nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất, nâng cao tính chủ động nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Vấn đề lớn nhất đối với ngành dệt may là khâu nhuộm hoàn tất, công nghệ ngành dệt, nhuộm và hoàn tất còn lạc hậu, chưa chủ động được nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Công nghiệp sản xuất các sản phẩm phụ trợ còn yếu. Thêm nữa, lo ngại về vấn đề ô nhiễm môi trường trong ngành dệt, nhuộm và hoàn tất cũng khiến các địa phương từ chối các dự án đầu tư vào lĩnh vực này.
Ngoài ra, xung đột Nga – Ukraine làm gián đoạn nguồn nguyên vật liệu khiến giá cả đầu vào của ngành dệt may bị đẩy lên cao. Nga và Ukraine có thị phần nhỏ trong sản xuất và thương mại hàng dệt may toàn cầu, nhưng điều đó không có nghĩa là ngành dệt may miễn nhiễm với các tác động của xung đột quân sự.
Chuyên gia SBS cũng nhận định, chuyển đổi xanh đang là thách thức với doanh nghiệp dệt may. Việc chậm chân so với Bangladesh khiến Việt Nam mất đơn hàng.
Ngành dệt may Việt Nam đã bị mất đơn hàng vào tay Bangladesh do khách hàng đến từ châu Âu rất đề cao môi trường, các nhà máy ở Bangladesh làm rất tốt tiêu chí này nên được khách hàng lựa chọn, còn Việt Nam do chậm hơn nên bị mất cơ hội.
Năm 2023, Bangladesh có tới 153 nhà máy đạt chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường), họ cũng có 500 nhà máy hiện đang nộp hồ sơ để nhận chứng nhận này.
Hiện tiêu chuẩn LEED được đánh giá trên sáu yếu tố chính bao gồm: Vật liệu và tài nguyên, chất lượng môi trường trong nhà, năng lượng và khí quyển, hiệu quả sử dụng nước, các khía cạnh bền vững, đổi mới trong hoạt động và ưu tiên khu vực...
Nhóm chuyên gia phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) cho biết, chưa thấy sự trở lại rõ rệt của ngành may mặc khi doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn giữ tâm lý “phòng thủ” và cắt giảm chi tiêu cho hàng lâu bền.
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu sơ bộ hàng dệt may của Việt Nam trong tháng 5 đạt 2,92 tỷ USD, tăng 14,8% so với tháng trước, nhưng giảm 8% so với cùng kỳ.
“Kết quả tháng 5 lại thắp lên một hy vọng mới khi đây là tháng tăng trưởng mạnh nhất trong 9 tháng qua”, chuyên gia từ KIS nhìn nhận.
Tuy đối diện với rất nhiều khó khăn, nhưng doanh nghiệp dệt may vẫn có những yếu tố tích cực hỗ trợ. Đầu tiên là việc hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Tận dụng cơ hội mang lại từ 15 Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia thị trường xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp đã mở rộng, vươn xa ra nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới; trong đó, tập trung ở các thị trường quan trọng như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Mặt hàng dệt may đã trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu được hưởng lợi nhất khi các FTA thế hệ mới có hiệu lực.
Trong năm 2023, các mặt hàng xuất khẩu sang EU giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình của Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA); trong đó, các sản phẩm thuộc danh mục B3 sẽ được hưởng thuế suất 0% điều này giúp hàng dệt may Việt Nam có thêm sức cạnh tranh tại thị trường này, khi các đối thủ chính như Bangladesh, Pakistan đang được hưởng thuế suất ưu đãi 0%.
Các thị trường thuộc khuôn khổ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) như Canada, Mexico ghi nhận tăng trưởng tích cực trong năm 2022 và nhiều khả năng CPTPP sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả nhờ vào ưu đãi thuế từ hiệp định.
Bên cạnh đó, giá cước vận tải biển giảm làm giảm áp lực chi phí cho doanh nghiệp dệt may; chuỗi cung ứng ổn định, đặc biệt mảng sợi khi Trung Quốc mở cửa trở lại cũng là yếu tố hỗ trợ doanh nghiệp. Giá đầu vào giảm nhiệt sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận.